Trong kỳ trước, chúng tôi có việc sứ giả nhà Minh bình Lê Tương Dực là 'Vua lợn' là không có cơ sở đáng tin cậy. Trong quá trình tìm tài liệu ghi về nhân vật Phan Hy Tăng và Trạm Nhược Thủy thì sử Trung Quốc không hề ghi câu chuyện mà Đại Việt sử ký toàn thư tả là: "Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu".
Nhưng không chỉ có Lê Tương Dực bị đóng nhãn vua lợn chỉ vì một câu không có căn cứ của sứ nhà Minh. Ngay trước Lê Tương Dực thì vua Lê Uy Mục cũng bị đóng nhãn là Vua Quỷ. Nguyên do là từ giai thoại được Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng giêng nhuận (1507), nhà Minh sai Hành nhân ty hành nhân Hà Lộ sang làm lễ viếng Hiến Tông Duệ Hoàng Đế, lại sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Thẩm Đào, phó sứ là Công khoa tả cấp sự trung Hứa Thiên Tích mang chiếu thư sang phong vua làm An Nam Quốc Vương, lại ban một bộ mũ áo quan võ bằng da và một bộ thường phục. Thiên Tích thấy tướng vua, đề thơ rằng:
An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giang quỷ vương?
(Vận nước An Nam bốn trăm năm rất dài,
Không biết lòng trời như thế nào lại giáng sinh ông vua quỷ sứ).
Trong lịch sử, Lê Uy Mục bị coi là một hôn quân. Uy Mục dính nghi án sát hại bà nội (để trả thù cho mẹ) khi lên ngôi: Uy Mục oán hận Thái hoàng thái hậu, cho rằng bà đã xúc phạm, nhục mạ mẹ ruột của mình, nên khi vừa lên ngôi, ngầm sai bọn thân tín giết chết Thái hoàng thái hậu. Sau, ông ban bố nghỉ chầu 7 ngày, dâng thụy hiệu cho bà tỏ lòng kính trọng.
Rồi Uy Mục bị vu là sát hại trung lương để trả thù riêng: ông giết quan Lễ bộ Thượng thư là Đàm Văn Lễ và quan Đô ngự sử là Nguyễn Quang Bật. Khi Hiến Tông mất, Văn lễ và Quang Bật không chịu lập ông lên ngôi mà quyết ý lập Túc Tông, ông căm giận lắm. Đến đây, dùng mưu của Khương Chủng, Nguyễn Nhữ Vi mà biếm hai người làm Thừa tuyên sứ Quảng Nam. Khi họ đến sông lớn huyện Chân Phúc, ông sai người đuổi theo bắt phải tự tử. Hai người khi sắp gieo mình xuống nước, ngâm thơ quốc ngữ rồi mới mất. Sau đình thần trong bụng ai cũng biết là hai người chết không đáng tội, can ông, ông đổ tội cho Nhữ Vi rồi giết y.
Rồi chuyện mê tửu sắc, tính hay giết người, để ngoại thích làm loạn kỷ cương cũng được sử chép: Từ khi lên ngôi, vua đêm nào cũng cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ. Khi rượu say liền giết cả cung nhân.
Bấy giờ, uy quyền thuộc về họ ngoại, phía đông thì làng Hoa Lăng (quê của cha nuôi), phía tây thì làng Nhân Mục (quê của vợ vua), phía bắc thì làng Phù Chẩn (quê của mẹ vua) đều chuyên cậy quyền thế, vùi dập các quan, kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân, kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của, mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả, nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ. Các quan người nào ngày trước không lập mình, thì thường giết đi.
Tội trạng của Uy Mục còn được nêu rõ trong hịch kể tội khi Tu Giản Công Lê Oanh (tức Tương Dực) dấy binh: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng".
Trong bài viết này, chúng tôi không có ý bào chữa cho Lê Uy Mục mà chỉ muốn đặt vấn đề với câu được cho là của sứ nhà Minh, Hứa Thiên Tích.
An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giang quỷ vương?
(Vận nước An Nam bốn trăm năm rất dài,
Không biết lòng trời như thế nào lại giáng sinh ông vua quỷ sứ).
Hứa Thiên Tích đi sứ thì cũng không thể làm thơ lung tung làm ảnh hưởng sứ mệnh ngoại giao. Còn Đại Việt sử ký toàn thư chép chung chung là Thiên Tích đề thơ thì ông đề ở đâu mà sử quan có thể thấy câu thơ hỗn xược đến vậy?
Trong Minh sử, phần Liệt truyện thứ 76 có chép về Hứa Thiên Tích nhưng không hề có chữ nào nói về 2 câu thơ đoán vận nước Nam, vua Nam. Hứa Thiên Tích cũng chỉ là viên quan thì làm gì có cái tài để đoán trước vận nước Nam kéo dài 400 năm. Thời điểm được cho là Hứa Thiên Tích phát biểu là năm 1507 và đến lúc các bạn đang đọc dòng chữ này thì đã là hơn 500 năm. Trong khoảng thời gian đó, vận nước có lúc thăng lúc trầm, lúc tách lúc hợp nhưng mạch nước vẫn được duy trì. Từ đó có thể thấy câu thơ trên đoán trật lất.
Vậy ai làm 2 câu thơ đoán vận nước, vận vua này? Nhiều khả năng là sử gia thời sau dựa vào giai thoại đâu đó rồi nhét vào chính sử. Những câu nhận xét mang tính chính trị hạ thấp uy tín của Uy Mục và Tương Dực được gắn vào miệng của sứ giả nhà Minh thì chẳng ai biết đâu mà lần. Sử quan nhà Mạc có thể không làm điều này vì nhà Mạc tuy có động cơ hạ bệ uy tín của Uy Mục, Tương Dực nhưng không dại gì lại ghi vận nhà Lê kéo dài đến 400 năm.
Tuy nhiên, sử gia thời Lê Trung Hưng hay thời vua Lê - chúa Trịnh có thể dễ dàng tiếp nhận giai thoại này. Trước hết, việc kéo dài nhà Lê 400 năm nữa thì rất đẹp với mơ ước của cả vua Lê lẫn chúa Trịnh rồi. Còn việc tả cái xấu của Uy Mục hay Tương Dực ra thì rất đúng với ý đồ của chúa Trịnh. Trong bối cảnh lưỡng đầu chế khi ấy, nhà Chúa rất muốn người trong thiên hạ thấy các vua Lê thời trước là đám hôn quân nên việc nhà chúa thay vua Lê cai trị là ứng với lòng trời. Còn tại sao lại là 400 năm mà không phải 300 năm hay 500 năm? Thời bấy giờ, khi nhắc đến thịnh trị kéo dài của một triều đại thì người ta thích nhắc đến một cách ước lệ về cơ nghiệp 400 năm nhà Hán bên Trung Quốc.
Theo sách Hồng Thuận Trị bình bảo phạm:
"Đời Đoan Khánh, bọn hoạn quan thọc vào chính sự, kẻ ngoại thích mặc sức chuyên quyền, pháp lệnh phiền hà, kỷ cương rối loạn, nông tang tiêu tàn mất nghiệp, phong tục ngày một suy đồi, thực rất đáng thương tâm. Huống chi, lại tàn sát người cốt nhục, hãm hại kẻ bề tôi, những việc làm như vậy thì muốn không bị diệt vong có được không?"
Còn sách Hồng Thuận Trung hưng ký của Nguyễn Dục cũng ghi nhận:
"Mẫn Lệ công thất đức, bọn Chủng, Thắng chuyên quyền. Thừa Nghiệp là thằng nhãi chăn trâu mà kiêm coi cả phủ Tông nhân; Tử Mô là đứa trẻ bán cá lại trông giữ hết quân Túc vệ. Tiến dùng bè lũ sài lang, đua mở rộng đường hối lộ. Xây phủ đệ thì rừng núi các xứ Thái Nguyên, Tuyên Quang không còn cây để lấp nguồn dục vọng, đòi mắm muối thì sông biển các vùng Nghệ An, Yên Bang không còn cá mà nhét miệng đói thèm. Gươm Thái A trở ngược, đồ thần khí lung lay, tai dị sinh luôn, hạ dân ta oán, bị diệt vong là đáng lắm rồi.
Lời bàn: Mẫn Lệ công tin dùng ngoại thích, bạo ngược vô đạo, giết hại tông thất, tàn sát nhân dân, tự mình chuốc lấy diệt vong, chẳng cũng đáng sao
Anh Tú