Nhật ký nhà văn Phương Phương 21-2: Bức di thư 11 chữ khiến bá tánh khóc ròng

23/02/2020 18:08
Nhật ký nhà văn Phương Phương 21-2: Bức di thư 11 chữ khiến bá tánh khóc ròng

'Tôi xin hiến xác cho tổ quốc. Vợ tôi đâu? 11 chữ trong di thư của một bệnh nhân COVID-19 khiến mọi người khóc ròng'... Nhà văn Phương Phương tiếp tục đăng tải nhật ký 'Vũ Hán những ngày phong thành' lúc nửa đêm 21-2.

Nhật ký nhà văn Phương Phương 21-2: Bức di thư 11 chữ khiến bá tánh khóc ròng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng vận chuyển phân phát rau cho người dân từng khu phố - Ảnh: ifeng.com

Trời ơi, đã lâu như vậy rồi sao? Hôm nay trời đã nắng lên rồi, thời tiết rất ấm áp, khiến cho mọi người đều rất muốn đi dã ngoại.

Mỗi dịp xuân về trên vùng đất ngập mặn Hoàng Hoa Lao, những gánh hàng rong và những người thả diều nhiều vô số kể. Còn vườn hoa mai mọc khắp Đông Hồ, giờ đây chỉ lặng nở trong âm thầm. E là dạo gần đây nó đã cô đơn hiu quạnh và tàn hết rồi. Giờ đây chỉ còn trong hoài niệm. 

Tiếc nuối nhưng cũng đành bất lực mà thôi, vì an toàn là trên hết, vì sinh tồn, vì kế sách lâu dài, bây giờ chúng ta chỉ có thể cài then chốt cửa mà chờ đợi.

Lãnh đạo đừng làm mạnh tay quá!

Người dân đã bàn tán rất nhiều về số liệu thống kê hôm qua vì số người bệnh giảm đáng kể. Một người bạn bác sĩ đã nói với tôi rằng đó là do tiêu chí chẩn đoán mới.

Nhưng điều bất ngờ là hôm nay nhà nước đã kịp thời sửa tiêu chí. Hiển nhiên những con số đẹp là vô nghĩa trước việc chống dịch bệnh. Chỉ là khi nhà nước thay đổi nhanh như vậy phải chăng họ đã thay đổi cách làm việc? Nói cho cùng chỉ có thể nói hết sự thật, kịp thời điều chỉnh các phán đoán sai lầm, nhanh chóng khắc phục những sơ sót, mới có thể thực sự khống chế dịch bệnh.

Bổ nhiệm lãnh đạo mới, cách phòng chống dịch bệnh của Hồ Bắc khác hẳn kiểu làm việc chần chừ, yếu kém của dàn lãnh đạo trước đó. Tình hình dịch bệnh ở trong cảnh dầu sôi lửa bỏng rõ ràng đã có sự thay đổi. Những đối sách dường như hiệu quả hơn. 

Chạy đua từng giây từng phút với thời gian là rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh chứ không nó lại tiếp tục hại người. Đặc biệt là ở Vũ Hán, thái độ làm việc của giới chức trách những ngày này có thể nói là nhanh gọn lẹ. Mọi người có thể thấy rõ điều đó qua những clip và tin tức trên mạng.

Nhưng cũng có lúc, tôi cho rằng lãnh đạo cố gắng đừng làm quá mạnh tay. Bá tánh nếu đã tín nhiệm chính phủ, đương nhiên họ sẽ cho chính phủ thêm thời gian.

Quyết sách quá gấp e rằng sẽ vô ích. Ví dụ như tiến hành tổng rà soát toàn thành phố Vũ Hán. Thông qua đó, sẽ có thể xác nhận được tất cả số ca lây nhiễm, nghi ngờ lây nhiễm, sốt, tiếp xúc gần.

Nhưng mà, chỉ với thời gian ba ngày liệu có thể làm được hay không? E rằng đây là một vấn đề thiếu tính khả thi. Vũ Hán rộng lớn bao nhiêu, các khu vực kết nối với nhau phức tạp ra sao. Nhưng mà nếu cả ba ngày làm hụt hơi cũng không xong thì sao? Chẳng lẽ cách chức các Bí thư khu. Rồi lần lượt cách hết chức của các cấp dưới sao?

Hôm nay xem một đoạn clip thấy một cụ ông, mặc cho mọi người khuyên can đủ cách, ông cương quyết không chịu đi cách ly. Vũ Hán vốn là một thành phố cảng, người dân bình thường vốn đã quen thói chậm chạp từ tốn, cũng có không ít điêu dân khó tính. Cụ ông chắc không đến mức gọi là điêu dân, chỉ là tính khí có chút ngoan cố mà thôi.

Chúng ta thấy, trong clip cảnh sát hoàn toàn vô phương, chỉ có thể sử dụng cách cưỡng chế đưa đi. Từ cố gắng thuyết phục, đến cưỡng bức đưa đi, quá trình này cần phải điều động bao nhiêu người, cần phải mất bao nhiêu thời gian? 3 ngày đủ không?

Tôi rất lo lắng cho những bí thư Khu này, không biết sau 3 ngày, liệu có bị cách chức không còn sót lại một ai. Chỉ mong rằng người đứng đầu chỉ nên giơ cao đánh khẽ, chứ không phải quyết định vội vàng.

11 chữ xiêu vẹo trong di thư

Nhật ký nhà văn Phương Phương 21-2: Bức di thư 11 chữ khiến bá tánh khóc ròng - Ảnh 2.

Di thư 11 chữ của ông Tiêu Hiền Hữu - Ảnh: baidu.com

Ngoài ra còn một việc, tôi cũng cần đặc biệt ghi lại. Vũ Hán có một bệnh nhân qua đời tên là Tiêu Hiền Hữu. Trước khi mất, anh ấy có viết 2 dòng gồm 11 chữ trong di nguyện của mình. 7 chữ khiến mọi người khóc kia chính là "Tôi xin hiến xác cho tổ quốc" và 4 chữ ở phía dưới "Vợ tôi đâu?".

4 chữ sau thật sự mới khiến cho bá tánh như chúng tôi khóc ròng. Trước khi qua đời, việc ông xin hiến xác rất là cảm động, nhưng khi chỉ còn thoi thóp thở trước lúc lâm chung, ông vẫn nhớ đến vợ của mình, việc này càng lay động lòng người. 

Tại sao trên mặt báo lại không thể viết "11 chữ xiêu vẹo trong di thư khiến ai cũng rơi nước mắt", mà lại cố tình xóa đi 4 chữ phía sau? Liệu có phải là ban biên tập cho rằng yêu nước mới là tình yêu lớn, còn yêu vợ thì là tình cảm cá nhân nhỏ bé? Báo chí không màng nhắc đến thứ tình cảm nhỏ nhoi này?

Hôm nay tôi có trò chuyện với một bạn trẻ về việc này, anh ấy đã gửi đến cho tôi rất nhiều tâm tư, và rất không đồng tình với cách làm của báo chí. 

Người trẻ tuổi biết suy nghĩ là một việc đáng mừng. Cậu ấy nói, Nhà nước thì thích dòng đầu tiên, người dân thường thì thích dòng sau. Báo chí yêu thích sự kiện, người dân thường thì yêu thích con người, đó chẳng qua là quan điểm về xu hướng giá trị khác nhau mà thôi.

Nhật ký nhà văn Phương Phương 21-2: Bức di thư 11 chữ khiến bá tánh khóc ròng - Ảnh 3.

Trung tâm thành phố Vũ Hán không một bóng người - Ảnh:cmgchengdu.com

Nửa đêm mua sắm trên mạng 

Quay lại với cuộc sống của bản thân. Tôi thường hay ngủ rất khuya, nhưng anh của tôi bình thường, lại ngủ rất sớm. Nhưng hôm qua, anh ấy mãi không ngủ, bình luận trên mạng rằng em đang viết bài, còn anh thì đang mua sắm theo nhóm. 

Tôi cảm thấy lạ bèn hỏi anh sao tối vậy còn mua sắm. Anh ấy trả lời mua sắm theo nhóm, có nhiều tin không thấy được, đến khi nhìn thấy thì đã bị mua sạch sành sanh. 

Ở trong nhà hết 31 ngày, đồ ăn hầu như đã cạn. Anh ấy còn nói, mấy hôm trước anh ấy rất lo lắng. Bởi vì phong tỏa thành phố, siêu thị lớn đối diện nhà đã bị vét sạch hàng hóa, chỉ toàn người với người. 

Trên mạng buổi tối 11 giờ rưỡi bắt đầu mở bán. Anh ấy từ rất sớm đã chọn sẵn những mặt hàng cần mua bỏ vào giỏ hàng, và ngồi canh đến 11 giờ rưỡi mở bán, nhưng mạng lại không thể nào vào được. Đợi đến khi vào được, thì hỡi ôi tất cả đồ cần mua đã không còn. Đêm đó, anh tôi và chị dâu hoảng loạng vô cùng.

May là hai ngày trước mua được mì gạo dầu ăn, rau, vài món đã nhận còn nhiều món vẫn còn chờ. Tôi nói với anh ấy: yên tâm đi, không đến nỗi không có cái ăn đâu. Trung Quốc chưa đến mức độ này.

Tôi thì may mắn hơn anh tôi một chút. Luôn có đồng nghiệp và hàng xóm giúp đỡ. Hôm qua, anh chồng của một đồng nghiệp tự dưng tặng cho tôi mấy hộp canh gà. Quá đỗi bất ngờ, nhưng tôi cũng vui vẻ đón nhận. Điều kiện của đồng nghiệp tôi là: hãy chuyển bài (nhật ký) cho cô ấy ngay khi có. Đối với tôi, việc như vậy là lời to. Tôi đương nhiên đồng ý ngay mà không một chút đắn đo.

Có nên áp dụng "cách ly giữa sông"?

Viết đến đây, trong group bạn học có gửi tin nhắn: Vũ Hán sẽ tiếp tục xây 19 bệnh viện dã chiến. Việc này khiến tôi chợt nghĩ đến mấy hôm trước ông Lưu làm ở công viên cây xanh Vũ Hán có để lại bình luận trong Weibo của tôi. Bây giờ tôi sẽ chuyển lại bình luận của ông Lưu lên đây.

Ông Lưu kiến nghị: Nếu như việc chống dịch bệnh không phải chuyện dăm ba bữa sẽ kết thúc, việc phong tỏa thành phố Vũ Hán quá lâu sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế quốc gia, và người dân Vũ Hán do bị phong tỏa thành phố mà không chịu nổi áp lực tinh thần sẽ dẫn đến hàng loạt hệ lụy khác. Tại sao chúng ta không dùng đến mô hình "cách ly giữa sông"?

Cách làm cụ thể như sau: sử dụng Bạch Sa Châu, Thiên Hưng Châu và những tàu khách không còn sử dụng ở sông Trường Giang, có thể tiếp nhận hàng vạn người bệnh. Thiên Hưng Châu có diện tích 22 km2, lớn hơn Ma Cao (có 600.000 người dân) 2km2.

Vì vậy ở Thiên Hưng Châu xây dựng bệnh viện dã chiến có sức tiếp nhận 150.000 người bệnh sẽ không thành vấn đề. Ngoài ra còn Bạch Sa Châu và những tàu khách lớn ở sông Trường Giang không còn sử dụng. Nếu như có thể đưa tất cả bệnh nhân Vũ Hán đưa ra giữa lòng sông, không để cho virus lên bờ. 

Nếu vậy, Vũ Hán sẽ có thể từng bước gỡ bỏ lệnh phong tỏa. Có thể tiến hành từng bước một ở Vũ Xương, Hán Khẩu, Hán Dương. Nếu như chê việc xây bệnh viện dã chiến tốc độ quá chậm, có thể dựng 100.000 cái lều để chữa trị. Tóm lại, việc phong tỏa thành phố không phải là kế sách lâu dài, đất nước chịu không nổi, bá tánh lại càng không chịu nổi.

Suy nghĩ trên của ông Lưu rất bạo dạn. Nhưng không biết liệu ở trong giữa lòng sông, vấn đề xử lý nước thải sẽ được giải quyết ra sao? Còn ở trong lều thì giữa cái lạnh đầu xuân, con người liệu có thể ở được hay không? Những việc này tôi không rành, có thể chuyên gia sẽ có cách chăng?

Bây giờ, mọi người bàn tán về thời gian hồi phục kinh tế đã bắt đầu nhiều hơn việc bàn tán về dịch bệnh. Rất nhiều doanh nghiệp đối diện với việc phá sản, càng nhiều người không có thu nhập, và rồi sẽ đối diện với những vấn đề sinh tồn. Tất tần tật những thứ này đều liên quan trực tiếp đến ổn định xã hội.

Chúng ta trong lúc cách ly những người bị bệnh, cũng là lúc chúng ta nhốt luôn những người khỏe mạnh. Thời gian dài như vậy, những hệ lụy do bệnh dịch sẽ lần lượt kéo đến. Đã bắt đầu nghe không ít người lên tiếng: người khỏe mạnh cũng phải cố gắng sống sót.

Tôi không còn nghĩ ra được cách gì nữa, chỉ đơn thuần là ghi chép nó lại mà thôi.

Thương tiếc bác sĩ Bành Ngân Hoa

38f2b0ff4eadf2f550f03c6fe1cf7257-crop

Bác sĩ trẻ Bành Ngân Hoa và vợ sắp cưới - Ảnh: huanqiu.com

Chuyện đến nước này, tin xấu cứ đến dồn dập. Tôi không thể làm việc chỉ nói cái tốt, mà không đá động đến cái xấu. Những tin xấu này, đương nhiên là cái chết. Thần chết cứ lởn vởn quanh đây, ngày nào cũng có thể thấy bóng dáng của hắn. Bác sĩ Bành Ngân Hoa 29 tuổi tối qua đã qua đời. Anh ấy vốn dự tính mùng 8 Tết kết hôn, dịch bệnh ập đến, anh ấy hoãn ngày thành hôn, anh tham gia vào tuyến đầu.

Tiếc rằng anh ấy không may bị nhiễm bệnh, và rời khỏi thế gian. Từ nay, anh ấy mãi mãi không thể đón được nàng về dinh nữa rồi. Thật tiếc cho vị bác sĩ trẻ tuổi như vậy, tài hoa như vậy. Và tin xấu hơn đó chính là bệnh dịch ngày càng lây nhiễm trên diện rộng.

Dạo trước có một đoạn văn, có luôn cả ảnh minh họa, với nội dung nơi an toàn nhất hiện nay chính là trong tù. Nhưng hôm nay có tin rằng những tù nhân trong nhà tù của cả nước đã có người nhiễm bệnh, và nguồn lây cho họ chính là công an nhà giam. Mọi việc trở nên thật tồi tệ!

Những người bị giam trong tù vốn có rất nhiều người có hành vi không bình thường, nếu chữa trị cho họ, e rằng sẽ gặp rắc rối. Tôi nhắn tin WeChat với người bạn bác sĩ, anh ấy trả lời, đúng là có đôi chút rắc rối. Tôi nhân tiện hỏi thêm, vậy giờ đây mọi chuyện còn hướng theo chiều hướng tốt không? Người bạn bác sĩ trả lời, sẽ tốt, nhưng có thể sẽ rất chậm.

* Tít và tít phụ do Tuổi Trẻ Online đặt

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024