Những năm đầu thập niên 1970, mới ngoài 20 tuổi, Kohei Yoshiyuki không ngờ ông sớm tìm được chủ thể cho một trong những bộ ảnh chụp ‘để đời’ nhất khi dạo quanh công viên Chuo (Tokyo) vào một buổi tối.
Đang đi bộ, Yoshiyuki bất ngờ bắt gặp một đám đông kì lạ đứng lấp ló. Ông nhanh chóng nhận ra, nhóm người hiếu kì tụ tập nhằm rình xem những cặp đôi ‘tâm tình’ bí mật trong công viên. Cảnh tượng có phần ngộ nghĩnh, lôi cuốn dẫu khiến người chứng kiến không khỏi bồn chồn, băn khoăn. Không lâu sau, Yoshiyuki quyết định quay lại công viên, nhưng lần này, ông mang theo máy ảnh.
Suốt gần 1 thập niên tiếp theo, Yoshiyuki, với chiếc máy ảnh trong tay, dành nhiều đêm mục kích tại công viên cạnh nhóm người có thú vui quan sát kì quặc. Ông ở đấy thường xuyên đến mức đã kết thân cùng họ, tham gia vào cả ‘hội nhìn trộm’ của họ. Thế nhưng khi chụp ảnh, nhân vật trung tâm Yoshiyuki chọn không phải đôi tình nhân trẻ quấn quýt nhau sau bụi cây. Chủ thể chính, đáng ngạc nhiên, lại là nhóm người xem trộm.
Qua ống kính, Yoshiyuki tiếp tục trò chơi ‘rình rập’ những kẻ thích rình rập.
“Ý định của tôi là chụp lại những sự kiện kì quặc diễn ra khi ấy trong công viên. Tôi không cho rằng mình giống một người chuyên nhìn trộm người khác”, nhiếp ảnh gia gạo cội chia sẻ trên tờ New York Times năm 2007.
“Nhưng tôi nghĩ, bằng cách nào đó, bản thân hành động chụp ảnh đã hàm chứa yếu tố ‘rình rập’. Tôi có sẵn đôi mắt tò mò, bởi tôi là một nhiếp ảnh gia”.
Chuỗi ảnh trắng đen tên gọi “The Park” hiển nhiên đã phác họa dấu ấn chân thật, đôi khi ‘thật’ đến rợn người, của sự rình rập. Tác phẩm đồng thời lột tả ý niệm tự do tình dục, trong bối cảnh nửa riêng tư, nửa bị công khai quan sát, giữa chốn ‘đông đúc’ lẫn ‘kín đáo’ như một công viên thành phố.
Sách ảnh “The Park”
Yoshiyuki lần đầu ra mắt series ảnh trên tờ Shukan Shincho, số phát hành năm 1972. Đây là một tạp chí văn hóa tiên phong, khai thác những chủ đề có thời từng gắn nhãn ‘cấm kị’ ở Nhật. Bấy giờ, tình dục trước hôn nhân cũng như quan hệ đồng tính đều là hành vi bị xã hội Nhật lên án nặng nề. Những đôi nam nữ được cho phép qua lại thậm chí vẫn phải sống tại nhà bố mẹ, mãi đến trước ngày cưới.
Công viên, do đó, trở thành chốn gặp gỡ bí mật hiếm hoi để nhiều cặp tình nhân thỏa sức hẹn hò, ân ái. Từ nền tảng trên, bộ ảnh của Yoshiyuki đã minh chứng cũng như khuyến khích một ‘làn sóng’ văn hóa mới mẻ, táo bạo trong đại bộ phận thanh niên Nhật đương thời.
Những khoảnh khắc vị nhiếp ảnh gia ‘nắm bắt’ bằng ống kính không chỉ độc đáo và gây kinh ngạc. Thời điểm chúng xuất hiện, bộ ảnh còn bị xem là ‘phi pháp’.
Học giả ngành luật Katherine Biber chỉ ra trong một luận văn xuất bản năm 2015, “ở Nhật (giai đoạn những năm 1970), mọi kiểu cư xử khiếm nhã nơi công cộng đều vi phạm pháp luật. Bạn tuyệt đối không thể quan hệ tình dục trong công viên. Bạn không thể lén lút xem người khác thực hiện hành động đó. Bạn càng không được phép chụp ảnh, và phát tán ảnh chụp mô tả hành vi bị cấm”.
Tình trạng kỳ thị - cấm đoán càng khiến dự án “The Park” tạo thêm sức ảnh hưởng văn hóa khó tin. Năm 1979, Yoshiyuki chính thức giới thiệu chuỗi tác phẩm ảnh gây tranh cãi tại gallery Komai (Tokyo) với bút danh Kohei Yoshiyuki (đây là tên giả, đến nay nhiếp ảnh gia vẫn chưa tiết lộ họ tên thật).
Trong khuôn khổ triển lãm, toàn bộ không gian trưng bày không được chiếu sáng. Người xem sử dụng đèn pin để tự khám phá, nhìn ngắm mỗi bức ảnh, vốn khi này được phóng lớn gần như kích cỡ người thật.
“Tôi muốn mỗi người xem nhìn vào những nhân vật trên ảnh với ấn tượng càng thật càng tốt”, ông bày tỏ trong một bài phỏng vấn năm 1980. Yoshiyuki mang trãi nghiệm ‘rình rập’ của riêng ông truyền đạt đến công chúng theo cách ngoạn mục như thế.
Giới văn nghệ sĩ Tokyo đương thời từng rúng động vì những shot ảnh 18+ của Yoshiyuki. Thế nhưng mãi sau 2 thập niên tiếp theo, cộng đồng nhiếp ảnh quốc tế mới biết về “The Park” thông qua một cuốn sách nghệ thuật tổng hợp của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Anh, Martin Parr, xuất bản năm 2006. Ở đoạn giới thiệu tác phẩm, Parr nhận xét series ảnh tựa như “cuốn phim tài liệu nghệ thuật đắt giá”.
Những năm gần đây, “The Park” tiếp tục xuất hiện ở hàng loạt địa chỉ trưng bày uy tín khắp thế giới, từ Tate Modern, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, đến Venice Biennale.
Nhiều chuyên gia phê bình và nhà giám tuyển xem “The Park” như một biểu trưng lý thú, độc đáo cho nền tảng lịch sử nghệ thuật. Từ xa xưa, con người đã hình thành thói quen nhìn trộm như một phản ứng nguyên thủy của tính hiếu kì (đặc biệt ở nhiều nền xã hội bậc cao), và chịu tác động trực tiếp là những nghệ sĩ. Ở Nhật, tranh cổ ukiyo-e không ít lần phác họa hành vi ‘trộm nhìn’ nhất là với đề tài tình yêu, tình dục.
Mặt khác, thời điểm hiện nay, khi ‘làn sóng’ #MeToo không ngừng lan tỏa, series ảnh ghi dấu này gợi nên cảm nhận mới: nét gai góc, đầy lo âu từ những ‘cái nhìn’ không mong muốn. Đôi tình nhân ôm ấp, ‘nép mình’ vào thế giới tình ái của riêng họ dường như luôn chịu đe đọa chực chờ bởi kẻ ngoài cuộc nào đó đang lén lút quan sát. Cách Yoshiyuki đứng phía sau ống kính máy ảnh, ghi lại tất cả khoảnh khắc ấy, đồng thời, tạo dựng một liên tưởng không mấy tươi đẹp về kỉ nguyên internet - khi sự riêng tư của mỗi người ngày càng dễ bị xâm hại.
“The Park” sẽ lần nữa tái ngộ công chúng yêu nghệ thuật thông qua một sự kiện chuyên đề nổi bật, tổ chức tại gallery Yossi Milo, New York, Mỹ vào tháng 5.2019.
Như Ý (theo Artsy)