Vụ Phó tổng trấn Gia Định Hoàng Công Lý (hay Huỳnh Công Lý) bị xử tử dưới thời vua Minh Mạng vì tội tham nhũng là một trong những vụ đại án tham nhũng lớn nhất thời Nguyễn. Cho đến giờ, những giai thoại xung quanh chuyện này được lan truyền nhiều, bao gồm cả trên mặt nhiều báo nhưng khá sơ sài và có những chi tiết cần xem lại. Báo điện tử Một Thế Giới xin viết lại về nhân vật Hoàng Công Lý với sử liệu cụ thể rõ ràng hơn.
Sử không chép nhiều về xuất thân của Hoàng Công Lý nhưng Đại Nam thực lục có nhiều ghi chép chứng tỏ ông là sủng thần dưới thời Gia Long - vua mở đầu triều Nguyễn. Trong Đệ nhất kỷ - Quyển XIV - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế thì Hoàng Công Lý lần đầu được nhắc tới khi được cất nhắc từ phó đội lên làm Thuộc nội nội cai đội đội Túc trực nhị (năm 1801). Một năm sau, Hoàng Công Lý được thăng lên làm Vệ úy vệ Trung nhị. Một phó đội thường hàm ngũ phẩm là cao mà chỉ trong chưa đầy 2 năm đã được thăng làm Vệ úy thường là tam phẩm thì có thể nói là thăng quan rất nhanh.
Tin tưởng Hoàng Công Lý, khi dựng phủ đệ hoàng tử, Gia Long sai Thị trung vệ úy Hoàng Công Lý và Nội trực vệ úy Trương Phước Phượng trông coi công việc. Cùng năm, Sai Vệ úy Thị trung là Hoàng Công Lý kiêm quản quân Cửu dực. Năm 1808, Ban mũ áo cho bọn Cai cơ Nguyễn Viết Bảo, Vệ úy Trần Đăng Long, Tôn Thất Bính, Nguyễn Văn Phân, Nguyễn Văn Soạn, Trương Văn Phượng, Hoàng Công Lý. Năm 1809,lấy Vệ úy vệ Trung nhị Thị trung là Hoàng Công Lý làm Vệ úy vệ Trung nhất Thị trung.
Năm 1811, triệu Chưởng cơ lãnh trấn thủ Bình Định là Vương Văn Học về Kinh; lấy Vệ úy Thị trung là Hoàng Công Lý lãnh Trấn thủ Bình Định. Đến 1815, lại lấy Thuộc nội vệ úy vệ Trung nhất Thị trung lãnh Trấn thủ Bình Định là Hoàng Công Lý làm Tả thống chế thị trung (quản năm vệ Trung nhất, Tiền nhất, Tả nhất, Hữu nhất, Hậu nhất). Cần phải thấy là trong mắt của Gia Long thì Bình Định là một trấn rất quan trọng vì đây là nơi phát tích của nhà Tây Sơn. Điều Gia Long lo lắng nhất là người Tây Sơn lại làm loạn nên trọng trấn này nhất định phải giao cho Hoàng Công Lý.
Sự kiện xử án của Nguyễn Văn Thành là bằng chứng thể hiện rất rõ sự tin tưởng của vua Gia Long với Hoàng Công Lý. Vua Gia Long cho Hoàng Công Lý như một tâm phúc tiếp xúc với Văn Thành để nghe viên tướng này có than thở gì không rồi về báo cho vua. Đại Nam thực lục chép: Khi Văn Thành bị bắt vua bèn sai bắt Văn Thành và con giam ở nhà quân Thị trung. Bầy tôi họp ở Võ công thự để xét hỏi Văn Thành. Hỏi: “Có làm phản không?” Thành nói: “Không”. Hỏi : “Có dự biết không?” Thành nói: “Không”. Văn Thành trả lời rồi đi ra, sắc mặt bừng bừng, trở về nhà quan, nói với Thống chế Thị trung là Hoàng Công Lý rằng: “án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Rồi Thành đi nằm hồi lâu, uống thuốc độc chết. Việc tâu lên, vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?” Công Lý đem hết lời Thành nói thưa lên. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”. Bỗng có quân lại nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành ở nhà quân đem dâng. Vua cầm tờ biểu khóc to lên đưa cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc trẻ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.
Năm 1817, xây gạch Kinh thành. Vua Gia Long sai bọn Hoàng Công Lý, Trương Phước Đặng, Nguyễn Đức Sĩ, trông coi công việc. Cần lưu ý trong việc xây kinh thành thì Hoàng Công Lý được nêu tên đầu.
Sự kiện Hoàng Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định được nêu trong Đệ nhất kỷ - Quyển LVIII - Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế tức Gia Long. Năm 1818, Lấy Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách là Lê Văn Phong làm Phó tổng trấn Bắc Thành, Tả thống chế Thị trung là Hoàng Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định.
Thời điểm đó, Tổng trấn Gia Định là Nguyễn Huỳnh Đức nhưng năm 1819 thì Nguyễn Huỳnh Đức bị bệnh qua đời. Sau khi Huỳnh Đức qua đời thì vua Gia Long cũng chưa bổ nhiệm ai làm Tổng trấn Gia Định thay thế nên khoảng thời gian đó thì Hoàng Công Lý trở thành người có quyền hành lớn nhất Gia Định. Thời gian 1819, vua Gia Long còn sai Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý lấy dân Phiên An hơn 10.000 người, cấp cho tiền gạo mà sai làm việc. Khi công việc xong, cho tên là sông An Thông. (Sông ở phía tây nam trấn, trước có sông từ kênh Thông, qua Sài Gòn đến Lao Giang, xa xôi, nhỏ hẹp, quanh co, nông cạn. Đến nay đổi đường cũ, đào kênh mới, từ kênh Thông thẳng đến sông Mã Trường, dài hơn 9 dặm, ngang 7 trượng 5 thước, sâu 9 thước). Đường sông đã thông, thuyền bè đi lại ngày đêm nối nhau, bèn thành chỗ bến sông đô hội, người ta đều khen là tiện lợi.
Năm 1820, Gia Long qua đời và vua Minh Mạng lên ngôi. Ngay năm đầu lên ngôi, Minh Mạng đã lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lãnh Tổng trấn thành Gia Định. Động tác đầu tiên của Lê Văn Duyệt khi đến Gia Định là gì? Điều Hoàng Công Lý ra ngoài một thời gian có lẽ là để phục vụ điều tra. Đại Nam thực lục chép: "Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã đến Gia Định, sai Hoàng Công Lý tiến đánh dẹp, gửi hịch cho nước Chân Lạp thêm quân để làm thế đánh hai mặt. Công Lý đánh nhau với giặc, giặc thua chạy, bèn dẫn quân về".
Hoàng Công Lý ngỡ rằng thắng giặc là lập đại công nhưng không ngờ là ngay khi về chưa kịp ấm chỗ thì đã chịu tội. Đại Nam thực lục chép ngay trong 1820: Phó tổng trấn Gia Định là Hoàng Công Lý tham lam trái phép, bị quân nhân tố cáo hơn mười việc. Lê Văn Duyệt đem việc tâu lên. Vua bảo Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng : “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế cất nhắc, ngôi đến Phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi”.
Năm 1821, Minh Mạng cho xử chết Hoàng Công Lý. Đại Nam thực lục chép: "Hoàng Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên 2 vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân".
Đại Nam thực lục còn kể thêm tội của Hoàng Công Lý trong thời gian trước khi đến Gia Định: Công Lý khi làm Tả thống chế quân thị trung, ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng ở trên bờ sông Hương, đến nay việc phát, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh. Rồi nhân đó (Minh Mạng) dụ rằng, từ nay biền binh trong ngoài nếu gặp kẻ tham tàn cậy quyền thế áp bức mà không kêu được, thì cho phép đón xa giá mà tâu. Lại dụ rõ cho các đại thần võ ban nên lấy việc Lý làm răn...
Có thể tin khi Minh Mạng còn là hoàng tử thì đã biết Hoàng Công Lý hay tham nhũng rồi. Chỉ hiềm vì Công Lý là sủng thần của Gia Long nên không vội động đến. Nhưng ngay khi lên ngôi thì Minh Mạng không còn ngại trong việc điều tra Hoàng Công Lý trước khi định tội. Thế mới thấy tội tham nhũng sớm muộn đều có thể phải trả giá dù có lên chức Phó tổng trấn Gia định hay là sủng thần một thời.
Anh Tú