Phong trào nghệ thuật tiên phong của thế kỷ 20
Chủ nghĩa Hiện đại bắt đầu xuất hiện ở châu Âu vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tạo thành trào lưu triết học – mĩ học phản ánh sự khủng hoảng của thế giới tư bản và hệ ý thức do nó tạo ra. Về nguyên tắc mĩ học, Chủ nghĩa Hiện đại đã mang tới khái niệm “cách mạng nghệ thuật”, mang tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hướng tới khám phá những vùng vô thức tâm linh, bí ẩn, những dòng ý thức bị che khuất, những biểu hiện phi lý của đời sống, biểu hiện dưới nhiều phương thức khác nhau như: độc thoại nội tâm, sự lắp ghép các liên tưởng, sự tương giao của kí ức,… Đồng thời, chủ nghĩa Hiện đại cho rằng chủ nghĩa Hiện thực đã bị vượt qua và không còn phù hợp với cái nhìn hiện đại về thế giới.
Trong thời kỳ này, những quán cà phê ở Viên phát xuất từ đặc trưng là giao diện giữa Tây Âu và Đông Âu, trở thành mảnh đất lý tưởng để vinh thăng cho những phong trào mới của Chủ nghĩa Hiện đại, được gọi là “phong trào nghệ thuật tiên phong của thế kỷ 20”. Phong trào đó bao gồm các trào lưu diễn ra gần như đồng thời: Chủ nghĩa Dã thú, Chủ nghĩa Biểu hiện, Chủ nghĩa Vị lai, Chủ nghĩa Dada, Chủ nghĩa Siêu thực, Chủ nghĩa Lập thể, Chủ nghĩa Trừu tượng, “phong cách quốc tế” trong kiến trúc... Các kiến trúc sư, họa sĩ lừng danh như Gustav Klimt, Egon Schiele, Oskar Kokoschka và Adolf Loos… thường gặp nhau để uống cà phê bàn luận, hoặc chơi cờ ở Café Museum được chính Adolf Loos thiết kế theo phong cách hiện đại, tối giản. Còn Café Central được coi là nơi hội tụ của của tất cả mọi hoài mong đổi đời của những thập niên cuối của thế kỷ 19, từ lĩnh vực văn hóa đến chính trị, nơi mà Sigmund Freud, Stefan Zweig, Peter Altenberg… thường xuyên ngồi để suy nghiệm về những ấp ủ của riêng mình.
Quán cà phê thăng hoa số phận đời người
Không gian đặc biệt của Café Central không chỉ là nơi gặp gỡ của giới tinh hoa trí thức ở Viên, mà còn là nơi nhiều tài năng được phát hiện, trong đó có tài năng văn chương của Peter Altenberg – người có vai trò đặt nền tảng cho sự hình thành văn học chủ nghĩa hiện đại, một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong phong trào văn học nghệ thuật “Young Vienna”.
Peter Altenberg vốn được sinh ra trong một gia đình tầng lớp trung lưu và được kỳ vọng trở thành một bác sĩ, một kỹ sư, hoặc chí ít cũng đi theo ngành luật….Tuy nhiên, ông không tìm thấy hứng thú và không bộc lộ được năng lực trong tất cả những ngành mà gia đình đã chọn. Peter Altenberg rời gia đình, lang thang vô định trong những quán cà phê ở Viên. Tài năng văn chương của Peter Altenberg đã được phát hiện bởi Arthur Schnitzler – tác giả, nhà viết kịch người Áo khi đọc những bản thảo đầu tiên của Peter Altenberg viết tại Café Central.
Phần lớn thời gian, Peter Altenberg ngồi ở Café Central để sáng tác. Các tác phẩm của ông không theo khuôn mẫu cổ điển mà ngẫu hứng, ngắn gọn, súc tích, nhưng cũng đầy chất thơ. Đây được coi là đặc điểm đặc trưng của Chủ nghĩa Hiện đại trong sáng tác văn học nghệ thuật đầu thế kỷ 20. Quán cà phê là nơi làm việc nên nội dung các tác phẩm của Peter Altenberg hàm chứa những quan sát sâu sắc, tỉ mỉ về đời sống, hoạt động thường ngày của nhân sinh, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, những thành phần yếu thế trong xã hội.
Sáng tạo, đổi mới trong sáng tác văn chương nghệ thuật giúp Peter Altenberg được biết tới như một “Young Vienna” tiêu biểu, và ông từng được đề cử giải Nobel văn học. Evocations of Love (Lời hiệu triệu của tình yêu), Telegrams of the Soul (Bức điện tín của tâm hồn) là những thông điệp tiêu biểu về tình yêu cuộc sống, tình yêu con người. Cách nhìn của Peter Altenberg đối với đời sống không phân biệt giai tầng, phân cấp, thậm chí có phần bình dị nhưng luôn khiến độc giả chìm vào cảm xúc, tư tưởng của ông. Nhiều trích đoạn, cách ngôn, những câu thơ văn xuôi của Peter Altenberg đã được in trên các tấm bưu thiếp, giấy viết thư, những chuyến xe lưu hành khắp châu Âu.
Đặc biệt, được gọi là nhà văn của quán cà phê, văn chương của Peter Altenberg mang hơi thở, bóng hình của cà phê nhiều tới mức độc giả của ông có thể tìm thấy bất kỳ trong tác phẩm nào. Tại Café Central tới tận hôm nay vẫn còn lưu những dòng thơ bất hủ của bài thơ “Hãy đến quán cà phê”:
“Khi bạn lo lắng, gặp rắc rối về cách này hay cách khác - đến quán cà phê!
Bạn không thể không tìm thấy một người bạn nào phù hợp với bạn - đến quán cà phê!
Bạn sáng tác một bài thơ mà bạn không thể gửi cho bạn bè mà bạn gặp trên đường - đến quán cà phê!
Khi bạn có được ngọn lửa mới và có ý định khiêu khích cái cũ, bạn đưa cái mới đến với cái cũ - đến quán cà phê!”
Đối với Peter Altenberg, Café Central không chỉ là nơi giúp ông xây dựng sự nghiệp lừng danh mà còn là ngôi nhà thật sự. Ông lấy làm địa chỉ ở nơi này làm nơi giao nhận ký gửi thư từ, vật phẩm cá nhân. Quán cà phê đã không đơn thuần là nơi thưởng thức cà phê mà còn là nơi gợi tưởng và hiển lộ những nỗi niềm thực tại, hướng vọng về tương lai, từ đó mà thành động năng thăng hoa phận số của chính mình.
Đón đọc kỳ sau: Triết gia Ludwig Wittgenstein và triết học thông qua thưởng lãm cà phê