Là một người trưởng thành, tôi hiếm khi đẩy mình vào những tình huống xấu hổ. Những giây phút ngại ngùng của tuổi trẻ không “nặng nề” như khi bạn đã là người lớn được. Bạn cảm nắng ai đó? Đừng che giấu, hãy tỏ tình đi. Trượt chân trước cửa lớp? Chuyện sẽ sớm qua sau tràng cười của đám bạn. Làm người lớn, tôi nhận ra những tình huống mình thấy xấu hổ phần lớn đều xuất phát từ những lỗi lầm liên quan đến công việc. Tiếc là nhiều năm dành ở giảng đường không đủ để chúng ta học những bài học đơn giản để việc đi làm trở nên dễ dàng hơn.
Trước những lỗi lầm rất ngại ngùng đó, thay vì trốn chạy, tôi tìm cách chấp nhận chúng. Thay vì cố xóa khỏi bộ nhớ, tôi nghĩ chúng ta nên đối diện với chúng thì hơn. Nghĩ lại thì những lỗi lầm đó đã giúp tôi theo những cách tôi không thể ngờ tới. Biết đâu những thói quen thích “ngược đãi” mình sau khi mắc lỗi của tôi cũng có ích cho công việc của bạn.
Bước 1: Chịu trách nhiệm
Đây là bước khó làm nhất nên hãy giải quyết nó đầu tiên. Chịu trách nhiệm về lỗi lầm của bạn càng sớm càng tốt. Khi bị phát hiện phạm sai lầm trong công việc, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là bao biện cho bản thân – thực ra đây là việc bạn nên làm nếu bạn thật sự không làm sai. Nhưng bao nhiêu lần trong số đó bạn lấp liếm được sai lầm của mình? Tôi thấy những người nói dối hay đổ lỗi cho người khác vì những lỗi lầm mình mắc phải ngây thơ đến ngỡ ngàng.
Trừ khi bạn có cỗ máy quay ngược thời gian, bạn không thể thoát khỏi những rắc rối mình gây ra đơn giản như bạn hy vọng được. Nếu bạn muốn được đồng nghiệp và cấp trên tôn trọng, trước hết hãy chịu trách nhiệm với sai lầm của mình. Hãy xin lỗi nếu cần thiết và đừng ngại xin sự trợ giúp để chắc rằng lỗi đó sẽ không lặp lại.
Bước 2: Không che giấu
Bằng cách đắm chìm trong nỗi ân hận vì sai lầm mình phạm phải, bạn sẽ học được cách tránh nó về sau. Lỡ làm lố trong bữa tiệc liên hoan toàn công ty? Lần sau đừng uống quá chén nữa. Biết rằng bạn không thể hoàn thành công việc kịp thời hạn? Hãy thành thật với sếp khi khối lượng công việc của bạn đang dồn lại quá nhiều. Nếu bạn đang phải chật vật với những đầu việc mới vì lỡ khoác lác trong buổi phỏng vấn xin việc, lần sau đừng giấu dốt nữa. Không ai hoàn hảo, mỗi người đều có những hạn chế riêng. Thay vì cố che giấu với những người làm việc cùng bạn, hãy thẳng thắn đối diện và thừa nhận chúng.
Bước 3: Rút kinh nghiệm
Tôi không thể làm hết khả năng nếu bản thân phải chịu nhiều áp lực. Trì hoãn không đem lại những phút giây nghỉ ngơi hiệu quả mà kìm hãm năng suất làm việc của tôi. Thế nhưng cảm giác mình đang phải chạy đua với thời gian cũng có thể làm tôi bất động. Tôi không nghĩ và không viết được gì, điều này đặc biệt nguy hiểm khi tôi làm công việc liên quan đến viết lách. Tôi ý thức được rằng mình thể hiện tốt nhất khi quản lý tốt thời gian. Điều này không có nghĩa tôi không thể bận rộn hay không thể làm tròn bổn phận của mình, chỉ là tôi gặp khó khăn khi biết mình phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kịp một deadline nào đó. Tôi biết điều này và đó là lý do vì sao tôi học cách quản lý thời gian theo cách có lợi cho bản thân nhất.
Hồi còn đi học, tôi luôn hoàn thành bài tập trước hàng ngày, thậm chí hàng tuần trước hạn nộp cho giáo viên. Bây giờ khi làm công việc freelance, tôi có thể sắp xếp thời gian hoàn thành việc sớm để bản thân không thấy gấp gáp vì tôi biết mình luôn phạm sai lầm với tình trạng nước đến chân mới nhảy. Đây là sai lầm tôi mắc rất nhiều trong quá khứ nên giờ tôi dành nhiều thời gian để “cải thiện” thói quen làm việc của mình. Giờ đây khi thời gian làm việc hoàn toàn chủ động, tôi có thể kiểm soát khối lượng công việc để đảm bảo rằng mình không làm gấp dẫn đến làm ẩu. Tôi hoàn thành việc sớm và nếu được đề nghị nhận thêm việc, tôi có thể tự quyết định liệu mình có đủ khả năng hoàn thành nó hay không. Vì không có cấp trên, tôi thẳng thắn từ chối nếu bản thân thấy cần và đó là bài học giá trị tôi đã rút ra được.
Bước 4: Dẹp nó qua một bên
Tôi nghĩ mình không cần nói điều này nhưng thực sự ai cũng mắc lỗi, ngay cả ông quản lý lúc nào cũng oang oang tuyên bố rằng anh ta không bao giờ phạm sai lầm và chán ngấy những nhân viên hay mắc khuyết điểm cũng thế thôi. Mắc lỗi ở nơi làm việc có thể khiến bạn xấu hổ, ân hận, tức giận, thất vọng. Dù cả bài viết tôi đều xoay quanh việc bạn nên rút ra bài học từ những sai lầm đó, sẽ đến lúc bạn cần dẹp chúng qua một bên. Đừng để nỗi ân hận và sợ hãi phạm sai lầm kìm hãm con đường sự nghiệp của bạn vì sai lầm cũng là một phần của quá trình tiến bộ và không ai giỏi ngay từ đầu.
Theo Trí Thức Trẻ