Quán “cà phê họa” tiên phong sáng tạo khai phóng
Thời kỳ hoàn kim của loại hình quán “cà phê họa” ở Paris bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Khu Montmartre là nơi tiên phong theo đuổi tư tưởng khai phóng văn hóa và tự do sáng tạo nghệ thuật, gắn liền với lý tưởng xây dựng lối sống khác biệt với thủ đô Paris hoa lệ. Chính vì điều này, hàng quán cà phê trên những con dốc ngoằn ngoèo Montmartre trở thành nơi gặp gỡ yêu thích của giới văn nhân, nghệ sĩ khao khát đổi mới. Nhiều danh họa tên tuổi như Vincent Van Gogh, Pablo Picasso, Toulouse Lautrec, Amedeo Modigliani, Camille Pissarro… đã tự tổ chức triển lãm tranh của mình ở nhiều quán cà phê. Dần dần, hàng quán cà phê ở Paris sớm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật hội họa Tây Âu. Là xúc tác, chủ đề sáng tạo, đồng thời là nơi xuất phát của hàng loạt phong trào, trường phái nghệ thuật mới.
Các danh họa độc lập, dẫn đầu là Édouard Manet cùng Claude Monet, Edgar Degas thường xuyên gặp nhau tại quán cà phê Guerbois Café vào thứ sáu hàng tuần. Họ chia sẻ những ý tưởng cách tân phong cách hội họa, khởi sinh cho sự chuyển giao từ trường phái Hiện thực tới trường phái Ấn tượng. Cũng tại Guerbois Café, các họa sĩ đã quyết định tổ chức một cuộc triển lãm tập thể đầu tiên vào năm 1874, chính thức khai sinh trường phái Ấn tượng.
Khi trường phái Ấn tượng phát triển mạnh mẽ, hoạt động thảo luận đã mở rộng sang những quán cà phê mới mà hậu thế còn lưu tên như La Nouvelle Athens, Femme au café, Le Café du Rat-Mort, Le café Momus… Quán cà phê cũng là bối cảnh cho những nghệ sĩ vẽ nên nhiều bức tranh đẹp, đặt nền móng cho sự khởi đầu nghệ thuật hiện đại. Ví như bức họa “At Cafe Guerbois”, “At the Café” và “The Café-Concert” của Édouard Manet; “Dans un Café” và “Women on the Terrace of a Coffeehouse” của Edgar Degas; “Bohèmes au café” của Jean-François Raffaelli; “Terrace of a Cafe on Montmartre” của Vincent Van Gogh…
Đến năm 1889, giới họa sĩ phi chính thống tổ chức triển lãm tranh tại quán cà phê Grand Café des Beaux Arts (còn được gọi là Volpini Café) ngay bên lề triển lãm quốc tế Exposition Universelle de Paris. Đây là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp những họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng vốn bị giới mỹ thuật hàn lâm phản bác. Những tác phẩm sáng tạo táo bạo và triết lý riêng của họ trong nguyên tắc sử dụng màu sắc được công chúng đón nhận.
Từ sau sự kiện triển lãm này, những tranh luận sáng tạo nghệ thuật tiếp tục bùng nổ và nhiều danh họa phát triển các phong cách nghệ thuật theo nhiều hướng khác nhau. Vượt ra khỏi trường phái Ấn tượng, Georges Braque và Pablo Picasso khai sinh trường phái Lập thể, Paul Gauguin và Georges Seurat hướng tới trường phái Dã thú và phong cách Phân điểm, Vincent Van Gogh đưa nghệ thuật theo hướng chủ nghĩa Biểu hiện, Charles Laval theo đuổi trường phái Pont-Aven… ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật hội họa thế kỷ 20.
Danh họa Vincent Van Gogh dựng nghiệp lớn từ hàng quán cà phê
Vincent Van Gogh được tôn vinh là một trong những danh họa có đóng góp lớn nhất cho nghệ thuật Hậu ấn tượng. Thời gian Vincent Van Gogh sống tại Pháp là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông. Ở đó, Vincent Van Gogh được làm việc trong cộng đồng nghệ thuật sôi động và cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình. Trong các quán “cà phê họa”, ông đã gặp những người bạn chung chí hướng, tiếp cận những triết lý hội họa khác biệt, khám phá động năng sáng tạo trong việc biến tấu màu sắc nhằm làm rõ xúc cảm và quan điểm nhân sinh của bản thân.
Triển lãm tranh đầu tiên của Vincent Van Gogh được tổ chức tại quán cà phê Café du Tambourin. Quán cà phê này cũng được ông tái hiện trong họa phẩm “Agostina Segatori Sitting in the Café du Tambourin” – một tác phẩm nổi tiếng, thể hiện sự phá cách về sắc độ và ảnh hưởng của nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1888, Vincent Van Gogh chủ yếu thảo luận các phong cách hội họa cùng Paul Gauguin, Émile Bernard, Charles Laval tại quán cà phê Café de la Gare. Ông cũng sử dụng quán cà phê này như phòng trưng bày tranh cá nhân.
Vincent Van Gogh làm việc vô cùng hiệu quả trong thời gian này và đã phát triển phong cách vẽ biểu cảm, màu sắc đậm, nét vẽ năng động đặc trưng. Hai bức họa nổi tiếng được vẽ tại quán cà phê: “Café Terrace at Night” và “The Night Café” đánh dấu sự phát triển đỉnh cao về nghệ thuật sử dụng màu sắc tương phản để tạo hiệu ứng thị giác. Bất chấp không gian buổi tối, Vincent Van Gogh đã có những bức tranh khắc họa màn đêm mà không phải sử dụng đến màu đen. Đặc biệt, “Café Terrace at Night” còn là tác phẩm đầu tiên mở đầu cho chuỗi những bức họa nền trời đêm đầy sao nổi tiếng của ông. Chưa bao giờ cảnh đêm lại được tái hiện sống động, tinh tế và đầy biểu cảm như trong tranh của Van Gogh.
Vincent Van Gogh vốn là họa sĩ tự học. Ông từng là nhà truyền đạo ở Borinage (Bỉ), sống chật vật cùng những người nghèo khổ, bệnh tật. Trải nghiệm đời sống bần cùng cả vật chất lẫn thể chất, Van Gogh tìm đến hội họa như một sự cứu rỗi. Ông xem đó là bước tiến trên hành trình phụng sự đức tin và yêu thương tha nhân. Van Gogh luôn ám ảnh về năng lượng sáng tạo. Đối với Van Gogh, sáng tạo không dừng lại ở tư tưởng, sáng tạo phải trở thành hành động. Sáng tạo có thể bắt đầu trong khó khăn và đầy thử thách, nhưng cứ dám khát khao, dám dấn thân thì con đường đến đích sáng tạo mới có thể rõ ràng, tường minh. Cho đến cuối cùng, sáng tạo mang lại sự siêu vượt mà ngay cả bản thân cũng không tưởng tượng được. Chính ông đã minh chứng được lý tưởng đó khi theo đuổi đam mê hội họa bằng con đường tự học nhưng chỉ trong hơn 10 năm, ông đã sáng tạo khoảng 2.100 tác phẩm có giá trị biểu tượng trường tồn.
Hai trong số những bộ phim nổi tiếng nhất về Van Gogh là “Lust For Life - Khát vọng sống” và “Van Gogh” cho đến nay vẫn là câu chuyện đầy cảm hứng về khát khao sáng tạo vượt qua mọi biến cố để được sống trọn vẹn, tận hiến cho đời. Nhà sáng lập, Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã tâm huyết, cẩn trọng, tuyển chọn hai bộ phim “Lust For Life - Khát vọng sống” và “Van Gogh” trong Tủ phim Nền Tảng Đổi Đời nhằm khơi dậy khát vọng sống có ý nghĩa, vượt qua mọi nghịch cảnh số phận để có chí hướng lớn cho mỗi cá nhân, tạo nên sức mạnh quốc gia.
Quán “cà phê họa” đã góp phần quan trọng trong tiến trình tạo tác nên những triết lý hội họa mới. Trong chiều hướng ấy, quán cà phê cũng đã đóng vai trò gợi mở những hoài vọng của chính bản thân người nghệ sĩ, từ đó thăng hoa năng lượng sáng tạo và khả năng vô hạn trong mỗi người để vươn đến những giá trị cao cả, đạt những thành tựu phi thường làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển văn minh nhân loại.
Đón đọc kỳ sau: Benjamin Franklin “Trong vô số những điều xa xỉ, cà phê có giá trị nhất”.