Anh Đinh Công Vịnh, 31 tuổi, trú tại xã Bao La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, là người dân tộc Mường. Cách đây 4 năm trong một biến cố, hai chân của anh bị bại liệt hoàn toàn. Anh nhớ lại, năm 2017 xuống Hà Nội xin làm phụ vôi vữa, sức khỏe bị giảm sút, lưng đau không thể làm việc nặng. Có người mách tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào lưng sẽ khỏi, anh mua thuốc về nhà rồi tự tiêm cho mình.
Thời gian đầu, bệnh tình thuyên giảm. Nhưng về sau, vết tiêm nổi cục áp xe dẫn đến nhiễm trùng vào tủy, anh phải nhập viện cấp cứu gấp.
Sau khi hút dịch trong tủy, anh Vịnh tiếp tục phải mổ do bị dò dịch ở chân, phần xương cụt trở xuống bị mất cảm giác. Trải qua nhiều ca phẫu thuật, từ người đàn ông bình thường, anh cuối cùng trở thành người bại liệt. Bất lực và suy sụp tinh thần, anh òa khóc ngay trên giường bệnh.
"Đau đớn thể xác cũng không thể bằng nỗi đau trong lòng tôi lúc bấy giờ", anh nhớ lại.
Gia đình hạnh phúc của anh Vịnh và chị Hoa (Ảnh: NVCC)
Không thể tự chủ đi vệ sinh, anh được vợ là chị Bùi Thị Hoa, 29 tuổi, mặc bỉm hộ. Anh lại khóc, vì nghĩ bản thân như đứa trẻ, không còn là trụ cột gia đình.
Xuất viện, mọi sinh hoạt cá nhân của người đàn ông ngoài 30 đều phải dựa hết vào vợ. Thời điểm đó, nhà tranh vách đất, khu vệ sinh ở ngoài, mỗi lần đưa chồng đi tắm hay vệ sinh, chị Hoa đều phải bế anh Vịnh trên tay. Đằng đẵng cả năm trời, sau này, anh chị được các mạnh thường quân hỗ trợ, xây căn nhà cấp 4 "khang trang" hơn, công trình vệ sinh khép kín.
Từ ngày anh bị liệt, kinh tế gia đình một mình chị Hoa cáng đáng, phụ thuộc vào 3 sào ruộng và tiền công làm thuê làm mướn. Nhìn gương mặt vợ sạm đen, xuất hiện nhiều nếp nhăn, tay chân cũng trở nên thô ráp, dù không nói ra, nhưng trong lòng anh Vịnh có chút tủi hổ và oán trách bản thân.
"Là một người đàn ông giờ lại để vợ chăm sóc, kiếm tiền". Nghĩ vậy, không ít lần, anh từng có ý định tự tử để vợ con hết khổ. Hôm đó, sẵn trong nhà có lọ thuốc trừ sâu, anh quẫn trí định kết thúc cuộc đời, nếu không nhờ cô con gái bé nhỏ chạy đến nói, "Bao giờ bố biết đi, bố khỏe lại rồi đưa con đi học nhé".
Do ngồi và nằm nhiều, phần xương cụt thường xuyên bị viêm loét nhưng anh Vịnh không cảm nhận được. Kể cả khi bắp chân bị bỏng, phồng rộp do chạm vào ống xe, anh cũng không cảm giác đau đớn. Người vợ cố nén nước mắt, giả vờ vui vẻ để anh không lo lắng.
Ở nhà nhiều, anh không còn hoạt bát và nhanh nhẹn như trước, thay vào đó là cáu gắt và lầm lì. Thỉnh thoảng, chị Hoa lại bế chồng ngồi phía sau xe máy, rồi cả 2 cùng đi hóng gió.
Chị Hoa bế chồng, giúp anh trong mọi sinh hoạt cá nhân (Ảnh: NVCC)
Nhiều đêm nằm cạnh vợ, anh ngập ngừng nói: "Em còn trẻ, cứ thế này tội lắm. Hay là em đi lấy người khác, sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn?”. Nhưng chị Hoa một mực đáp "lấy nhau đã là duyên số, dù thế nào vợ chồng cũng phải ở bên nhau".
Anh Vịnh bắt đầu gây sự, cáu gắt, tìm cớ để "vợ chán rồi bỏ đi". Mỗi lần bị chồng quát mắng, chị Hoa chỉ im lặng, đợi đến khi anh bình tâm lại mới nói, "em không bỏ anh đâu". Hai vợ chồng sau đó cứ thế lặng lẽ sống qua ngày.
"Vết thương in hằn dọc sống lưng lấy đi của tôi tất cả. Sức khỏe giảm sút, cuộc sống đảo lộn, nợ nần. Nhưng may mắn tôi vẫn còn gia đình bên cạnh", anh nói.
Anh Vịnh và chị Hoa kết hôn cách đây 10 năm, cô con gái nhỏ năm nay đã lên 8. Mỗi khi con nói "các bạn đều được bố đưa đón đi học", anh lại tủi thân. Dù chưa thể hiểu hết chuyện, nhưng mỗi lần đi học về, cô bé chạy đến, xoa bóp chân rồi kể chuyện trên lớp cho bố nghe.
Trải qua chuỗi ngày mặc cảm, anh Vịnh bắt đầu tham gia các hội nhóm của người khuyết tật. Anh cùng họ chia sẻ câu chuyện của bản thân, truyền cảm hứng cho nhau và cùng vượt qua nghịch cảnh.
Anh học cách tự tắm rửa, quét dọn nhà cửa, nấu cơm chờ vợ và con gái về. Có thời gian rảnh, anh lên mạng tìm công thức chế biến các món ăn ngon; hoặc hướng dẫn con học bài. Có khi lại tập thổi sáo để tự tạo niềm vui.
Hai năm gần đây, vợ chồng anh Vịnh mở quán nông sản, tạp hóa tại nhà, bán cho người dân địa phương. Các mặt hàng đa dạng từ con gà, cây giống, nhu yếu phẩm. Mùa nào bán thứ đó, mức thu nhập không nhiều nhưng anh nói "có đồng ra đồng vào".
Bắt kịp thời đại 4.0, anh Vịnh học bán hàng online, sử dụng máy tính để "chốt đơn", còn chị Hoa đi giao hàng. Chị còn học thêm nghề làm lông mày, tiền lãi mỗi tháng đủ ăn và trả các khoản vay ngân hàng còn nợ từ ngày chồng nằm viện.
"Nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống thì còn may mắn hơn vạn người... nên hãy cứ lạc quan mà sống", anh nói.
Người vợ tảo tần và chung thủy, dù anh Vịnh có tìm mọi cách khuyên chị đi lấy chồng khác (Ảnh: NVCC)
Tuy liệt hai chân, nhưng đôi tay linh hoạt giúp anh lo liệu chu toàn công việc gia đình. Thương vợ mỗi ngày vất vả mưu sinh bên ngoài, anh biến ý chí thành sức mạnh, là hậu phương vững chắc. "Trong nhà phải êm ấm, lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười thì mới hạnh phúc được", anh Vịnh cười.
Nhớ lại trước đây từng khuyên vợ lấy chồng khác, anh nghĩ bản thân ích kỷ vì "đã không dám tin vào tình cảm sắt son, chung thủy của vợ".
"Khi tình yêu đủ lớn thì nó sẽ đánh bại tất cả khó khăn, vẫn sẽ bên nhau dẫu biết còn nhiều gian khổ phía trước. Tôi chỉ muốn nói rất thương vợ. Cảm ơn cô ấy đã cùng tôi trải qua mọi biến cố mà không một lời than vãn", anh xúc động.
Doanh nghiệp & tiếp thị