Mỗi người chúng ta, ít nhiều đều có cái tôi của riêng mình. Những việc không hài lòng, nhẹ thì tỏ ý không vui, nặng thì tranh cãi để giành phần thắng, chứng minh bản thân mình đúng. Thế nhưng, trong tình yêu và hôn nhân, khi bạn giành chiến thắng sau một cuộc tranh cãi, khi đó tình cảm cũng đã rạn vỡ đi rồi.
Khoa học từng nghiên cứu rằng, khi nóng giận, phụ nữ thích nói nhiều, kể lể dông dài nhằm bày tỏ sự tức giận của mình, cũng như lý do khiến họ tức giận. Mặt khác, đàn ông có thể trở nên hung dữ hơn, nhất là khi bị chọc giận, họ như những con thú ầm ào, thét vang.
Tôi có cô bạn là người khá tĩnh lặng và mít ướt, đụng tý là nước mắt ngắn dài. Cô ấy sẽ không thể xoắn áo xoắn quần mồm năm miệng bảy cãi nhau, hay la hét gào thét để trút cơn giận. Những lúc giận thường chỉ biết im lặng.
Ngày bé, bố cô ấy hay nói đùa với cô ấy “con gái đụng tý là trào nước mắt, ai la ai mắng gì cũng mắt ngân ngấn, sau này sẽ làm nhũn hết trái tim đàn ông, ai nỡ...”.
Nhưng lớn lên, cô ấy đã va ngay vào người đàn ông, có trái tim không thể... nhũn vì những giọt nước mắt của cô ấy.
Có lần cô nói với người đàn ông đó khi cơn giận của anh ta ngùn ngụt, bốc thấu cả trời xanh và lấn át tiếng hót của chim chóc xung quanh: anh đừng dùng những cơn nóng giận la hét (và có thể cả bạo lực) để trấn áp người phụ nữ anh yêu chỉ để nhằm giải quyết vấn đề.
Điều đó chỉ làm cho người phụ nữ sợ thôi chứ không và không bao giờ đi gần vào trái tim họ được. Tình cảm phải được vỗ ấm từ những nhẹ nhàng, ấm áp.
Người viết bài này chợt nhớ đến một câu chuyện, rằng, có một vị hiền triết đã hỏi các đệ tử rằng: “Tại sao trong cơn giận dữ người ta thường phải thét thật to vào mặt nhau?”.
Sau một lúc suy nghĩ, một trong những đệ tử ấy đã trả lời: “Bởi vì người ta mất bình tĩnh, mất tự chủ!”.
Vị hiền triết không đồng ý với câu trả lời, ngài bảo: “Nhưng tại sao phải hét lên trong khi cả hai đang ở cạnh nhau, tại sao không thể nói với một âm thanh vừa phải đủ nghe?”.
Các đệ tử lại phải ngẫm nghĩ để trả lời nhưng không có câu giải thích nào khiến vị thầy của họ hài lòng.
Sau cùng vị hiền triết đưa ra lời giải đáp. Ông bảo: “Khi hai người đang giận nhau thì trái tim của họ đã không còn ở gần nhau nữa. Từ trong thâm tâm họ cảm thấy giữa họ và người kia có một khoảng cách rất xa, nên muốn nói cho nhau nghe thì họ phải dùng hết sức bình sinh để nói thật to. Sự giận dữ càng lớn thì khoảng cách càng xa, họ càng phải nói to hơn để tiếng nói của họ bao trùm khoảng cách ấy.
Còn khi hai người bắt đầu yêu nhau thì thế nào? Họ không bao giờ hét to mà chỉ nói nhỏ nhẹ, tại sao? Bởi vì trái tim của họ cận kề nhau. Khoảng cách giữa họ rất nhỏ…”.
Rồi ngài lại tiếp tục: “Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết người kia nghĩ gì, muốn gì …”.
Người kết luận:
“Khi các con bàn cãi với nhau về một vấn đề, phải giữ trái tim của các con lúc nào cũng cận kề. Đừng bao giờ thốt ra điều gì khiến các con cảm thấy xa cách nhau… Nếu không thì có một ngày khoảng cách ấy càng lúc càng rộng, càng xa thì các con sẽ không còn tìm ra được đường quay trở về!”.
Không có một cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, không hề có va chạm, cãi vã. Bởi khi đã kết hôn, giữa hai người không chỉ có tình yêu mà ràng buộc bởi rất nhiều thứ. Sự va chạm bởi cá tôi cá nhân, sở thích, quan điểm sống, cách nuôi dạy con cái… Vô vàn những điều khác biệt rất dễ dẫn đến mâu thuẫn và cãi vã.
Có những người đàn ông trước những cơn giận hờn của vợ đều nhận mình là người sai. Có những người vợ, trước thái độ không hài lòng của chồng thì chỉ mỉm cười cho qua chuyện. Những người đó rất khôn ngoan, bởi họ biết có những điều còn quan trọng hơn cả cái tôi của mình.
Kết hôn thì dễ nhưng sống được với nhau cả đời rất khó. Yêu cầu mỗi người phải biết dung hòa, biết lắng nghe, biết kiên nhẫn, biết bao dung nhiều hơn, và bỏ bớt cái tôi của mình. Và trên hết, họ không bao giờ muốn giành chiến thắng trong hôn nhân. Bởi, thắng người mà mình yêu thương nhất thì cũng chẳng để làm gì!
An Hoa