Người dân Vũ Hán (trái) ở một khu nhà ra nhận rau mua theo nhóm trong ngày 21-2 - Ảnh: REUTERS
Bởi tất cả đều là sự thật nhìn từ bên trong.
Chạy đua từng giây từng phút với thời gian là rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh chứ không nó lại tiếp tục hại người. Đặc biệt là ở Vũ Hán, thái độ làm việc của giới chức trách những ngày này có thể nói là nhanh gọn lẹ. Mọi người có thể thấy rõ điều đó qua những clip và tin tức trên mạng.
Mong đừng làm mạnh tay quá!
Nhưng cũng có lúc tôi cho rằng lãnh đạo cố gắng đừng làm quá mạnh tay. Bá tánh nếu đã tín nhiệm chính phủ, đương nhiên họ sẽ cho chính phủ thêm thời gian.
Quyết sách quá gấp e rằng sẽ vô ích. Ví dụ như tiến hành tổng rà soát toàn thành phố Vũ Hán. Thông qua đó sẽ có thể xác nhận được tất cả số ca lây nhiễm, nghi ngờ lây nhiễm, sốt, tiếp xúc gần.
Nhưng mà chỉ với thời gian ba ngày liệu có thể làm được hay không? E rằng đây là một vấn đề thiếu tính khả thi. Vũ Hán rộng lớn bao nhiêu, các khu vực kết nối với nhau phức tạp ra sao. Nếu cả ba ngày làm hụt hơi cũng không xong thì sao? Chẳng lẽ cách chức các bí thư khu, rồi lần lượt cách hết chức của các cấp dưới sao?
Hôm nay xem một đoạn clip thấy một cụ ông, mặc cho mọi người khuyên can đủ cách, cương quyết không chịu đi cách ly. Vũ Hán vốn là một thành phố cảng, người dân bình thường vốn đã quen thói chậm chạp từ tốn, cũng có không ít người khó tính. Cụ ông chắc không đến mức gọi là khó tính, chỉ là có chút ngoan cố mà thôi.
Chúng ta thấy trong clip cảnh sát hoàn toàn vô phương, chỉ có thể sử dụng cách cưỡng chế đưa đi. Từ cố gắng thuyết phục đến cưỡng bức đưa đi, quá trình này cần phải điều động bao nhiêu người, cần phải mất bao nhiêu thời gian? Ba ngày đủ không?
Tôi rất lo lắng cho những bí thư khu này, không biết sau 3 ngày liệu có bị cách chức không còn sót lại một ai. Chỉ mong rằng người đứng đầu chỉ nên giơ cao đánh khẽ, chứ không phải quyết định vội vàng.
Nửa đêm mua sắm trên mạng
Tôi thường hay ngủ rất khuya, trong khi anh trai tôi lại thường ngủ rất sớm. Nhưng hôm qua (20-2), anh ấy mãi không ngủ, lại còn nhắn tin qua mạng rằng "em đang viết bài, còn anh thì đang mua sắm theo nhóm".
Tôi cảm thấy lạ bèn hỏi anh sao tối vậy còn mua sắm. Anh ấy trả lời mua sắm theo nhóm để phụ nhau tìm kiếm hàng hóa bởi một mình thì có nhiều tin rao hàng không nhìn thấy được, đến khi nhìn thấy thì đã bị mua sạch sành sanh.
Ở trong nhà hết 31 ngày nên đồ ăn hầu như đã cạn. Anh ấy còn nói mấy hôm trước anh ấy rất lo lắng. Bởi vì thành phố bị phong tỏa, siêu thị lớn đối diện nhà đã bị vét sạch hàng hóa, chỉ toàn người với người.
Trên mạng thì 11h30 tối mới bắt đầu mở bán. Anh ấy chọn cách chọn sẵn những mặt hàng cần mua bỏ vào giỏ hàng từ rất sớm rồi ngồi canh đến 11h30 mở bán. Nhưng hỡi ơi, mạng lại không thể nào vào được. Đợi đến khi vào được thì tất cả đồ cần mua đã không còn. Đêm đó anh, tôi và chị dâu hoảng loạn vô cùng.
May là hai ngày trước mua được mì, gạo, dầu ăn, rau; vài món đã nhận được nhưng còn nhiều món vẫn đang chờ. Tôi nói với anh ấy: Yên tâm đi, không đến nỗi không có cái ăn đâu. Trung Quốc chưa đến mức độ này.
Tôi may mắn hơn anh tôi một chút, luôn có đồng nghiệp và hàng xóm giúp đỡ. Hôm qua anh chồng của một đồng nghiệp tự dưng tặng cho tôi mấy hộp canh gà. Quá đỗi bất ngờ, nhưng tôi cũng vui vẻ đón nhận. Điều kiện của đồng nghiệp tôi là: hãy chuyển bài (nhật ký) cho cô ấy ngay khi có. Đối với tôi việc như vậy là lời to. Tôi đương nhiên đồng ý ngay mà không một chút đắn đo.