Theo cô Orchid Lâm Quỳnh, con gái nhà thơ Du Tử Lê cho biết, ông trút hơi thở cuối cùng lúc 20 giờ thứ Hai, ngày 7.10 (giờ địa phương) tại nhà riêng ở Garden Grove, hưởng thọ 77 tuổi.
Cô Quỳnh kể, khi tim bố ngừng đập, cô vẫn gọi 911 đưa bố vào bệnh viện. Lúc này mới xác nhận ông thực sự đã mất.
Lần gần nhất Du Tử Lê về nước giao lưu độc giả là năm 2014. Lúc đó, ông ra mắt tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn, kèm tranh minh họa do Lê Thiết Cương vẽ.
Du Tử Lê (Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là tác giả của 70 tập thơ, văn xuôi. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972).
Du Tử Lê là một trong những nhà thơ được yêu mến ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng đã trở nên quen thuộc với độc giả như: Khúc thụy du, Khúc tháng hai, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Khúc tháng chín, Một bài thơ nhỏ...
Trong suốt thập niên 1980-1990, thơ Du Tử Lê xuất hiện trên các tờ báo nổi tiếng như Los Angeles Times và New York Times. Nhiều bài thơ được dịch trong tuyển tập Understanding Vietnam (sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Âu châu). Du Tử Lê cũng là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 có thơ được dịch trong tuyển tập World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Times (W.W.Norton New York, 1998).
Ba tác phẩm gần đây nhất của Du Tử Lê được in tại Việt Nam là: Khúc thụy du, Giữ đời cho nhau và Chúng ta những con đường. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc như: Đêm nhớ trăng Sài Gòn, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển (nhạc sĩ Phạm Đình Chương), Khúc thụy du (nhạc sĩ Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau (nhạc sĩ Phạm Duy)...
Đan Thùy