20 năm trước, khi được mời giảng dạy tại Bắc Kinh, Trung Quốc, tôi thấy có rất nhiều trung tâm dạy ngôn ngữ điện toán cho trẻ em từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Đô thị nào cũng đầy các quảng cáo “Đừng để cho con trẻ tụt hậu.” Hoặc “Phải đầu tư vào thế hệ sau để bắt kịp trào lưu công nghệ.” Rất nhiều phụ huynh, đa số là viên chức, dù đồng lương ít ỏi, củng cố gắng chi tiền cho con cái đi học ngôn ngữ điện toán. Một số lớn dành dụm tiền để mua Laptop, Mobile Phone cho các em, để cảm thấy không thua kém với người khác.
Tôi đã chia sẻ quan điểm với một số giáo sư tại các đại học nơi tôi dạy như sau: “Các em nhỏ từ khi sinh ra cho đến năm 10 - 12 tuổi chịu ảnh hưởng của cha mẹ nhiều nhất. Do đó cơ hội dạy đỗ, giáo dục các em trong thời gian này là vô cùng quan trọng. Đây phải là lúc các em cần được hướng dẫn về đạo đức, trách nhiệm, lòng hiếu thảo và sự biết ơn chứ không phải công nghệ. Vì công nghệ thay đổi rất nhanh, điều các em học bây giờ sẽ trở thành lỗi thời khi các em khôn lớn.
Mặc dù đa số cha mẹ đều bận rộn, ít có thời giờ cho con cái nhưng đây chính là lúc tạo sự liên hệ chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái. Nếu bỏ lỡ, sẽ khó có cơ hội thứ hai. Vì khi bước vào tuổi từ 13 đến 21, các em sẽ chịu ảnh hưởng của bạn bè nhiều hơn. Nếu không có sự giáo dục cẩn thận từ sớm, các em dễ bị lôi cuốn vào những chiều hướng không như cha mẹ mong muốn.
Một số giáo sư không đồng ý vì họ cũng bị cuốn hút vào ảnh hưởng của sự “Phải bắt kịp trào lưu.” Một số người cũng đi dạy thêm cho các trường huấn luyện này. Họ nói: “Tại sao thầy dạy công nghệ mà lại chống công nghệ. Thầy muốn chúng tôi đi sau các nước khác hay sao? Chúng tôi hy sinh để thế hệ sau vươn lên, vượt qua mặt những cường quốc khác.”
Tôi giải thích: “Đây là lúc trẻ em đang phát triển về cá tính. Trẻ em như tờ giấy trắng, tùy cha mẹ nhuộm màu gì hay như thế nào thì các em sẽ như thế đó. Cho nên đây là lúc cha mẹ rất cần dành nhiều thời gian, nói chuyện, cảm thông và đặc biệt đọc sách cùng con cái để uốn nắn cho các em thành người tốt thì khi trưởng thành các em có thể tự quyết định cho mình và trở nên hữu dụng cho gia đình và xã hội. Đây không phải lúc ép buộc, tạo áp lực không cần thiết vào công nghệ. Với tuổi còn nhỏ đó, các em cần được dạy về ý thức, bổn phận, trách nhiệm chứ không phải ngôn ngữ điện toán làm gì.
Theo quan niệm của tôi, tại bậc tiểu học, học sinh cần được dạy về đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ, cung kính thầy cô và bổn phận với gia đình. Trẻ em nào cũng có những hạt giống thiện lành khi sinh ra, tùy sự dạy dỗ của gia đình và tiếp xúc với môi trường chung quanh mà tâm tính thay đổi. Khi nhỏ mà không được dạy dỗ cẩn thận thì tánh tình sẽ thay đổi vào những chiều hướng bất lợi - càng về sau khi trưởng thành càng khó chỉnh lại được.
Tại bậc Trung học, học sinh cần được hướng dẫn về nhân nghĩa, thành thật và bổn phận với xã hội để sau có thể trở thành công dân tốt. Đây là lúc các kiến thức căn bản về khoa học, toán học, lịch sử, nhân văn và nghệ thuật cần được khuyến khích. Đây cũng là lúc cha mẹ cần giúp con cái trau dồi nhân cách vững mạnh. Cha mẹ cần nói chuyện nhiều hơn để tìm hiểu con cái chứ không nên ra lệnh, sai bảo, hay quát mắng. Đừng làm cho con cái học thói gian dối để qua kỳ thi, hay nói những điều không đúng sự thật.
Chỉ khi lên đại học, học sinh mới cần các kiến thức chuyên môn, tư duy độc lập, kỹ năng mềm, làm việc nhóm vv. Một khi đã được giáo dục vững chắc về đạo đức và căn bản của một con người từ nhỏ, thì khi trưởng thành các em sẽ tự tìm hiểu chính mình, khám phá nghề nghiệp thích hợp và có những lựa chọn đứng đắn. Khi có kiến thức phong phú và nhân cách vẹn toàn thì dù học ngành gì, làm gì, các em đều có thể làm nên sự nghiệp tốt đẹp và đem lại hạnh phúc thực sự cho chính mình, cho xã hội và quốc gia.
Đừng quá quan tâm về sự đánh giá của xã hội hay mọi người về tiền bạc, địa vị hay bằng cấp mà chỉ nên lo con mình có thành người tốt, hữu dụng cho gia đình, xã hội, và đất nước hay không.
Trưởng thành thật sự về giáo dục, nhân cách đã đến lúc rất quan trọng, giá trị hơn nhiều những vật hữu hình mua bán được. Người lãnh đạo ở bất kỳ quốc gia nào cần nên thực sự để tâm, có hướng đi để quốc gia mình thực sự được phát triển bền lâu. Một quốc gia muốn phát triển thực sự thì quan trọng nhất là ở người lãnh đạo.
GS. John Vu - 26/10/2022 - Nguyên Kỹ sư Trưởng Tập đoàn Boeing; Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học ĐH Canergy Mellons.