Cố gắng làm hết việc để đi ngủ cho đủ 8 tiếng/ngày, nhưng cơ thể vẫn luôn rệu rã, thiếu sức sống và động lực. Vì sự thật là ngủ và nghỉ không giống nhau. Người thành công và hạnh phúc đúng nghĩa sẽ không quên "làm nguội" bảy khía cạnh sau. Đừng tự làm khổ mình rồi oán trách sếp, công việc, đồng nghiệp và cuộc đời này. Điều đó cũng có nghĩa, nếu thiếu 7 điều dưới đây, rất có thể năm mới của bạn chìm trong mệt mỏi và thiếu sức sống, sức sáng tạo.
1. Nghỉ ngơi về thể chất
Nghỉ ngơi thể chất thụ động bao gồm ngủ và chợp mắt, trong khi nghỉ ngơi thể chất chủ động có thể là các hoạt động mang tính phục hồi như yoga, kéo giãn và mát-xa giúp cải thiện sự tuần hoàn và tính linh hoạt của cơ thể.
2. Nghỉ ngơi về tinh thần
Bạn có thường bắt đầu công việc mỗi ngày với một tách cà phê khổng lồ không? Bạn có thường cáu kỉnh và hay quên, và rất khó tập trung vào công việc của mình. Tối đến, khi nằm xuống để ngủ, ta thường nghe thấy vô vàn những cuộc trò chuyện, suy ngẫm, bàn luận tự nảy ra trong đầu và phải cố gắng "tắt não" của mình đi để ngủ được. Và mặc dù đã ngủ từ bảy đến tám tiếng, sáng dậy ta vẫn cáu gắt, mệt mỏi và nặng nề một cách kì lạ mà không bao giờ cảm thấy khá lên được. Đó chính là những con người bị những áp lực của các công việc, nhiệm vụ cuốn lấy mình mà không bao giờ được rảnh rang để "không nghĩ gì cả".
Ngay từ bây giờ, hãy giải thoát cho não của bạn bằng cách lên lịch nghỉ ngắn hai giờ một lần trong suốt ngày làm việc của bạn để nhắc nhở bạn giảm tốc độ và tránh bị cuốn mãi theo guồng quay công việc. Bạn cũng có thể giữ một cuốn sổ ghi chú bên cạnh giường để ghi lại bất kỳ suy nghĩ dai dẳng trong đầu đang khiến bạn thức giấc.
3. Nghỉ ngơi về giác quan
Bạn thử dừng lại để quan sát, lắng nghe xung quanh xem sao: đèn sáng, màn hình máy tính mở, tiếng ồn từ trong phòng, từ ngoài kia và những cuộc trò chuyện trực tiếp hay gián tiếp, cho dù là đang ở trong văn phòng hay qua Zoom, tất cả mọi thứ ấy khiến các giác quan của chúng ta bị choáng ngợp. Chính sự tiếp xúc quá mức ấy sẽ khiến cho đầu óc bạn bối rối, chậm chạp và đưa ra những quyết định sai lầm.
Điều này có thể được khắc phục bằng cách làm điều gì đó đơn giản như nhắm mắt lại một phút vào giữa ngày, ngắt hẳn nguồn của các thiết bị điện tử vào cuối mỗi ngày. Tự chủ động giảm thiểu những kích thích quá mức tới từ môi trường xung quanh sẽ giúp bạn tinh tế và cảm nhận rõ ràng hơn về mọi thứ xung quanh sau khi đã được nghỉ ngơi và F5 lại.
4. Nghỉ ngơi sáng tạo
Loại nghỉ ngơi này đặc biệt cần thiết đối với những người cần thường xuyên đưa ra những ý tưởng mới lạ, đột phá
Tạm gác lại việc luôn phải đi tìm ý tưởng sáng tạo giúp đánh thức lại cảm giác ngạc nhiên, hứng khởi bên trong mỗi chúng ta. Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn nhìn thấy núi, đại dương hay thác nước không? Hãy cho phép bản thân tận hưởng vẻ đẹp của không gian ngoài trời, ngay cả khi đó là ở công viên gần nơi bạn sống hay sau sân nhà bạn.
Thay vì cứ "vò đầu bứt tai", nhìn chằm chằm lên cái trần nhà trống rỗng hoặc một góc làm việc lộn rộn để ý tưởng mới tự lóe lên trong đầu. Cảm hứng và đam mê có thể đến vào lúc bạn không đang nghĩ ngợi gì và thoải mái đầu óc. Hãy thử biến không gian làm việc của bạn thành một nơi cho phép bạn "không nghĩ gì" bằng cách dán hình ảnh về những địa điểm bạn yêu thích và các tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa với bạn.
5. Nghỉ ngơi về cảm xúc
"People pleaser" - cụm từ chỉ những người luôn muốn làm hài lòng người khác, luôn giúp đỡ, nhận lời nhờ vả của người khác mặc dù không thực sự sẵn lòng. Đó có thể là một người tử tế, tốt bụng nhưng đến một chừng mực nào đó quá sức chịu đựng, chính người đó sẽ cảm thấy mình bị coi thường, đang bị lợi dụng.
Người như vậy cần được nghỉ ngơi về cảm xúc, có nghĩa là có điều kiện thời gian và không gian để tự do thể hiện cảm xúc của mình và ngừng tự thôi thúc mình muốn làm hài lòng tất cả mọi người.
Nghỉ ngơi về cảm xúc đòi hỏi con người ta phải có dũng khí để bước ra khỏi vùng an toàn, thói quen nói "có", "vâng", "dạ", biết từ chối để thành thực và là chính mình. Một người có sự nghỉ ngơi về cảm xúc có thể trả lời câu hỏi "Hôm nay bạn thế nào?" với sự trung thực "Tôi không ổn", và sau đó tiếp tục chia sẻ một số điều khó khăn nào đó thay vì giữ kín bên trong.
6. Nghỉ ngơi về mặt xã hội
Kiệt sức về mặt xã hội sẽ xảy ra khi bạn không phân biệt được đâu là những mối quan hệ giúp bạn nạp năng lượng tích cực và những mối quan hệ rút cạn năng lượng của mình.
Để được nghỉ ngơi về mặt xã hội nhiều hơn, hãy tạo điều kiện cho mình ở bên những người tích cực và sẵn lòng giúp đỡ. Ngay cả khi gặp mặt trực tuyến, hãy đón nhận năng lượng của họ nhiều hơn bằng cách bật camera và tập trung vào người mà bạn đang nói chuyện.
7. Nghỉ ngơi về mặt tâm linh
Loại nghỉ ngơi cuối cùng là nghỉ ngơi tâm linh, nói cách khác là khả năng kết nối vượt ra ngoài phạm vi thể chất và tinh thần. Khi thật sự thảnh thơi để kết nối được với sự nghỉ ngơi này, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác thân thuộc, tình yêu, được ghi nhận và mục đích sâu sắc của cuộc đời mình.
Để nhận được điều này, hãy tham gia và hiện diện cùng điều gì đó to lớn hơn bản thân (ví dụ: cộng đồng, gia đình, tổ tiên, vũ trụ, thiên nhiên…). Hãy thêm việc cầu nguyện, thiền định hoặc hoạt động cộng đồng vào thói quen hàng ngày của bạn. Thương trường thật sự cam go lắm, thay vì một mình chống đỡ và chật vật thì hãy tạm dừng lại, nghỉ ngơi để kết nối lại với đấng tâm linh bên trong mình, sau đó bạn sẽ sáng tỏ cả về trong công việc của mình nữa.
Con người không phải một cái máy. Hãy xác định xem bản thân đang quá tải ở đâu để từ đó nghỉ ngơi đúng và đủ. Không nhất thiết phải trả giá về cơ thể và tâm trí cho công việc đâu!
Theo TED
https://cafebiz.vn/thieu-7-dieu-nam-moi-cua-ban-de-chim-trong-met-moi-lun-bai-20220129234030497.chnTheo Pháp luật và bạn đọc