Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát - Từ ‘bụi đường’ đến chiếc vé vớt tạo nên Ảnh đế huyền thoại

12/05/2021 08:30
Đại hiệp Hồng Kông Châu Nhuận Phát - Từ ‘bụi đường’ đến chiếc vé vớt tạo nên Ảnh đế huyền thoại

Châu Nhuận Phát là con trai thứ ba trong một gia đình Khách Gia nghèo ở Hong Kong. Đến năm 1965, gia đình ông chuyển tới khu Cửu Long.

Ngay từ lúc 6 tuổi, cậu bé mang biệt danh “chó con” Châu Nhuận Phát và chị gái Châu Thông Linh thường dậy sớm phụ mẹ bán đồ điểm tâm, đến chiều lại ra đồng phụ việc.

Cha của Châu Nhuận Phát làm nghề đi biển, là người ham mê bài bạc và mắc nợ rất nhiều nên càng khiến gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Bà Trần Lệ Phương, mẹ của Châu Nhuận Phát, thường đi lĩnh lương thay chồng, vì sợ ông mang tiền nướng hết vào chiếu bạc.

Người cha ham mê cờ bạc

Vậy mà có lần, bà Phương đến công ty của chồng để lĩnh lương thì được biết tiền lương tháng đó đã bị chồng thua bạc hết, người ta thương tình đưa cho bà chai dầu ăn để mang về nhà. Đó là quãng thời gian rất cơ cực, ám ảnh với Châu Nhuận Phát.

Từ đó hình thành nên tình thương sâu sắc của ông dành cho mẹ - “người quan trọng nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi” như ông từng chia sẻ. Suốt tuổi thơ khốn khó của mình, Châu Nhuận Phát chỉ mong đến ngày bản thân đủ lớn để đi làm kiếm tiền giúp mẹ hết khổ.

Thời thơ ấu, cậu bé luôn mặc những bộ đồ cũ và đi đôi dép mòn vẹt. Châu Nhuận Phát từng ước mơ được cha mua cho đôi giày thể thao màu trắng (như cha cậu từng hứa). Nhưng ước mơ đó không bao giờ trở thành hiện thực vì chiếu bạc đã lột sạch mọi khoản tiền mà ông có.

Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, Châu Nhuận Phát đã căm ghét cờ bạc. Cha mắc bệnh nặng qua đời khi Châu Nhuận Phát đang học bậc phổ thông. Sức khỏe của bà Trần Lệ Phương bắt đầu sa sút do lao động quá sức. Cậu thiếu niên Châu Nhuận Phát quyết định bỏ học và ra đường “tìm bất cứ việc gì để làm” phụ giúp mẹ.

Lúc cậu mới bỏ học, có người còn nói: “Cậu Châu không có chí, phải ráng học hành thì sau này mới giúp mẹ hết khổ”. Nhưng Châu Nhuận Phát lại nghĩ khác: “Tương lai là một điều mơ hồ, xa xăm, trong khi trước mắt chỉ thấy sức khỏe của mẹ không tốt, lại phải làm lụng khổ cực mỗi ngày, nên bản thân không thể yên tâm học hành”.

Đó đều là những công việc ngắn hạn theo thời vụ như đánh giày, gác cửa khách sạn, rửa xe, nhân viên bán hàng, phụ việc theo giờ, bán các thiết bị máy ảnh, đưa thư, lái taxi... và cả khuân vác. Trong hồi ức của Châu Nhuận Phát, thời gian này có những kỷ niệm mà ông không bao giờ quên.

Khi Châu Nhuận Phát làm nhân viên rửa xe, có lần thấy một chiếc xe Rolls- Royce chạy đến, vì thấy nó quá đẹp nên cậu thanh niên 17 tuổi họ Châu tò mò chạm tay vào trầm trồ tán thưởng.

Ngay lập tức, người chủ xe đã vung tay tát vào mặt Châu Nhuận Phát như trời giáng và chỉ thẳng vào cậu mắng nhiếc: “Mày sờ gì đó, mày có tư cách sờ vào nó sao? Người như mày cả đời cũng đừng hòng mua được xe ô tô…”.

Chau nhuan phat anh 1

Châu Nhuận Phát là một trong những Ảnh đế thành công nhất Hong Kong. Ảnh: Pinterest.

Cơ duyên bất ngờ

Hành động đó không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của cậu thiếu niên họ Châu có chiều cao 1,85 mét mà nó đã khiến cậu bị mất việc vì người chủ tiệm không muốn làm mất lòng vị khách thượng lưu kia. Sau khi nghỉ việc ở tiệm rửa xe, Châu Nhuận Phát được bạn giới thiệu đến làm nhân viên ở một cửa hàng bán thiết bị máy ảnh.

Đây là cơ duyên đặc biệt đã dẫn Châu Nhuận Phát đến niềm đam mê chụp ảnh - một trong ba thú vui của ông ngoài công việc đóng phim là chạy bộ, leo núi và chụp ảnh. Chính Châu Nhuận Phát thừa nhận rằng quãng thời gian lăn lộn mưu sinh sớm này đã góp phần lớn vào việc định hình nên con người và nhân cách sống của ông.

Châu Nhuận Phát phải dùng mọi khả năng, óc quan sát, sự nhanh trí của mình để có thể tồn tại trên đường phố Hong Kong. Những ngày tháng bươn chải vất vả khi còn ở tuổi thiếu niên đã tạo nên tình yêu, sự gắn kết mật thiết giữa Châu Nhuận Phát với đời sống của người dân cũng như chính Hong Kong.

Đó cũng là lý do khiến Châu Nhuận Phát luôn đấu tranh cho quyền lợi của người lao động nghèo, những người yếu thế ở Hong Kong, luôn sống bình dị, gần gũi với mọi người, và sau cùng là dành hết tài sản của mình tặng cho quỹ từ thiện. Châu Nhuận Phát chưa bao giờ quên mình đến từ đâu và đã bắt đầu hành trình sống như thế nào.

Khi đã là ngôi sao nổi tiếng, Châu Nhuận Phát vẫn tự nhận mình là một người nhà quê và chỉ biết làm việc chăm chỉ. Ông cho rằng lao động chăm chỉ là con đường chân chính để có được cuộc sống tốt đẹp.

Năm 1973, một người bạn đưa mẩu quảng cáo trên một tờ báo cho Châu Nhuận Phát, nói: “Lớp đào tạo diễn viên đang tuyển sinh đó, không cần đóng học phí và có thể kiếm tiền! Cậu hãy thử xem”. Châu Nhuận Phát đọc thấy hấp dẫn nhưng nghĩ lại khoản phí hồ sơ phải nộp là 5 đồng thì chần chừ, nhíu mày.

Người bạn hiểu Châu Nhuận Phát không có tiền nên phẩy tay hào phóng: “Cậu đừng lo, tôi sẽ giúp cậu trả phí nộp hồ sơ”. Vào ngày thi tuyển, khi đến lượt mình, Châu Nhuận Phát rất lo lắng nhưng vẫn cố gắng thể hiện phần thi trôi chảy.

Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành bài thi thì một giám khảo đã hét lên: “Đi xuống!”. Cũng may ngay lúc đó có một vị giám khảo cấp cao khác chặn lời: “Đừng có hàm hồ, cậu thanh niên này rất có tiềm năng”. Không ai dám nghĩ chiếc vé vớt đó đã tạo nên một Ảnh đế huyền thoại trong nền công nghiệp điện ảnh Hong Kong sau này.

Bạn đọc quan tâm có thể đặt mua tại: http://ldp.to/chau-nhuan-phat . Nhập mã TRAMDOCFHS để được giảm thêm 5% khi mua sách tại Fahasa. Thời hạn sử dụng đến 31/05/2021.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024