Những đứa trẻ sau thời gian nghỉ tránh dịch đã bắt đầu thèm đi học lại - Ảnh: Thanh Nguyên
Những ngôi nhà không bình yên
Một gia đình hạnh phúc thì khó mà thiếu đi được tiếng cười đùa của trẻ thơ. Ấy thế mà tiếng cười đùa ấy đôi lúc khiến cha mẹ chùng phải vò đầu bứt tóc, vui buồn lẫn lộn. Chị Diệp Vi Thảo (31 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) luôn đầy hào hứng khi kể về 2 đứa con gái của chị. Thế nhưng hơn 3 tháng các con ở nhà tránh dịch, mỗi lần nhắc đến con chị đều thốt lên: “Chắc chết với mấy đứa nhỏ thôi”.
Hai đứa con của chị Thảo, đứa 6 tuổi, đứa mới hơn 4 tuổi. Độ tuổi này, nếu ở cùng nhau thì sau mỗi cuộc vui chơi chúng luôn để lại hậu quả khiến ba mẹ phải dàn xếp. Khi thì một bãi chiến trường đồ chơi vứt lung tung, khì thi “sứt đầu mẻ trán” do nghịch dại…
“Con lớn phải ôn tập bài vở vì nghỉ học lâu quá rồi. Vậy mà nó học đâu có yên vì đứa em cứ tò tò sau lưng rủ chị chơi game. Con chị cũng không vừa, ham chơi là lấy lý do nhức đầu, đau bụng để trốn ôn bài. Bị tôi phát hiện, kết quả là 1 đứa bị đánh đòn, 1 đứa bị đuổi ra ngoài. Tới giờ ngủ trưa thì đứa đòi ngủ quạt, đứa đòi máy lạnh vậy là om sòm cả căn phòng. Nghĩ lại mới thấy mấy cô giáo mầm non giữ trẻ, họ phải cao tay lắm mới trị được con nít”, chị Thảo dí dỏm kể.
Khổ nhất là những lần 2 đứa chơi rồi giận nhau, đứa này tị nạnh đứa kia. Như con lớn của chị Thảo mỗi lần bị mẹ bắt học bài là lại làm mình làm mẩy nói là mẹ chỉ bắt con học, còn em thì được chơi. “Nếu ở nhà thì suốt ngày tôi phải xử lý những việc như thế, chỉ rảnh được lúc chúng ngủ”, chị Thảo kể.
Chị Thảo làm việc ở một cửa hàng buôn bán mỹ phẩm, các mặt hàng thực phẩm chức năng. Công việc của chị khá bận rộn khi vừa bán hàng tại tiệm vừa bán trên mạng. Thời gian trước, 2 đứa con của chị được gửi nhà trẻ, mỗi ngày của chị rảnh rang để làm nhiều việc.
Chị Thảo cho biết: “Hồi trước, nhiều lúc nhớ con chỉ mong tới chiều chúng đi học về, cả gia đình lại tíu tít bên nhau. Còn bây giờ, chúng nghỉ học ở nhà trốn dịch, thời gian của tôi đảo lộn lên hết. Mỗi khi bận việc tôi phải nhờ hết người này người kia qua trông con, hoặc là đem 1 đứa về nội, 1 đứa về ngoại nhờ ông bà hai bên trông giúp. Nhờ hoài, đến nỗi người thân cũng phải ngán”.
Những đứa trẻ ở trường đều rất ngoan và kỷ luật, nhưng ở nhà thành "nỗi kinh hoàng" cho cha mẹ - Ảnh: Thanh Nguyên
Cùng chung cảnh ngộ, anh Huỳnh Đặng (34 tuổi, Q.Cái Răng, Cần Thơ) kể từ khi 2 đứa con gái của anh nghỉ học tránh dịch, mỗi buổi sáng anh không thể ra đường trước 10 giờ sáng. “Đứa con gái lớn của tôi 6 tuổi rồi, ngoan lắm không phải lo lắng gì cả. Mọi cực nhọc, khó khăn, khổ sở giờ là ở đứa nhỏ, con bé 3 tuổi, cứng đầu lắm”, anh Đặng bắt đầu câu chuyện.
Mỗi buổi sáng, để kéo được con ra khỏi giường ngủ, đánh răng, rửa mặt thì anh Đặng phải dùng hết “công lực” từ cứng rắn đến mềm mới thành công. “Nhưng cực nhất vẫn là khoản cho con ăn. Mỗi bữa 3 tiếng, mỗi ngày 3 bữa, tôi nói thiệt chứ không đùa. Nó không chịu ăn: làm căng không được, dỗ ngọt cũng không xong. Ép nó ăn, nó ngậm một miệng rồi đi vòng vòng chơi, kiếm chỗ nhả ra, làm căng lên thì con bé ngồi khóc tu tu”, anh Đặng lắc đầu kể.
Trước kia, khi đưa con đi gửi ở trường, cô giáo cho ăn mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa chỉ mất 15 phút là xong. “Chắc do con tôi sợ cô giáo, hoặc có thể do ở trường có nhiều bạn cùng ăn nên con tôi có hứng ăn, chứ về nhà mỗi lần cầm chén cơm cho con ăn là tôi xác định mất nguyên buổi. Mai mốt con đi học lại tôi phải tận tình cảm ơn cô giáo vì đã chịu đựng con tôi”, anh Đặng hài hước.
Vợ chồng anh Đặng đều làm nghề truyền thông, thời gian cũng linh động, không nhất thiết phải đến nơi làm việc. Gần 3 tháng con nghỉ học để phòng dịch, vợ chồng anh cũng được cơ quan khuyến cáo hạn chế đến sở làm. Vậy là vợ chồng anh thay phiên nhau ca sáng, ca chiều để chăm con, còn ca tối thì mỗi người chăm một đứa để có thể tranh thủ làm việc.
Ba ơi con muốn đi học
Hầu như những đứa trẻ mầm non, hay tiểu học thời gian nghỉ dịch vừa qua cũng đều nói với cha mẹ chúng câu đó. Anh Nguyễn Đại Hành (38 tuổi, ngụ P.An Bình, Q.Ninh Kiều) kể đứa con gái nhỏ của anh mới hơn 3 tuổi, thường ngày để bước ra khỏi nhà đi học lúc nào cũng mếu máo, cha mẹ phải dỗ dành.
“Vậy mà bây giờ, buổi sáng tôi chưa thức giấc thì nó đã vào phòng lôi tôi dậy đòi chở đi học. Tối trước khi ngủ nó cũng mếu máo hỏi tôi khi nào đi học lại. Hôm bữa nó đòi tôi chở tới cổng trường để tận mắt thấy trường đóng cửa, nó mới tin”. Con trẻ ở nhà, cha mẹ phải sắp xếp thời gian công việc để chăm sóc, còn đối mặt với nguy cơ tăng cân không kiểm soát. Như con gái lớn của anh Hành, gần 3 tháng nghỉ dịch, cô bé tăng hơn 2kg.
Không may mắn như anh Hành, vợ chồng anh Phạm Duy Hải (35 tuổi, ngụ P.An Khánh, Q.Ninh Kiều) đang đối mặt với sự thèm ăn, tăng cân vù vù của cậu con trai lớn mới học lớp 1. Anh Hải kể: “Mới nghỉ học chưa được 3 tháng, con trai tôi tăng 7kg rồi. Vợ chồng tôi lo lắm. Mở mắt ra là nó than đói, và ăn rất tốt. Đi học thì ăn đúng bữa, chứ ở nhà là cu cậu đòi ăn miết.
Hồi xưa, cha mẹ mình vất vả, phải nhịn ăn nuôi con, còn bây giờ tôi phải kìm sức ăn của con lại. Nhiều lúc thấy con nhìn đồ ăn thèm thuồng thấy thương lắm, nhưng nó tăng cân nhanh như vậy không ổn. Đi học còn chạy chơi, còn đợt dịch này cứ ở hoài trong nhà, lười vận động nên càng dễ mập”, anh Hải chia sẻ.
Cha mẹ dù thương yêu, hết lòng chăm lo cho con cái, nhưng câu chuyện tình cảm đó không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Trải qua một thời gian chăm sóc con như vậy, họ mới hiểu rằng những cô giáo, bảo mẫu phải vất vả như thế nào để quản được hàng chục em nhỏ.
Chị Phan Thị Thúy, giáo viên mầm non ở Q.Bình Thủy cho biết ở nhà thời gian dài khiến chị căng thẳng, thèm cảm giác đứng lớp trở lại. “Tôi thèm được đi dạy lại lắm rồi, nhớ trường lớp và các em nhỏ. Ở nhà quanh quẩn ngày nấu cơm 3 bữa, rửa chén 3 lần, chăm 2 đứa con là hết thời gian, cảm thấy tù túng quá. Đi làm có cực nhưng vẫn thấy vui hơn nhiều. Mong cho dịch bệnh sớm được khống chế để cuộc sống của người dân trở lại bình thường”, chị Thúy nói.
Thanh Nguyên