Vào lúc 9 giờ ngày 8.7, TS Nguyễn Hữu Liêm sẽ có buổi giao lưu với bạn đọc TP.HCM tại Cà phê thứ Bảy (số 38 Võ Văn Tần, quận 3), nhân dịp cuốn sách Cám dỗ Việt Nam của ông được ấn hành tại Việt Nam. Đồng hành với ông là nhà thơ - nhà nghiên cứu Inrasara trong vai trò người dẫn chương trình.
TS Nguyễn Hữu Liêm là một trong những trí thức người Việt từ nước ngoài về lại Việt Nam sớm nhất sau khi đất nước có chủ trương “Mở cửa”. Ông cũng là người “cám dỗ”, mê hoặc độc giả Việt Nam bằng hình ảnh những con người bình dị trên khắp mọi miền đất nước bằng lăng kinh của một người Việt xa xứ trắc ẩn và giàu tinh thần xây dựng cũng như về “sử tính” của dân tộc Việt thông qua tác phẩm Cám dỗ Việt Nam vừa được NXB Hội Nhà văn và Domino Books phát hành trên toàn quốc.
Cám dỗ Việt Nam là tập hợp 26 bài bút ký được TS Nguyễn Hữu Liêm viết từ sau những năm 2000 đến nay. Sách ông viết bằng “một thứ ngôn ngữ đặc thù phát đi từ sinh nghiệm đớn đau đó cho vết thương sử tính Việt, những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ tại quê nhà của ông luôn lấp lánh những suy tư triết học”.
TS Nguyễn Hữu Liêm - Ảnh: NVCC
Đối với TS Nguyễn Hữu Liêm, mỗi chuyến đi và về đều mang sứ mệnh hòa hợp, hòa giải vết thương của dân tộc. Một lần trong mỗi chuyến trở về miền Trung nắng gió, ông nhận ra: “Câu chuyện của thành phố và của sinh viên bây giờ không còn là chiến tranh, máu lửa, chết chóc - mà là cái khốn khó loay hoay của những nhà giáo cấp đại học đang thử nghiệm tình yêu nam nữ thay cho lòng yêu nước. Hận thù nay đã thành ghen tuông. Dân tộc nay là cá nhân. Tôi nhìn lên mái ngói đỏ của căn nhà lớp học nửa Tây, nửa Tàu mà thấy như có tiếng chim se sẻ cùng ca cho tôi nghe bài ngợi ca trong sáng và hồn nhiên về con người xứ Quảng”.
Vào năm 2018, cuốn sách Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học (NXB Đà Nẵng) của ông lần đầu tiên in trong nước. Điều này, hẳn tiếp thêm nhiều động lực cho ông trong việc in ấn tác phẩm của mình tại quê nhà, cũng như tạo điều kiện tương tác với độc giả nhiều hơn nữa.
Nếu Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ thời và ý chí, thì Cám dỗ Việt Nam lại đi vào từng mảng đề tài cụ thể (bằng bút ký, ghi chép) để kiến giải mệnh đề sử tính dân tộc Việt mà ông trăn trở.
Bìa sách Cám dỗ Việt Nam
Trong bài Gặp gỡ và tiến hóa, Nguyễn Hữu Liêm viết: “Mọi cuộc gặp gỡ vốn mang ý nghĩa sâu sắc đều là như thế. Mỗi tao ngộ là một cơ duyên chuyển hóa cho người trong cuộc - nếu bị bỏ mất, thì cũng chỉ vì họ u muội mà thôi. Từ Đoàn Dự, Kiều Phong đến Gurdjieff và Ouspenski, những khuôn mẫu con người xã hội như họ nay đã không còn. Nhân loại bây giờ làm sao còn có những con người như thế để chúng ta gặp nữa?”.
Và đây là những dòng văn đầy ám ảnh của ông về quá khứ của dân tộc và hiện tại của một thế hệ trẻ: “Tôi cố gắng giải thích về lịch sử, về cuộc chiến vừa qua, và lý do tại sao mà tôi vẫn cứ trở về xứ này. Đứa con gái lớn gạt ngang tôi, đại ý nói rằng, đây là quê hương của tôi, còn nó là người Mỹ, không cần mang nặng tình cảm quá khứ...”
TS Nguyễn Hữu Liêm nhận thấy rằng: “Dân tộc Việt Nam đang tự giải phóng chính mình ra khỏi quá khứ bằng ngôn ngữ. Không lạ chi mà cả nước bây giờ đi đâu cũng tràn ngập phong trào học Anh văn. Cái sang trọng bắt đầu bằng ý chí làm sang. Đây có thể là một khúc quanh ngôn ngữ thứ hai cho dân tộc. Chúng ta đang đi đúng đường!”.
Nguyễn Hữu Liêm - Tiến sĩ luật khoa, tiến sĩ triết học (Mỹ), nguyên chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000. Ông là tác giả của những cuốn sách Dân chủ pháp trị (1991), Tự do và đạo lý (1994), Sử tính và ý thức (2018), Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học (NXB Đà Nẵng & Domino Books, 2018)… Hiện ông là giáo sư triết học tại San Jose City College, California.
Tiểu Vũ