Bị chê 'diễn đơ', 'thuốc độc phòng vé' nhưng Châu Nhuận Phát vẫn kiên trì: Người càng lỳ đòn, càng làm nên đại nghiệp!

26/05/2021 08:30
Bị chê  'diễn đơ', 'thuốc độc phòng vé' nhưng Châu Nhuận Phát vẫn kiên trì: Người càng lỳ đòn, càng làm nên đại nghiệp!

Theo dõi sự nghiệp 40 năm của Châu Nhuận Phát, ta nhận ra thất bại và sự chê bai của người đời hóa ra có thể… nhẹ bỗng đến thế. Những người thành công hái được quả ngọt chỉ vì họ không xem những điều đó như vật cản đường, mà kiên trì bám trụ đến cùng với mục tiêu đã chọn.

 

Qua 10 chương trong cuốn "Châu Nhuận Phát - Đại hiệp Hồng Kông" của nhà nghiên cứu điện ảnh Lin Feng, những câu chuyện đằng sau hào quang của vị "Ảnh đế" Châu Nhuận Phát được hé lộ: Từ những lời chê bai, thất bại xuyên suốt sự nghiệp cho đến nỗ lực và sự kiên trì hiếm có.

1, Lương bèo bọt, toàn nhận vai phụ nhưng vẫn bám trụ trong khi đồng nghiệp bỏ cuộc

Năm 1974, sau khi thi vào lớp đào tạo diễn viên của đài TVB, Châu Nhuận Phát từ một chàng trai 18 tuổi đang lăn lộn mưu sinh đường phố, đã danh chính ngôn thuận đầu quân cho hãng phim TVB.

Do thiếu kiến thức nền tảng và bị đánh giá là "năng khiếu diễn xuất không quá nổi bật", 3 năm đầu ký hợp đồng với TVB, Châu Nhuận Phát chỉ chuyên đóng vai phụ. Mức lương ở đài thì hết sức bèo bọt: 500 đồng trong năm đầu, 700 đồng trong năm thứ 2 và 900 đồng trong năm thứ 3. Nhiều diễn viên trẻ vì "tiền thì ít, mà bị mắng chửi thì nhiều", đã không chịu nổi và bỏ cuộc giữa chừng.

Tuy nhiên, vốn sớm lăn lộn ngoài đời, "không bao giờ bỏ cuộc" lại chính là ưu điểm của Châu Nhuận Phát. Ông không hề than phiền, chỉ biết nỗ lực, làm việc chăm chỉ ngày đêm để bù đắp cho mọi thiếu sót của mình. Ấn tượng về chàng diễn viên tập sự Châu Nhuận Phát trong lòng mọi người khi ấy là sự nỗ lực, chịu khó, không ngại khổ, không ngại bị góp ý…

Khởi đầu lận đận và chỉ được cho đóng những vai "lướt qua màn ảnh", nhưng rồi cơ hội đã đến với người biết chờ đợi. Năm 1976, Châu Nhuận Phát lần đầu được chọn vào vai chính trong bộ phim Cuồng Triều (Hotel). Đây là bộ phim đầu tiên giúp ông thành danh, trở nên quen thuộc với khán giả Hồng Kông.

Đến năm 1980, TVB khởi quay phim Bến Thượng Hải và dự định để Trịnh Thiếu Thu đóng vai Hứa Văn Cường và Triệu Nhã Chi vào vai Phùng Trình Trình. Tuy nhiên, Trịnh Thiếu Thu vừa bị thương, sức khỏe chưa hồi phục nên không nhận vai này và tiến cử Châu Nhuận Phát, người cùng làm việc với anh trong phim Đại Hanh (Vanity Fair).

Bộ phim đã nổi tiếng ngay sau tập phim đầu tiên phát sóng. Chính chàng diễn viên Châu Nhuận Phát 25 tuổi lúc đó cũng không dám nghĩ rằng mình sẽ trở thành ngôi sao lớn sau một vai diễn được nhượng lại. Châu Nhuận Phát chính thức nổi như cồn và trở thành ngôi sao số một của đài TVB, được ca ngợi là "ông hoàng phim truyền hình".

2, Nỗ lực làm mới mình và tai tiếng ‘thuốc độc phòng vé’

Mặc dù liên tục gặt hái được những thành công vang dội ở mảng truyền hình nhưng mục tiêu của Châu Nhuận Phát không dừng lại ở đó. Ông muốn thử sức ở các vai diễn trên màn ảnh rộng. "Tôi không có thời gian để nghiên cứu các nhân vật, đặc biệt là trong mảng phim truyền hình", ông cho biết, "Trong khi đó, với phim điện ảnh, ít nhất tôi có được kịch bản trước khi quay, ít nhất tôi biết mình đang làm gì".

Tuy nhiên, nhiều bộ phim điện ảnh đầu tiên của ông không đem lại kết quả khả quan. "Massage Girls" (1976), "Bed for Day, Bed for Night" (1977) và "Miss O" (1978) đều thất bại thảm hại và mang lại cho ông tai tiếng "thuốc độc phòng vé".

Tình thế đã thay đổi khi Châu Nhuận Phát thử sức cùng đạo diễn Ngô Vũ Sâm trong phim điện ảnh "Bản sắc anh hùng" (1986), hóa thân thành trùm xã hội đen Lý Mã Khắc. Màn hợp tác này ngay lập tức biến Châu Nhuận Phát trở thành siêu sao điện ảnh châu Á và phá vỡ kỷ lục doanh thu phòng vé thời điểm đó. "Bản sắc anh hùng" cũng đã mở ra thời kỳ hoàng kim cho dòng phim xã hội đen Hồng Kông, xếp hạng 2 trong top 100 bộ phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời đại.

Hình ảnh Lý Mã Khắc dùng tờ đô la châm thuốc cũng đánh dấu cột mốc tái xây dựng hình ảnh của Châu Nhuận Phát, từ ngôi sao truyền hình thành ngôi sao điện ảnh. Vai diễn này cũng chứng minh sự lột xác trong phong cách diễn xuất của ông, khi qua đó, ông chinh phục khán giả bởi màn thể hiện nội tâm nhân vật "tự nhiên như hơi thở" thay vì ngoại hình nổi bật của mình như trước kia.

Trong "Châu Nhuận Phát - Đại hiệp Hồng Kông", tác giả Lin Feng phân tích: "Mặc dù Châu Nhuận Phát đã được giới thiệu là một diễn viên giỏi trong nhiều bộ phim sau những năm 1980, nhưng ông không thật sự được công nhận là một diễn viên giỏi trong ngành điện ảnh cho đến khi vượt qua xu hướng cường điệu vai diễn". "Mới mẻ", "tự nhiên", "chân thực", "không gượng ép"… là những từ ngữ được dùng để miêu tả về diễn xuất của ông trong giai đoạn này.  

3 năm sau thành công rực rỡ của "Bản sắc anh hùng", Châu Nhuận Phát tiếp tục tạo tiếng vang với "Thần Bài". Bộ phim mở ra một thể loại phim mới của điện ảnh Hồng Kông, phim về cờ bạc với nhiều bộ phim theo bước "Thần bài" do Lưu Đức Hoa và Châu Tinh Trì thủ vai.

Có thể thấy, Châu Nhuận Phát không đóng khung bản thân trong một dạng vai thế mạnh, mà liên tục làm mới mình, đóng các vai khác nhau và ghi dấu ấn trong nhiều thể loại phim đa dạng.

Bị chê bai diễn đơ, thuốc độc phòng vé nhưng Châu Nhuận Phát vẫn kiên trì diễn xuất, 10 năm ôm giấc mơ Mỹ, 40 tuổi chăm chỉ học tiếng Anh: Người càng lỳ đòn, càng làm nên đại nghiệp!  - Ảnh 1.

40 tuổi tập học tiếng Anh, mặc kệ chê bai kiên trì 10 năm với ‘giấc mơ Mỹ’

Sau rất nhiều thành công ở thị trường điện ảnh Hồng Kông, giữa thập niên 1990, Châu Nhuận Phát bắt đầu muốn ‘tấn công’ Hollywood, hy vọng sẽ trở thành một ngôi sao người Hoa tầm quốc tế như Lý Tiểu Long đã từng làm được.

Năm 1995, bộ phim Peace Hotel (Hòa Bình Phạm Điếm) ra mắt như một cột mốc đánh dấu sự tạm dừng của Châu Nhuận Phát với điện ảnh Hồng Kông, cũng như bước chuyển sự nghiệp sang Hollywood của ông. Hình ảnh cầm súng khẽ quay đầu nhìn lại trên poster phim như nhìn lại một thời vàng son của điện ảnh Hồng Kông. Sau đó, ông đã dành 2 năm để hoàn thiện kỹ năng tiếng Anh và chuyển đến Mỹ để bắt đầu phát triển sự nghiệp.

Việc là một tượng đài ở Hồng Kông rồi bắt đầu ở con số 0 ở Hollywood là một thử thách rất áp lực. Châu Nhuận Phát từng chia sẻ: "Bởi vì tôi, một người châu Á, có rất nhiều người hâm mộ, những người hết lòng ủng hộ tôi. Nếu tôi chọn sai vai trong một bộ phim, họ sẽ cảm thấy xấu hổ, cho cả tôi và họ… Nếu nói rằng đến Hollywood là một trong những ước mơ của tôi, thì có lẽ ước mơ này thành hiện thực và giúp ích cho sự nghiệp của tôi. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể làm hỏng sự nghiệp của tôi nếu tôi không cẩn thận".

Những bộ phim của Châu Nhuận Phát ở Hollywood đã không thể tạo thành "bom tấn", có phim còn thất bại về doanh thu. Tuy nhiên, hình tượng của ông trong phim Hollywood đã tạo nên thay đổi lớn trong hình ảnh diễn viên gốc Á tại thị trường này,

Cụ thể, giai đoạn thập niên 90, sự phân biệt đối xử, không coi trọng những giá trị Á Đông hoặc vị thế của các diễn viên gốc châu Á trên phim Hollywood vẫn rất rõ nét. Những ngôi sao gốc Á thường xuyên nhận vai phụ, và Hollywood vẫn nổi tiếng với sự mô tả rập khuôn về hình ảnh đàn ông châu Á là nguyên thủy, trẻ con, cộc cằn, nhu nhược, lạc hậu…

Nhưng hầu như các bộ phim Hollywood của Châu Nhuận Phát lại đều nhấn mạnh cách người đàn ông châu Á ngang hàng và có tầm ảnh hưởng với các đối tác da trắng. Chẳng hạn như vai người Hùng gốc Hoa John Lee trong "The Replacement Killers", hay vai vua Mongkut trong "Anna and the King".

Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng các nhân vật Châu Nhuận Phát thủ vai trong giai đoạn này đều không thể hiện đúng bản sắc người châu Á, mà chỉ thể hiện cái nhìn của Hollywood về người châu Á. Thời điểm đó, có tờ báo Trung Quốc viết rằng Châu Nhuận Phát sang Hollywood làm phim 10 năm là phí thời gian, chi bằng dùng thời gian đó ở trong nước thì sẽ làm ra không biết bao nhiêu tác phẩm để đời.

Trước chỉ trích đó, Châu Nhuận Phát chỉ cười nói: "Tôi sang Hollywood khoảng 10 năm và chỉ làm 5 bộ phim. Có thể một người thích quan tâm đến doanh thu và sự nổi tiếng của tôi ở đó ra sao nhưng niềm vui khi đắm mình vào những thách thức và trải nghiệm mới mẻ thì không phải ai cũng hiểu được".

Bị chê bai diễn đơ, thuốc độc phòng vé nhưng Châu Nhuận Phát vẫn kiên trì diễn xuất, 10 năm ôm giấc mơ Mỹ, 40 tuổi chăm chỉ học tiếng Anh: Người càng lỳ đòn, càng làm nên đại nghiệp!  - Ảnh 2.

Bỏ qua tất cả những yếu tố có thể mổ xẻ, phân tích, hành trình Châu Nhuận Phát chinh phục kinh đô điện ảnh thế giới đã bước đầu xóa bỏ rào cản trùng trùng của bối cảnh phân biệt đối xử các giá trị Á Đông ở Hollywood.

Năm 2000, khi trở về Hồng Kông, Châu Nhuận Phát một lần nữa khẳng định lại vị thế ngôi sao hàng đầu với Ngọa Hổ Tàng Long - bộ phim làm "loá mắt" cả giới phê bình điện ảnh lẫn công chúng bởi câu chuyện, ý tưởng dàn dựng, kỹ thuật quay phim và những pha võ thuật đỉnh cao. Bộ phim đạt giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trong cùng năm và sau 20 năm vẫn chưa có đối thủ vượt mặt…

Mặc dù nền điện ảnh Hồng Kông đã bước qua thời kỳ đỉnh cao như ở giai đoạn thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với sự nổi lên của lớp thế hệ diễn viên trẻ tài năng khác, nhưng Châu Nhuận Phát vẫn luôn được xem là vị Ảnh đế được khán giả hâm mộ và nể phục trong suốt 40 năm qua.

Hơn hết, sự nghiệp truyền cảm hứng của ông khiến chúng ta nhận ra rằng đằng sau một tượng đài thành công vẫn là một danh sách dài những thất bại nối tiếp nhau. Thật đáng kính nể những ai vẫn bình thản bước tiếp, không coi thất bại hay lời chê bai của người đời là vật cản đường.

Và rồi quả ngọt cũng sẽ đến với những ai kiên trì đến cùng với mục tiêu đã chọn.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua tại: http://ldp.to/chau-nhuan-phat . Nhập mã TRAMDOCFHS để được giảm thêm 5% khi mua sách tại Fahasa. Thời hạn sử dụng đến 31/05/2021.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024