Trước khi các nhà kinh tế học hành vi huyền thoại Daniel Kahneman và Amos Tversky chính thức hóa lý thuyết triển vọng và ác cảm mất mát, họ tin rằng việc tránh hối tiếc là gốc rễ của những hành vi con người mà họ đang nghiên cứu. Tuy nhiên, họ biết được việc né tránh sự hối tiếc cũng không thể lý giải được nhiều hành vi và điều này dẫn đến một bức tranh lớn hơn.
Hãy cùng xem xét một trò chơi đơn giản giúp làm sáng tỏ hơn một chút về tâm lý hối tiếc.
Có hai viên xúc xắc - một màu đỏ và một màu trắng - và hai chiếc cốc giống hệt nhau. Một con xúc xắc được đặt dưới mỗi chiếc cốc, xáo trộn chúng và bạn được yêu cầu chọn đâu là chiếc cốc có xúc xắc màu đỏ. Vì không thấy được quá trình xúc xắc được đặt dưới chiếc cốc nên bạn hoàn toàn không có thông tin gì để làm cơ sở cho quyết định của mình. Nếu lựa chọn đúng, bạn sẽ nhận được một khoản tiền. Nếu không, bạn không nhận được gì cả.
Hãy tiếp tục trò chơi. Giả sử, bạn chọn chiếc cốc bên phải và nó được trượt về phía bạn nhưng bạn không được phép nhìn vào bên dưới. Sau đó, người quản trò sẽ hỏi bạn có muốn chuyển sang chiếc cốc bên trái hay không.
Lúc này, bạn có muốn đổi không?
Phần lớn mọi người sẽ không đổi, trong các nghiên cứu, có đến khoảng 90% mọi người không đổi sự lựa chọn.
Tại sao vậy? Tỷ lệ đúng là 50-50, vậy tại sao không đổi?
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra hai lý do. Đầu tiên là hiệu ứng sở hữu, giả định rằng một khi bạn nhận thức được quyền sở hữu một món đồ, nó sẽ trở thành của bạn và nó có giá trị hơn đối với bạn so với món đồ tương đương mà bạn không sở hữu. Khi bạn chọn một chiếc cốc, nó sẽ trở thành của bạn và nó trở nên có giá trị hơn đối với bạn so với chiếc cốc kia. Khi chiếc cốc được chọn được trượt về phía bạn, nó di chuyển vào không gian cá nhân của bạn thì hiệu ứng sở hữu này càng lớn hơn.
Lý do thứ hai, một trong những động lực thúc đẩy hành động của chúng ta là nỗ lực giảm thiểu sự hối tiếc. Nếu chúng ta đưa ra một lựa chọn và nó trở thành sai lầm, chúng ta cảm thấy tồi tệ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đưa ra một lựa chọn, thay đổi rồi sau đó phát hiện ra quyết định đầu tiên của mình thực sự đúng? Chúng ta cảm thấy tệ hơn nữa. Vì vậy, khi lời mời thay đổi lựa chọn được đưa ra, bạn thấy nó không hấp dẫn mình.
Chúng ta có thể khám phá chính xác mình cảm thấy tồi tệ đến mức nào nếu thay đổi và sai thông qua một thử nghiệm đơn giản.
Trong trò chơi trên, nếu bạn chọn được chiếc cốc có xúc xắc màu đỏ, bạn sẽ thắng được 5 đô la. Bây giờ, giả sử quy tắc được thay đổi một chút. Sau khi bạn lựa chọn xong cốc, bạn vẫn có thể chọn chuyển sang cốc khác, nhưng bây giờ, nếu bạn đổi và đúng thì bạn sẽ nhận được 6 đô la. Nếu bạn vẫn giữ nguyên lựa chọn ban đầu và đúng, bạn vẫn chỉ nhận được 5 đô la thôi. Vậy bạn có muốn đổi không?
Một lần nữa, hầu hết mọi người sẽ không đổi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu lời đề nghị tăng lên 10 đô la nếu bạn đổi và đúng? Thậm chí, tăng lên 15 đô la thì sao?
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện những thí nghiệm này và kết quả rất rõ ràng. Với giá trị gấp ba lần, 50% số người thay đổi. Giá trị cần tăng gấp 10 lần thì 90% mọi người mới thay đổi.
Những thí nghiệm như thế này là một trong những phương pháp mà các nhà nghiên cứu sử dụng để tìm hiểu xem cảm giác ác cảm về sự mất mát khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đến mức nào. Điều này khiến nó tệ hơn khoảng ba lần, các thí nghiệm khác cũng cho ra kết quả tương tự.
Khi còn đi học và làm bài thi trắc nghiệm, bạn thường được khuyên là “hãy nghe theo bản năng ban đầu” hơn là đổi sang đáp án khác. Bây giờ, lời khuyên này có lẽ không mang đến cho bạn cơ hội tốt hơn để có được câu trả lời đúng, nhưng nó khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Bởi bạn thà nhận sai ngay từ đầu còn hơn là thay đổi và nhận ra lựa chọn ban đầu của mình là đúng.