Đất nước Nhật Bản luôn được biết tới là một trong những quốc gia có nhiều người sống thọ nhất trên thế giới. Chính vì vậy, không có gì lấy làm lạ khi người dân ở “xứ Phù Tang” lại sở hữu rất nhiều bí quyết sống khỏe và trường thọ.
Những bí mật mà người dân Nhật Bản vốn gìn giữ để sống trường thọ và hạnh phúc đã được cố bác sĩ Shigeaki Hinohara chia sẻ trong cuốn sách “Bí quyết trường thọ của người Nhật”.
Không phải cao lương, mỹ vị mà chính những thay đổi trong cách suy nghĩ cũng góp phần không nhỏ để giúp người Nhật luôn khỏe mạnh và giữ được “khí” để sống trường thọ.
Dưới đây là 6 việc mà cố bác sĩ Shigeaki Hinohara, huyền thoại y học ở Nhật Bản khuyên mọi người nên làm theo để có thể sống trường thọ.
1. Có ước muốn sống khỏe
Đây là một trong những việc nên làm để sống trường thọ. Mỗi chúng ta đều có thể gieo cho mình ước muốn sống khỏe, sống vui và sống có ý nghĩa. Mọi thứ có thể thay đổi khi chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận về vấn đề đó.
Theo cố bác sĩ Shigeaki Hinohara, con người có khả năng chịu đựng được bất kỳ bất hạnh nào và ngay cả trong nghịch cảnh thì vẫn có thể cảm nhận được hạnh phúc. Tất cả đều là nhờ có hy vọng và niềm tin vào tương lai tươi sáng sẽ đến.
Lâm bệnh, gặp sự cố hay chẳng may bị tai nạn hoặc năng lực, tài sản không bằng người khác nhưng nếu ta biết đón nhận hiện thực thì điều đó xem như đã có được phân nửa hy vọng. Biết mình chính là bước đầu để nắm trọn hy vọng. Chúng ta không sống bằng khát vọng mà sống trong hy vọng bởi vì ở đâu có hy vọng thì ở đó có hạnh phúc.
2. Không phụ thuộc vào các chỉ số
Thăm khám sức khỏe định kỳ là một điều tốt vì việc này giúp cho chúng ta có thể nắm được tình trạng của cơ thể một cách khách quan, cũng như sớm phát hiện những bệnh không có biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, theo cố bác sĩ Shigeaki Hinohara, đừng quá bận tâm tới những chỉ số “đẹp” của kết quả xét nghiệm. Bởi vì những chỉ số tiêu chuẩn này có thể thay đổi theo thời gian. Chính vì vậy, điều quan trọng là bản thân ta phải cảm thấy mình “khỏe” chứ không phải âu lo về các chỉ số chuẩn, chỉ số bình quân.
Chẳng hạn, định nghĩa về “người cao tuổi” có thể thay đổi trong tương lai. “Tôi cho rằng lấy ranh giới tuổi 70 để định nghĩa về người cao tuổi như hiện nay sẽ trở thành 75 tuổi vào thời điểm 20 năm sau”, cố bác sĩ Shigeaki Hinohara cho biết.
Do đó, việc không để bản thân bị lung lạc bởi những chỉ số cũng được coi là một bí quyết sống.
3. Sống lạc quan
Lạc quan là điều cần thiết và nên làm để sống khỏe và sống trường thọ. Trong cuộc sống, việc phải trải qua những thăng trầm, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Nhưng sự khác biệt ở đây là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề và giải quyết chúng như thế nào.
Mặc dù không thể xóa bỏ những lỗi lầm đã phạm trong quá khứ, nhưng chúng ta luôn có thể làm lại từ đầu. Vì vậy, đừng ngại làm lại từ đầu một thứ gì đó và hãy sống lạc quan. Yêu thương, đón nhận kể cả những điều mình ghét ở bản thân sẽ giúp chúng ta tìm được những “hạt giống tốt” ẩn mình bên trong mà lâu nay chưa được nảy mầm. Nếu một người không yêu bản thân thì chắc chắn không thể yêu người khác.
4. Thay đổi lối sống, cách ăn uống
Ở độ tuổi nào chúng ta cũng có thể thay đổi lối sống. Chính vì vậy, hãy xem lại cách ăn uống, những hoạt động, làm việc và ngủ nghỉ ngay từ ngày hôm nay.
Trên thực tế, những căn bệnh mà nhiều người ngày nay thường mắc phải là huyết áp cao, xơ cứng động mạch, đột quỵ, bệnh tim và ung thư. Tuy nhiên, gốc rễ của những căn bệnh này đều là do thói quen sinh hoạt của người bệnh từ khi còn trẻ.
Nhiều người thời trẻ thường ăn quá no, uống quá nhiều, nạp quá nhiều đường, quá nhiều muối, quá nhiều mỡ, hút thuốc quá nhiều,... Chính thói quen ăn uống quá đà này đã gây ra bệnh.
Chính vì vậy, nếu xem lại, thay đổi cách ăn uống, lối sống vận động, sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ thì chúng ta có thể suốt đời không mắc phải những căn bệnh trên. Hãy chủ động giữ gìn sức khỏe của mình, đừng giao phó cho bác sĩ hoặc bất kỳ ai khác.
5. Luôn duy trì nguồn năng lượng sôi nổi
Đây là điều quan trọng để sống trường thọ và giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.
“Khi có tuổi, trên mặt ta sẽ có thêm nhiều nếp hằn sâu nhưng ta vẫn muốn được sống đẹp. Nếu lúc nào ta cũng mỉm cười thì chắc chắn sẽ có ngày ta có những nếp nhăn in theo dấu nụ cười. Mỗi một độ già thêm, nội tâm sẽ thể hiện rõ hơn trên khuôn mặt. Hãy để những nét nhăn nụ cười tăng lên và làm tràn trề “khí”. Chính thứ “khí” này làm cho con người khỏe mạnh, là nguồn mạch của sự sôi nổi”, cố bác sĩ Shigeaki Hinohara chia sẻ.
6. Chết không phải là hết
Không ai có thể tránh khỏi cái chết. Có người chết vì bệnh tật, có người vì bị tai nạn và ai rồi cũng phải đến ga cuối của đời mình. Nhưng suy cho cùng, cho dù là người đang cận kề cái chết hay tất cả mọi người đang khỏe mạnh, còn xa cái chết, thì việc ngày hôm nay sống ra sao là điều hết sức thiết thực.
Do đó, đừng sợ phải đối mặt với cái chết. “Chúng ta đếm ngược từ cái chết không phải để sống nơm nớp trong lo sợ mà là để luôn biết cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta có để sống”, cố bác sĩ 106 tuổi Shigeaki Hinohara chia sẻ. Theo ông, ý thức được về cái chết cũng là một cách để chúng ta có một ngày sống thanh khiết và vui tươi.
Shigeaki Hinohara sinh năm 1911. Sau khi tốt nghiệp y khoa vào năm 1937, và sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình cao học, ông bắt đầu làm việc tại một bệnh viện quốc tế ở Tokyo (Nhật Bản) từ năm 1941 và kể từ đó nhận được nhiều bằng khen trong nghề của mình. Thậm chí, khi đã độ tuổi ngoài 100, vị bác sĩ huyền thoại này vẫn tiếp tục lao động không ngừng. Ông vẫn chữa trị cho các bệnh nhân cho đến khi qua đời vào ngày 18/7/2017, hưởng thọ 106 tuổi.