Một thanh niên tình cờ gặp lại người thầy đã dạy mình thời tiểu học và anh đã bước đến chào thầy cũ với tất cả sự kính trọng: “Em xin chào thầy. Thầy còn nhớ em không ạ?”. Người thầy trả lời: “Xin lỗi em, thầy không nhớ rõ lắm. Em nhắc lại về mình một chút để thầy nhớ xem nào”.
Người học trò xúc động nói: “Thầy là người dạy em năm lớp ba. Năm đó em đã đánh cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc chắn thầy nhớ chuyện đó mà.
Vì thấy chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp trông rất đẹp nên em đã tìm cách ăn trộm món đồ. Bạn ấy đã khóc và báo chuyện này lên với thầy. Thầy liền đề nghị cả lớp đứng lên để thầy soát túi. Lúc thầy nói thế, em đã nghĩ rằng chắc chắn hành động của em sẽ bị phơi bày trước tất cả các học sinh và giáo viên. Em sẽ bị mọi người gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.
Thầy yêu cầu chúng em đứng quay mặt vào tường, nhắm mắt lại, sau đó thầy đã soát túi của từng học sinh một, và khi lấy chiếc đồng hồ ra từ trong túi của em, thầy vẫn tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Sau khi xong việc, thầy ngồi xuống ghế và bình thản nói chúng em mở mắt ra. Lúc đó em đã vô cùng sợ hãi. Em sợ thầy sẽ nêu tên em ra ngay trước mặt các bạn.
Thế nhưng thầy chỉ giơ chiếc đồng hồ lên cho cả lớp thấy và trả lại món đồ cho người bị mất mà không hề nhắc đến tên người đánh cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời nào và dường như cũng chưa bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm em học tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói với em về chuyện chiếc đồng hồ. Chính thầy đã cứu vớt nhân phẩm của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao ạ? Nhưng sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc chắn thầy phải nhớ câu chuyện em đã lấy cắp chiếc đồng hồ và thầy đã giúp em không bị xấu hổ trước mặt mọi người. Đó là một câu chuyện không thể nào quên”.
Người thầy chậm rãi trả lời: “Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp chiếc đồng hồ ngày đó, bởi vì khi soát túi tất cả các em, thầy cũng nhắm mắt lại”.
Trong đời sống, chúng ta cần phải luôn sáng suốt trong cách hành xử. Có những người cần được ta động viên, có những người cần được ta hướng dẫn, có những người lại cần được ta giám sát. Một giáo viên chân chính là người biết vun xới tiềm năng chứ không phải triệt hạ mọi con đường phát triển.
“Giáo dục khối óc nhưng lại không giáo dục con tim thì không phải là giáo dục.” - Aristotle