Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Lâm Thị Sang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Buổi Tọa đàm Dạ cổ hoài lang (DCHL) - Góc nhìn báo chí, mục đích là nhằm tôn vinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.
Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, các cuộc thi để truyền cho thế hệ trẻ và giới mộ điệu. Ngoài ra, định kỳ 2 năm một lần thì tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức lễ hội DCHL vào ngày 15.8 âm lịch để tôn vinh nhạc sĩ Cao Văn Lầu với tác phẩm DCHL như đứa con tinh thần của cố nghệ sĩ”.
Theo bà Sang, sở dĩ bản DCHL đã vượt thời gian, không gian để trường tồn và khẳng định được vai trò trong nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng, nghệ thuật cải lương nói chung, là nhờ những công lao đóng góp to lớn của các nghệ nhân, nghệ sĩ đã lưu truyền, gìn giữ bản DCHL. Đặc biệt, bản DCHL được bay cao, bay xa hơn là nhờ ngòi bút với sự chắc chắn của các thế hệ, đội ngũ người làm báo.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Thể thao - Du lịch (VH-TT-TT-DL) tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua 100 năm, bản DCHL sống trong lòng cuộc đời, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhiều biến cố lịch sử. “Dù chính thể này hay chính thể khác chúng ta vẫn thấy sự đồng hành một cách giản dị mà chan chứa tình cảm của người dân dành cho DCHL. Giá trị độc đáo của bản DCHL là bản nhạc tạo nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để bản DCHL đã dần lột xác cho đến khi các danh ca, danh cầm xác định điểm thăng hoa của bài vọng cổ này”, bà nói.
Nhà báo Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá cao bản DCHL và cho rằng đây là tuyệt phẩm để đời của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. “Thật sự tôi rất bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi và bái phục bản DCHL quá hay, quá tuyệt vời. Tác phẩm xứng đáng là một di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia”, nhà báo Nguyễn Bé nhấn mạnh.
Trần Khải