Trong năm 2024, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã cập nhật và ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng".
Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao
Bộ cẩm nang đã trích dẫn số liệu thống kê của We are Social, tính tới quý 1/2024, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là 78,44 triệu người, tăng 0,6% so với năm 2023 (chiếm 79,1% dân số).
Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao trên toàn thế giới. Người dùng Việt Nam dành trung bình 6 giờ 18 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet. Tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam sử dụng hằng ngày lên tới 94%, trong đó có trẻ em.
Nghiên cứu “Tiếng nói trẻ em Việt Nam” năm 2024 của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế cho thấy bên cạnh các môi trường gia đình, trường học và cộng đồng, môi trường mạng đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với trẻ em.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát, có tới 83,9% trẻ em tham gia khảo sát có sử dụng điện thoại, và tỷ lệ sử dụng mạng xã hội là 86,1%. 97% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng điện thoại từ 1 tiếng đồng hồ/ngày, trong đó gần 27% sử dụng tới 5 tiếng/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí, chiếm tới 86%; trong khi tỷ lệ sử dụng cho học tập, tìm kiếm thông tin, giao lưu kết bạn lần lượt là 75%, trên 66% và trên 57%.
Một điểm đáng mừng của kết quả khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam 2024 là tỷ lệ trẻ em đã được học những nội dung/kỹ năng để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng là khá cao. Các nội dung quan trọng đều có tỷ lệ trên 70%...
Do đó, cần tăng cường các kênh thông tin khác, nhất là các thông tin từ trường học. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần nâng cao kỹ năng về an toàn mạng để có thể đồng hành và hỗ trợ con mình trong tiến trình này, vì hơn một nửa trẻ tham gia khảo sát tìm hiểu kiến thức qua cha mẹ.
Rủi ro trên môi trường mạng với trẻ em
The bộ cẩm nang, rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng là những yếu tố, hành vi tiêu cực, những nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng có khả năng tác động, gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, quyền riêng tư của trẻ em khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng.
Tương ứng với 6 đặc tính của internet, người dùng, bao gồm cả trẻ em có thể tận hưởng các lợi ích, hoặc có thể phải gặp phải các rủi ro trên môi trường mạng.
Cục An toàn thông tin lấy ví dụ với đặc tính “Ẩn danh” của internet khi bất kỳ ai cũng có thể đăng ký tài khoản trên mạng và che giấu danh tính thật của mình. Chính vì thế, trẻ em có thể bị rủi ro kết bạn với người xấu mà không biết, hoặc bị kẻ ẩn danh nói xấu, bắt nạt trực tuyến.
Một ví dụ khác với đặc tính “Nguồn thông tin”, bất kỳ ai cũng có thể đăng tải và chia sẻ thông tin. Vì thế, nguồn thông tin có thể không chính xác, hoặc tin giả khiến những người dùng trẻ tuổi chưa biết phân biệt.
Qua thống kê khảo sát, Cục An toàn thông tin đã chỉ ra các rủi ro trẻ em thường gặp trên môi trường mạng, bao gồm tiếp cận thông tin không phù hợp, nội dung độc hại (bạo lực, nội dung cực đoan, nội dung chưa xác thực từ các ứng dụng/công cụ AI…).
Ngoài ra, còn có bị rò rỉ, lộ lọt thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; bắt nạt trực tuyến, sử dụng quá mức gây nghiện; bị lôi kéo, dụ dỗ, lừa đảo...
Quy tắc ứng xử chung trên môi trường mạng
Theo Cục An toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là thực hiện các biện pháp và hành động phù hợp để bảo đảm trẻ em được sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Cụ thể là việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại; kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; ngăn chặn hành vi xâm hại, chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, những quy tắc ứng xử chung trên môi trường mạng được cơ quan chức năng đề cập, gồm tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Ứng xử lành mạnh, tích cực, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và phù hợp với độ tuổi trẻ em trên môi trường mạng.
Không sử dụng các hình ảnh và bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà chưa được sự đồng ý của trẻ, cha/mẹ và người chăm sóc trẻ em. Không sử dụng các hình ảnh và thông tin cá nhân của trẻ em cho các mục đích ảnh hưởng tới sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ.
Tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức về bảo vệ trẻ em để ngăn chặn nội dung độc hại đối với trẻ em, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em, nội dung độc hại đối với trẻ em thì cần khẩn trương phản ánh, tố giác tới cơ quan chức năng.