Tại Hàn Quốc, một thuật ngữ mới ngày càng phổ biến trong xã hội với cái tên "Thế hệ chuột túi" (Kangaroo Tribe) ám chỉ những người trung niên nhưng vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ, không chịu kết hôn để tự lực cánh sinh.
Số liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc cho thấy hơn 50% số người trong độ tuổi trung niên tại nước này đang sống cùng bố mẹ. Cụ thể 54,8% số người ngoài 30 tuổi chưa kết hôn tại Hàn Quốc đang sống cùng với gia đình.
Tồi tệ hơn, khoảng 62% số người độc thân trong độ tuổi 20-44 của Hàn Quốc vẫn phải sống cùng cha mẹ và 42% trong số đó là thất nghiệp. Hầu hết những người trưởng thành này chẳng thể sống tự lập một mình vì không đủ tiền thuê nhà và buộc phải ăn bám vào gia đình lẫn người thân.
Theo các quan chức, ngày càng nhiều người trong độ tuổi trung niên của Hàn Quốc gia nhập "Thế hệ chuột túi" do thị trường lao động khó khăn còn giá nhà ngày một cao.
"Thế hệ chuột túi đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và khiến mọi người có cái nhìn tiêu cực về xã hội Hàn Quốc. Chúng ta cần gia tăng các cơ hội việc làm để những người này có thể tự chủ hơn trong cuộc sống", Chuyên gia nghiên cứu Oh Ho Young của Viện KRIVET nhận định.
Đây là tình trạng khá nghiêm trọng tại Hàn Quốc khi một bộ phận khá lớn lực lượng lao động bị bỏ phí. Thêm vào đó, việc ăn bám bố mẹ khiến các bậc phụ huynh vừa phải chăm lo cho những đứa con "to xác", vừa phải phụng dưỡng cha mẹ đã già cả của mình, qua đó tạo gánh nặng thêm lên tầng lớp này.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy có khoảng 1,56 triệu người trẻ Hàn Quốc đạt "3 không": Không có việc làm, Không có trình độ và Không được đào tạo bất cứ tay nghề gì. Con số này chiếm đến gần 16,6% tổng số người trong độ tuổi 15-29 tại Hàn Quốc.
Đồng quan điểm, Chuyên gia nghiên cứu Kim Ji Gyeong của Viện chính sách cho giới trẻ quốc gia Hàn Quốc (NYPI) nhận định thế hệ chuột túi đang tạo nên hàng loạt những hệ lụy cho xã hội như kết hôn muộn, tỷ lệ sinh thấp và hàng loạt các rắc rối khác.
Loài Kangaroo-chuột túi tại Australia
Bên cạnh đó, các cuộc khảo sát cũng cho thấy 75,1% số người già trên 60 tuổi tại Hàn Quốc không muốn sống cùng con cái để giảm gánh nặng cho chúng. Thế nhưng trên thực tế ngày càng nhiều thanh thiếu niên và cả người trung tuổi Hàn ăn bám vào cha mẹ mình.
Nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tỷ lệ người già trên 65 tuổi lâm vào cảnh nghèo đói tại Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất trong các thành viên của nhóm này. Như vậy với lớp trẻ ăn bám, không chịu kết hôn còn người già thì lâm vào cảnh nghèo khổ, chính phủ Hàn Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức để giải quyết các thách thức cho cả nền kinh tế lẫn xã hội.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị