Osho và những chia sẻ về ngôn ngữ - càng bóc tách càng thấy "cả thế giới" gói gọn chỉ trong một chữ

Nguyễn Phương19/09/2022 17:58
Osho và những chia sẻ về ngôn ngữ - càng bóc tách càng thấy "cả thế giới" gói gọn chỉ trong một chữ

Học tiếng Anh cùng Osho

Không chỉ thỏa mãn người đọc với hàng loạt lập luận đầy sắc bén và lượng kiến thức sâu rộng đến từ mọi chủ đề như tôn giáo, triết học, chính trị, khoa học, xã hội… bậc thầy Osho còn làm những mọt sách phải ngỡ ngàng trước vốn kiến thức ngôn ngữ tuyệt vời của mình.

Ông rất thích dùng ngôn ngữ (Tiếng Anh, tiếng Phạn…) để giải thích cho một vấn đề theo chiều hướng mới lạ, độc đáo. Qua cách giải thích vô cùng xác thực và hợp lý này, Osho giúp chúng ta đến gần hơn với những định nghĩa tinh thần trừu tượng và khó hiểu.

Hãy cùng Osho tìm hiểu xem có những định nghĩa thú vị nào nhé!

- Trong tiếng Anh, cây bồ đề được gọi là "bo tree", bởi vì dưới gốc cây này, Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã trở thành Phật, đã đạt được bodhi, trạng thái giác ngộ. Tên tiếng Anh đầy đủ của cây bồ đề là bodhi tree, nhưng thường được gọi là bo tree.

- Người ta đã luôn sử dụng từ “responsibility” sai cách khi hiểu nó như “trách nhiệm”. Cách dùng đó mang lại cảm giác như đang mang vác một gánh nặng. Bạn phải thực hiện nó, nó là một nghĩa vụ; nếu không thực hiện, bạn sẽ cảm thấy mình có lỗi.

Tôi muốn nhắc nhở bạn rằng từ “responsibility” không bao hàm ý nghĩa nào trong số đó. Hãy tách từ này ra làm hai, “response-ability” (khả năng hồi đáp), và bạn sẽ có một nghĩa hoàn toàn khác, một chiều hướng khác. Khả năng hồi đáp không phải là một gánh nặng. Nó không phải là một nghĩa vụ; nó không phải là thứ bạn phải làm bất kể mình có muốn hay không.

Vì vậy, điều đầu tiên tôi muốn bạn hiểu là đừng sử dụng trọn vẹn từ “responsibility”; hãy tách nó ra làm hai: “response-ability” (khả năng hồi đáp). Khi đó, toàn bộ sắc thái của nó sẽ thay đổi.

- "Bodhi" từ tiếng Phạn, dịch âm tiếng Việt là bồ đề, có nghĩa là sự tỉnh thức, giác ngộ.

- Thật thú vị khi từ "sức khỏe" (health) và "thần thánh" (holy) trong tiếng Anh đều có cùng nguồn gốc với “sự trọn vẹn” (wholeness). Khi bạn hòa làm một với cái toàn thể, toàn bộ lòng tham biến mất.

- Từ “Zen” bắt nguồn từ dhyana, thiền.

- Từ “tinh thần kỷ luật” (discipline) bắt nguồn từ một từ gốc mang nghĩa “học hỏi”; nó có cùng nguồn gốc với từ “môn đồ” (disciple). Một môn đồ là một người sẵn sàng học hỏi, và tinh thần kỷ luật là khả năng cởi mở, thứ có thể giúp bạn học hỏi

- "Hiểu” (understand) là một từ đẹp. Khi bạn thiền, mọi thứ “đứng dưới” (stands under) bạn, bạn đứng xa ở phía trên nó. Đó là ý nghĩa của từ hiểu. Mọi thứ ở đó, bên dưới bạn, để bạn có thể nhìn thấy… bạn có tầm nhìn từ trên xuống. Bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh từ độ cao của mình. Trí tuệ không thể nhìn thấy nó; trí tuệ ở trên cùng một bình diện với nó.

Hiểu chỉ xảy ra khi vấn đề ở trên một bình diện và bạn ở một bình diện khác cao hơn. Nếu hoạt động trên cùng bình diện như vấn đề đó, bạn không thể hiểu được. Bạn sẽ chỉ hiểu lầm. Và đó là một trong những vấn đề lớn nhất mà những người tìm kiếm sự thật đều phải đối mặt.

- Trong cuốn sách, “Cảm xúc” (tựa gốc “Emotional Wellness”) Osho khẳng định "cảm xúc" (emotion) của chúng ta không bất biến, thay vào đó nó liên tục thay đổi. “Đó là lý do ‘cảm xúc’ được gọi là ‘emotion’ trong ngôn ngữ Anh - ‘emotion’ bắt nguồn từ ‘motion’, nghĩa là sự chuyển động. Nó phải tương ứng với sự chuyển động của cơ thể; nếu không, nó không phải là cảm xúc.

Chúng chuyển động; do đó chúng là “cảm xúc”, Osho diễn giải - Khoảnh khắc này bạn buồn, khoảnh khắc kia bạn vui; bây giờ bạn tức giận, lát sau bạn đầy lòng cảm thông. Lúc này bạn cảm thấy yêu thương, lúc khác bạn lại chìm trong thù hận; buổi sáng thật vui tươi, buổi tối thật ảm đạm. Và cứ như vậy. Đây không thể nào là bản chất của bạn, bởi đằng sau tất cả những thay đổi này phải có một thứ gì đó giống như sợi chỉ đỏ để kết nối mọi mảnh ghép lại với nhau”. Một khi nắm bắt được “sợi chỉ đỏ” đó, bạn sẽ thấu tỏ chính mình và cả những người xung quanh.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024