Cả nhóm nhao nhao, giành nhau quyền chiến thắng. Thằng Chính nhanh miệng “Ung thư, chưa có thuốc chữa. Để di căn là chờ cắt hộ khẩu”. Nó khá rành chuyện này vì vợ nó làm ở bệnh viện Ung Bướu. Thằng Tiến cãi “Bệnh Aids, còn gọi là HIV hay bệnh liệt kháng, nguy hiểm hơn vì lây nhiều nhất qua đường tình dục. Mà tình dục thì ai cũng dính, trừ mấy người đi tu chân chính. Còn tu hú thì miễn bàn”.
Cứ tưởng đáp án sẽ là một trong hai nhưng chủ xị chỉ cười nhẹ và bảo “Gần đúng rồi”. “Hay mày muốn đố mẹo?”. Con Giàu, thành viên mới gia nhập nhanh nhảu “Bệnh tham nhũng, quốc nạn hiện nay của Việt Nam, đe dọa sự mất còn của chế độ”. Con Ngọc cãi ngay (phụ nữ hình như chẳng ai chịu ai?) “Lãng phí nguy hiểm. Tham nhũng thì của cải còn có kẻ xài, dù là phạm pháp nhưng lãng phí thì tài sản đổ sông đổ biển. Lãng phí ít bị kết tội và thường là án treo nên chẳng ai sợ”. Thằng Phương lại cười khó hiểu và nói “Sắp đúng rồi”.
Ngẫm nghĩ một lúc, thằng Tiến phán “Khủng bố cực đoan là bệnh nguy hiểm nhất. Bất ngờ, không chừa ai, gây hoang mang tột độ”. “Tao thấy bệnh gian lận thi cử mới nguy hiểm nhất. Nelson Mandela (Nam Phi) từng cảnh báo – Muốn hủy diệt một quốc gia, không cần dùng bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa mà chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận thi cử”. Nghe cũng có lý vì mọi người từ cán bộ đến bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thẩm phán, nhà giáo, nhà khoa học… mà dỏm cả thì chí nguy.
“Suýt đúng rồi”. Chủ xị lạnh lùng. Thằng Khoa đủng đỉnh “Tự tử mới nguy hiểm nhất vì rất khó cứu do chủ nhân chủ động chọn cách chết”. Thằng Phương vẫn chưa gật đầu. Mới chỉ gần, sắp, suýt chứ chưa đúng hẳn. Cả nhóm vò tai, búng mũi. Con Ngọc nổi nóng, yêu cầu thằng Phương lật bài ngửa. “Tụi bay cứ về nhà vắt chân lên bụng suy đoán (nó nói vắt tay lên trán sẽ nghĩ không ra). Tuần sau ta sẽ giải đáp chung”.
Cả nhóm nổi cáu, dùng vũ lực miệng, buộc chủ xị phải trả lời ngay tức khắc. Nếu không sẽ nghỉ chơi và khai trừ vĩnh viễn khỏi CLB cà phê Cà Khịa cuối tuần. Trước sức mạnh của đám đông, thằng Phương lùi bước. Nó hớp một ngụm cà phê rồi nhỏ nhẹ “Ý kiến của các bạn đều đúng, không có ý nào sai. Bệnh nào cũng nguy hiểm, thậm chí cực kỳ nguy hiểm. Chỉ là chưa đúng nhất. Sau cả năm nghiên cứu, đúc kết (cái này chẳng ai kiểm tra được); tao nghiệm ra – QUÊN là bệnh nguy hiểm nhất”.
Cả nhóm kịch liệt phản đối. Các ý kiến tới tấp chứng minh, quên là bệnh vặt, ai chẳng có. Hồi nhỏ hay quên lời mẹ dặn. Đi học hay quên lời thầy cô nhắc. Lập gia đình, cánh đàn ông hay quên lời vợ dạy. “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ với vợ, biết ngày nào hư”. “Quên không phải là tội, chỉ là lỗi thôi. Lỗi nhỏ và nhẹ hơn tội”. “Trên đời này, từ trẻ chí già, ai chẳng nhiều lần quên. Cũng có thứ quên nguy hiểm gây tai nạn như quên tắt bếp, tắt điện, quên bảo trì xe, quên nhiệm vụ”. “Càng già càng hay quên”. “Không đúng, mấy ông có vợ mới hay quên, ra đường gặp gái xinh (không cần trẻ) là cứ nhào vô thả thính, cố tình quên mình đã có vợ. Nhưng quên không thể nguy hiểm bằng mấy bệnh kia được”.
Chờ mọi người hạ hỏa, giảm ngôn, thằng Phương mới từ tốn “Quên là thuộc tính Con trong Con Người. Do vậy, phải có người răn dạy, nhắc nhở. Có hình phạt (chứ không phải án tù) để răn dạy và nhắc nhở. Thậm chí có những cái quên đáng yêu và có những thứ cần quên. Đó là điều bình thường trong cuộc sống. Nhớ nhiều quá cũng khổ. Phải biết quên bớt những chuyện buồn, những điều bi quan. Thay vào đó là niềm tin và việc làm cụ thể. Khổ nỗi, niềm tin ngày càng mai một vì bệnh cố tình quên của mọi người, từ người dân thường cho đến những người có trách nhiệm và cán bộ. Hình như càng làm to càng hay quên?
Mọi người há hốc vì thằng Phương hùng biện như một triết gia. Không khí nghiêm túc càng làm nó cao giọng như đang lên đồng. “Người dân thì hay quên đóng thuế, quên nghĩa vụ với nhà nước, quên các quy định của pháp luật. Từ chuyện luật gia thông, xả rác, chửi thề đến những chuyện gây phiền hà cho người khác. Kể cả ngày chưa hết. Khi yêu nhau cứ tha hồ thề thốt trọn đời chung thủy nhưng nhiều người chỉ hứa cho sướng miệng và sướng lỗ tai (người nghe). Lấy nhau nhưng dăm tháng là lục đục, quên béng bao hứa hẹn trăm năm tình nghĩa. Hồi nhỏ hứa với cha mẹ, với bạn bè rồi cũng phôi pha, quên sạch.
Nhưng quên nguy hiểm thì đích thị cán bộ. Quên lời thề khi vào Đội, vào Hội, vào Đoàn, vào Đảng. Bao lần thề “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” nhưng đều quên và cứ làm ngược lại. Tổ chức nào cũng buộc các thành viên khi gia nhập phải thề những điều tốt đẹp. Rồi lời thề nghề nghiệp của các ngành mà tổ nghề đã bao đời đúc kết và răn dạy. Thề chỉ để thề. Cũng có xúc động, rưng rưng lúc đó vì không khí trang nghiêm. Nhưng cuộc sống xô bồ không phải là không gian lễ tốt nghiệp hay kết nạp. Nó cuốn phăng tất cả mọi lời thề hứa. Nhất là những lời thề hứa của các vị “Đảng cử, dân bầu” với cử tri, kể cả trên nghị trường quốc hội. Trước bàn dân thiên hạ, có truyền hình, phát thanh và báo chí bảo chứng mà các đại biểu đủ thứ nhân dân vẫn quên tuốt luốt.
Phải chăng là những lời thề hứa có cánh nên bay mất? Tại con người dễ quên hay cố tình quên? Điều này chỉ có người trong cuộc mới biết. Ngay cả lương tâm và lòng tự trọng của những người đó cũng tìm cách đào tẩu thì nói chi mấy lời thề hứa đãi bôi? Họ quên hết nhiệm vụ và trách nhiệm. Chỉ nhớ mỗi lợi ích cá nhân và cục bộ của đồng hội, đồng thuyền. Thậm chí sẵn sàng bán cả đất nước nếu có thời cơ…”. Cả nhóm lặng thinh, thấy thằng Phương nói quá đúng. Con Giàu rụt rè lên tiếng “Nhưng bệnh nào cũng phải có thuốc chữa chứ. Chưa có thuốc dứt điểm thì phải có thuốc phòng ngừa hoặc làm suy yếu vi rút gây bệnh chứ. Chả lẽ ngồi chờ chết?”.
“Thuốc có sẵn. Vấn đề là có chịu uống và uống đúng liều hay không. Gia đình có gia cang, làng xóm có luật lệ. Đất nước có hiến pháp. Cứ nghiêm minh mà thực hiện thì bệnh hay quên sẽ dần biến mất. Các nước phát triển, nhất là Bắc Âu đều triệt để thi hành nên xã hội ngày càng tốt đẹp, ít ai dám quên. Còn cha mẹ nuông chiều con cái quá mức, vợ chồng nhu nhược hoặc cực đoan, quốc pháp tùy tiện thì bệnh quên ngày càng phát triển. Đó là căn bệnh nguy hiểm nhất trong mọi loại bệnh hiện nay, đặc biệt tại Việt Nam. Không phải chưa có thuốc đặc trị mà là không ai chịu chữa trị. Nguy hiểm nhất là chỗ đó”.
Quá chí lí nên không ai còn ý kiến. Mọi người lục tục ra về. Ly cà phê uống dở của tôi bỗng đắng ngét, cứ như quên bỏ đường. Thấy không khí chùng quá, Thằng Phương tếu táo. “Hẹn gặp nhau tuần sau. Trước khi về, các chiến hữu đừng quên góp tiền cà phê CK cho hợp tác xã. He he”. Sực nhớ lời vợ dặn, nên tôi lật đật chạy về phụ vợ dẹp dẹp nhà cuối tuần. Hình như đây là lần đầu tiên tôi không quên lời vợ dặn.
TRẦN KÙ