Chia sẻ từ trái tim - Khi im lặng còn mạnh hơn cả sấm sét 

22/07/2024 09:00
Chia sẻ từ trái tim - Khi im lặng còn mạnh hơn cả sấm sét 

Khi thấy người khác nóng giận, mình có nên nói gì thêm không? Không. Mình nói sẽ làm cho cơn giận của họ tăng thêm, vì lúc đó trong mắt họ, mình là một người dễ ghét vô cùng.

 Khi nào mình cần im lặng?

Một lần, một người đến gặp Phật nói những lời xúc phạm nhưng Phật vẫn im lặng, không nói gì hết. Người kia nói: “Tôi chửi ông đó, ông có nghe không?”. Phật đáp: “Tôi có nghe”. Người kia mới nói: “Ông nghe mà sao không trả lời?”. Phật nói: “Ví dụ, ông đem bánh tới cho tôi ăn, nếu tôi không ăn thì ông làm gì?”. Người kia nói: “Thì tôi mang về”. Phật nói: “Cũng như vậy, những lời ông nói nãy giờ, tôi không nhận đâu, ông đem về đi”. Đây là đoạn người ta thêm vô, chứ thật ra Phật im lặng, không nói gì thêm. Sự im lặng của đức Phật là đẹp tột cùng rồi, nói làm chi để người ta đi về tức cành hông. Nhiều khi mình nghĩ mình thêm câu đó vô để nâng đức Phật lên nhưng chưa chắc. Tốt nhất là đức Phật cứ im lặng như vậy. Không động được tới ngài, ông kia sẽ đi về thôi.

 Cho nên khi thấy người khác nóng giận, mình có nên nói gì thêm không? Không. Mình nói sẽ làm cho cơn giận của họ tăng thêm, vì lúc đó trong mắt họ, mình là một người dễ ghét vô cùng.

Vậy trong những tình huống nào mình nên im lặng?

Thứ nhất, khi mình nói chuyện với một người đang lên cơn giận. Đừng nói gì hết. Nếu người đó lớn hơn mình, họ sẽ nói mình hỗn; nếu nhỏ hơn mình, họ sẽ nói mình “ỷ lớn ăn hiếp nhỏ”; nếu người đó ngang hàng với mình, thể nào mình và họ cũng đánh lộn. Như vậy thì không hay, nên im lặng là tốt nhất. Khi một người đang giận, lời nói của họ chắc chắn không dễ thương và lúc đó nhìn mặt mình họ cũng thấy ghét, nghe tiếng mình họ càng thấy ghét hơn. Họ sẽ không muốn nghe mình nói. Cho nên đừng nên nói gì hết, chỉ im lặng thôi. Vì vậy mình có câu “Có khi nhẫn để yêu thương, có khi nhẫn để tìm đường tiến thân”. “Nhẫn một chút thì sóng yên, gió lặng. Lùi một bước thì biển rộng trời cao.” Có phải vậy không? Vậy im lặng có làm mình thiệt thòi không? Không. Nếu là người tỉnh thức, mình sẽ biết sự im lặng lúc đó rất cần thiết. 

Ngoài ra, mình cần im lặng trong tình huống nào?

Khi người ở bên cạnh mình đang cảm thấy rối rắm, đau khổ. Thấy người ta đang khổ, không phải mình nói nhiều hay an ủi họ là tốt đâu. Chỉ cần ngồi bên cạnh, nắm tay người hoặc choàng tay lên vai người đó vỗ về, họ sẽ cảm nhận được. Lúc đó, điều họ mong nhất là có một bờ vai để tựa vào. Họ chỉ cần ngả đầu vào vai mình và khóc chứ không cần tâm sự gì hết. Bởi vì lúc này, nỗi đau khổ của họ nhiều đến mức không thể diễn đạt thành lời và họ cũng không biết bắt đầu từ đâu. “Sao? Chuyện gì? Nói tôi nghe coi. Tôi giúp cho.” Trời ơi, đâu phải mình chỉ nghe trong một buổi rồi có thể giúp giải quyết vấn đề đâu. “Ờ, chuyện gì chứ chuyện này tôi chịu.” Tưởng sao, thúc giục người ta nói ra, nghe người ta nói đã đời rồi mình nói: “Thôi tôi chịu, tôi không giúp được”. Cho nên hãy im lặng để cho họ khóc, vì tiếng khóc rất cần thiết đối với họ lúc này. Mình có thể nói với họ: “Khi nào anh buồn hãy gọi cho tôi. Có thể tôi không giúp được gì nhưng ít nhất tôi cũng là nơi để anh trút nỗi buồn. Khi nào anh cần khóc, bờ vai của tôi luôn sẵn sàng. Tôi không bảo đảm sẽ làm anh hết khóc nhưng ít nhất tôi sẽ để anh khóc cho thỏa lòng”. 

Nhiều khi thấy người ta khóc, mình cứ “Nín đi, nín đi, đừng khóc nữa”. Người ta muốn khóc mà mình bảo người ta nín. Có những niềm đau mà lòng không muốn nói, trong khi mình cứ thúc giục: “Nói tôi nghe, có chuyện gì? Chuyện gì nói tôi nghe". Làm sao nói được, vì đôi khi bản thân người đó cũng không biết bắt đầu từ đâu và nói gì nữa. Vì có thể người đó đang có điều gì khúc mắc trong lòng họ đang “lần mò leo mãi không qua được vách sầu”. Dù “không qua được vách sầu” nhưng sau một hồi để cho nỗi đau thương quằn quại, cuối cùng họ cũng sẽ nhận ra chân lý “Có dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về. Có quặn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu”. 

Con cọp tự chữa lành bằng cách nào không?

Khi một con cọp bị thương, nó sẽ tự tìm một góc và nằm im ở đó. Không ai tìm được nó, không ai biết nó bị thương. Nó nằm như vậy từ hai tới ba tuần, để vết thương tự lành. Có bao giờ mình trị vết thương trong lòng theo cách của con cọp chưa? Có chứ. Nhiều lần rồi chứ không phải chỉ một lần đâu. Nhiều khi thấy ai đó đang buồn khổ, mình tới bên họ để an ủi nhưng họ nói: “Xin đừng đụng đến tôi! Hãy để tôi yên!”. Đôi khi để cho người ta yên tĩnh “riêng một góc trời” đã là một sự gia ơn cho họ rồi đó. Họ đang rất cần một góc trời mà mình cứ lảng vảng trước mặt họ: “Chị đi gặp thầy tôi không? Thầy tôi hay lắm, ai có chuyện gì buồn, ổng cũng giải được hết”. Lúc đó họ đâu cần có ai. Họ chỉ cần một khoảng im lặng để thấm nỗi cô đơn, để cảm nhận niềm đau rồi biết đâu họ tự giải thoát. Khi người khác buồn hay khổ, đôi khi mình không cần làm gì hết, để họ ở yên trong phòng. Lâu lâu mình chỉ cần đem cho họ một ly nước. Để làm chi, bạn biết không? 

Thứ nhất là để họ có nước mà khóc tiếp. Thứ hai là để xem họ còn thở không. Ở các viện dưỡng lão, trong phòng nào cũng có một cái dây để giật. Ai có chuyện gì giật cái dây đó, chuông reng thì y tá chạy lên. Cho nên khi một người thân hay người xung quanh mình buồn khổ, nhiều khi mình không cần nói gì cả. Chỉ cần nhìn là biết họ buồn, phải không? Bởi vì trái tim mình có thể cảm nhận được. Vì khi mình buồn, mình cũng thể hiện giống y như họ. Cho nên nhìn một người đang buồn, mình có thể biết được.

Tình huống thứ ba mình nên im lặng là khi người đối diện muốn hơn thua. Thậm chí có những người tìm tới mình để hơn thua, luận nghị. Khi đó, mình không nên nhiều lời. Bởi vì sự tranh cãi chỉ mang đến cho mình thêm nhiều phiền não và làm tăng trưởng cái tánh hơn thua ở mình. Đối với người thích hơn thua, mình không nên nói nhiều [...].


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024