Ở Tokyo (Nhật Bản), có một nhà hàng đặc biệt nơi thực khách không bao giờ biết được liệu món ăn mình được phục vụ có đúng với món đã chọn hay không. Lý do là vì tất cả những người phục vụ bàn đều bị suy giảm trí nhớ ở một mức độ nào đó.
Nhà hàng này được đặt tên "Restaurant of Mistaken Orders" (tạm dịch: Nhà hàng của những món ăn phục vụ sai) và là ý tưởng của anh Shiro Oguni. Nhật Ban là một trong những nước có dân số già nhất thế giới. Chứng suy giảm trí nhớ được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến 1/5 dân số nước này vào năm 2025.
Vì vậy, năm 2017, Oguni quyết định thực hiện một thử nghiệm xã hội mang tên "Restaurant of Mistaken Orders". "Chúng tôi muốn có một nơi mà mọi người nghĩ rằng ‘Nếu có sai sót một chút thì cũng không sao cả’", anh chia sẻ.
Khi đang làm việc tại đơn vị tin tức NHK năm 2012, Oguni đã đưa tin về một trung tâm chăm sóc người lớn tuổi bị suy giảm trí nhớ. Khi tiếp xúc với họ, Oguni nhận thấy dù mắc bệnh nhưng họ vẫn có thể nấu ăn, dọn dẹp và làm một số việc trong khả năng.
Anh nhớ lại bữa trưa mà mình dùng tại trung tâm: "Tôi gọi một miếng bít tết nhưng lại nhận được món sủi cảo Nhật Bản. Những người khác có vẻ cũng đều ở trong tình cảnh tương tự tôi nhưng họ không có ý kiến gì và vui vẻ dùng bữa". Đó là khi Oguni nảy ra ý tưởng về "Restaurant of Mistaken Orders".
5 năm sau, anh bỏ công việc áp lực cao tại NHK và quyết định hiện thực hóa ý tưởng về nhà hàng đặc biệt của mình. Anh liên lạc với những người già mắc chứng suy giảm trí nhớ ngày trước và họ đồng ý đến làm việc tại nhà hàng.
Nhà hàng tập trung vào hai điều chính: "chất lượng" và "chúng tôi không cố ý nhầm lẫn".
"Chúng tôi muốn tạo ra một nơi mà khách hàng cảm thấy vui vẻ và ngon miệng. Những người bị sa sút trí nhớ chỉ ‘tình cờ’ làm việc ở đây mà thôi. Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào những lời bào chữa như ‘Họ đang làm điều tốt. Vì vậy, ngay cả khi mắc lỗi, hãy tha lỗi cho họ’. Vì thế, các đầu bếp đã chế biến mức món ăn gần như ở nhà hàng đạt sao Michelin", Oguni chia sẻ.
Tháng 6/2017, Oguni khai trương một nhà hàng nhỏ với 12 chỗ ngồi. Nhân viên phục vụ là 6 người suy giảm trí nhớ từ cơ sở chăm sóc và khách hàng chỉ giới hạn ở bạn bè và người quen của họ.
Hai cụ bà làm bồi bàn của nhà hàng (Ảnh: Internet).
Dù nhận đơn gọi món nhưng những người phục vụ thường sẽ quên hoặc nhầm lẫn. Ví dụ, họ sẽ mang đến một ly cà phê đá thay vì Coca như yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các vị khách đã cùng giải quyết vấn đề bằng cách chỉ cho người phục vụ nơi cần món đồ ăn, đồ uống đó hay vui vẻ chấp nhận món bị phục vụ sai bằng câu nói: "Chuyện đó không thành vấn đề".
3 tháng sau, họ đã mở lại nhà hàng trước ngày 21/9 - ngày Bệnh Alzheimer Thế giới. Nhóm nhân viên phục vụ gồm 18 người đã chào đón 300 khách hàng trong 3 ngày. Đó là một thành công lớn.
"Ông Misawa thực sự ấn tượng. Ông ấy đã từng làm việc trong một nhà hàng và bị suy giảm trí nhớ ở tuổi 60. Nhà hàng có 4 ca làm việc, mỗi ca kéo dài 90 phút. Nhưng trong 10 phút giải lao, ông ấy đã tự động quét dọn mà không ai yêu cầu. Khi nhận được thù lao, dù để tiết kiệm hay đi mua sắm, họ đều trông thực sự hạnh phúc. Có lẽ phần lớn là vì họ cảm thấy mình vẫn còn làm được việc có ích", Oguni nói.
Ước tính, 37% đơn gọi món tại nhà hàng đã bị nhầm nhưng có tới 99% khách hàng đều đánh giá hài lòng với trải nghiệm tại đây. Họ tin rằng mô hình này có thể giúp nâng cao nhận thức xã hội về bệnh sa sút trí nhớ.
Khách hàng vui vẻ chấp nhận món ăn bị nhầm lẫn (Ảnh: Internet).
Ý tưởng nhân văn của Oguni đã nhận được một số giải thưởng như giải Bạc tại Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions 2019, giải Bạc tại Giải thưởng Quốc tế London hay giải Grand Prix tại Tokyo Creativity Awards 2019…
Mặc dù "Restaurant of Mistaken Orders" đã gây được tiếng vang lớn nhưng Oguni vẫn chưa có kế hoạch biến nó thành một nhà hàng mở cửa lâu dài. Đến thời điểm này, ngoài 30 lần được mở tại Nhật Bản, "Restaurant of Mistaken Orders" đã được mở ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh.
Nguồn: SO, JPT
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị