Mới đây, nhà thiết kế (NTK) áo dài nổi tiếng Sỹ Hoàng, Fanpage Học viện thời trang VN - Fashion Academy và nhiều facebooker… chia sẻ một số hình ảnh các mẫu thiết kế “giống hệt” áo dài Việt Nam được giới thiệu tại sự kiện thời trang Trung Quốc.
Hình ảnh được chia sẻ nằm bộ sưu tập của nhà thiết kế Zhang Zhifeng (thương hiệu Ne-Tiger) của Trung Quốc được giới thiệu trong tuần lễ thời trang Spring Summer 2019 tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 10 năm ngoái.
Theo Tân Hoa Xã thì đây là sự kiện thời trang lớn và khoảng 150 nhà thiết kế trong - ngoài nước trình diễn tại tuần lễ thời trang này.
Hình ảnh bộ sưu tập này được các trang Chinadaily và Womenofchina đăng tải và giới thiệu như điểm sáng "Chinese style delights"của Tuần lễ thời trang Xuân Hè Trung Quốc.
Ne-Tiger là một thương hiệu lâu năm, là một thương hiệu cao cấp xa xỉ của Trung Quốc, từ xưa đến nay Ne-Tiger luôn mang văn hóa của Trung Quốc trong các thiết kế của họ, thế nên, sự xuất hiện của các thiết kế “giống” áo dài Việt Nam khiến cộng đồng người Việt quan tâm "không hề nhẹ”.
Nói về lịch sử áo dài Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi quanh mốc thời gian xuất hiện. Nhưng theo các nhà chuyên môn thì thời điểm bắt đầu xuất hiện là 1744. Khi đó, chúa Nguyễn Phúc Khoát cai trị vùng đất phía Nam còn miền bắc cai quản bởi chúa Trịnh. Nhằm phân biệt giữa Nam và Bắc, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã yêu cầu tất cả phụ tá của mình vận quần dài bên trong một chiếc áo lụa. Bộ váy này kết hợp giữa trang phục người Hán và Chămpa. Và đây được xem là hình ảnh đầu tiên của bộ áo dài.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài phát triển vượt bậc từ áo ngũ thân 5 tà, gồm 2 tà ở sau, 2 tà ở trước và một tà váy ẩn dưới tà trước cùng đường xẻ eo. Đường xẻ eo là một trong những điểm đặc biệt của áo dài hiện đại. Mốc quan trọng nhất trong sự phát triển của áo dài Việt Nam là 1936, với sự ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã cải tiến chiếc áo dài để nó gợi cảm và tinh tế hơn.
Theo thời gian và trải qua nhiều thay đổi, áo dài Việt Nam vẫn giữ nét cơ bản là xẻ eo với 2 tà trước - sau tạo nét duyên dáng cho người mặc. Chiếc áo dài cũng được xem là một danh tính chính trị và văn hóa kể từ khi xuất hiện. Mặc dù không được chính thức phong làm quốc phục nhưng nó rất phổ biến, trở thành một nét đặc trưng văn hóa, thời trang Việt Nam. Áo dài thường được mặc trong các dịp trang trọng như lễ, tết, cưới hỏi và ngoại giao… thậm chí có nhiều người đẹp nổi tiếng khi đến Việt Nam cũng thích mặc áo dài như một phần văn hóa của người Việt.
Clip sự phát triển và lịch sử áo dài Việt Nam - Nguồn: Idesign
Nhật Hạ