Nhà chức trách yêu cầu cha mẹ không cho trẻ xem "Trò chơi con mực"
Nhà chức trách tại hạt Bedfordshire, Anh, vừa đưa ra cảnh báo gửi tới các bậc phụ huynh về những hành vi bất thường và nguy hại của trẻ nhỏ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại khu vực này, sau khi các em xem bộ phim "Trò chơi con mực".
Bộ phim nhiều tập của Hàn Quốc gây sốt toàn cầu thời gian qua có nhiều tình tiết bạo lực xảy ra trên cái nền là các trò chơi những tưởng rất đơn giản vốn dành cho trẻ nhỏ. 456 người lớn tham gia vào loạt trò chơi này đều là những người đang ngập trong nợ nần, không có lối thoát trong cuộc sống, họ đánh đổi sinh mạng của mình khi tham gia trò chơi với hy vọng có cơ hội thay đổi cuộc đời.
Nhà chức trách trong lĩnh vực giáo dục tại hạt Bedfordshire đã đưa ra thông báo mới đây sau khi nhiều trẻ nhỏ ở các trường tiểu học thực hiện những trò chơi có tính chất bạo lực "lấy cảm hứng" từ bộ phim "Trò chơi con mực", một phim có giới hạn độ tuổi người xem, nhưng vì chiếu trên nền tảng trực tuyến, nên sự kiểm soát phụ thuộc vào chính các bậc phụ huynh.
Nhiều trẻ em giờ đây tổ chức các trò chơi tập thể rồi lấy hình phạt bạo lực ra để "phạt" những bạn bị thua trong trò chơi, khi được hỏi, các em nói rằng làm như vậy vì xem "Trò chơi con mực" và cảm thấy thích thú.
Trong tháng này, một trường học tại Bỉ cũng đã phản ánh hiện tượng trên, khi các em học sinh tiểu học chơi trò chơi tập thể trong giờ nghỉ giải lao, khi trò chơi kết thúc, các em thắng cuộc xông vào đánh các em thua cuộc, coi đó như một "hình phạt".
Có nhiều em dù chưa hề xem phim, nhưng thông qua các clip trích đoạn trên YouTube và các mạng xã hội vẫn bị ảnh hưởng và có cách chơi đùa bạo lực với các bạn khác.
Trong bộ phim "Trò chơi con mực", khi người bị thua cuộc trong trò chơi sẽ ngay lập tức bị mất mạng, tất cả 456 người chơi đều mạo hiểm sinh mệnh với hy vọng giành được phần thưởng chung cuộc là một số tiền lớn có thể giúp họ - những con nợ - thoát ra khỏi cảnh nợ nần.
Hiện tại, nhiều trường tiểu học ở Anh cũng đã bắt đầu đưa ra cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong việc không để con cái họ xem bộ phim này.
"Trò chơi con mực" gây ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý lành mạnh
Chuyên gia tâm lý người Anh - bà Sandra Wheatley gây chú ý khi vừa đưa ra cảnh báo rằng để trẻ nhỏ xem "Trò chơi con mực" có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý lành mạnh của trẻ, khiến trẻ không biết cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ người khác, và thậm chí còn làm gia tăng khả năng trở thành những người thờ ơ, lãnh đạm, đi bắt nạt người khác rồi coi đó như trò vui.
Theo bác sĩ tâm lý Wheatley, bộ phim gây sốt này có thể khiến trẻ nhỏ trở nên thờ ơ hoặc thậm chí tham gia vào việc bắt nạt trong học đường. Trong khi người lớn xem phim có thể hiểu được những ẩn ý sâu xa nói về áp lực trong đời sống xã hội hiện đại, nhưng trẻ nhỏ không hiểu được nhiều như vậy: "Trẻ nhỏ xem phim sẽ tự hỏi: Tại sao không ai giúp đỡ những con người đáng thương này?
Đương nhiên, chúng ta - những người lớn - sẽ không muốn giải thích đầy đủ cho trẻ hiểu về những ẩn ý khắc nghiệt và tàn khốc về đời sống hiện đại bây giờ. Bởi những giải thích đó sẽ làm rung chuyển tất cả những nền tảng giá trị tốt đẹp mà nhà trường và gia đình đang đưa tới các em thông qua hoạt động giáo dục, rằng chúng ta cần cảm thông, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau".
Bác sĩ tâm lý Wheatley cho rằng "Trò chơi con mực" đang đưa ra những thông điệp nguy hại dành cho trẻ nhỏ - đối tượng mà bộ phim vốn dĩ không hề hướng đến. Phim có phân loại độ tuổi và chỉ dành cho đối tượng người xem đã đủ tuổi trưởng thành.
Sau khi xem xong phim, trẻ có thể tái hiện lại những trò chơi bạo lực như ở trên đã đề cập, hoặc nếu chứng kiến hành động bắt nạt trong học đường, thì trẻ có thể sẽ lựa chọn thái độ thờ ơ: "Chúng ta dạy con trẻ rằng không thể thờ ơ đứng ngoài khi thấy hành động sai trái xảy ra trong trường học.
Nếu thấy một bạn bị bắt nạt, trẻ cần báo cho giáo viên, không được phép tham gia vào việc bắt nạt hoặc bao che sự việc ấy, nhưng nếu để trẻ xem những bộ phim đi ngược lại những điều dạy bảo tốt đẹp ấy, sẽ là một sự bối rối rất nguy hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ".
Bích Ngọc
Theo The Guardian/New York Post