Sự hà khắc, thậm chí bạo lực, thường lưu lại những “dấu ấn” tiêu cực ở não. Bởi hệ lụy từ hà khắc đối với thể chất của trẻ tuy có thể chữa lành, nhưng để lại vết khắc lâu dài về tâm lý, thậm chí trong suốt cuộc đời của một đứa trẻ.
Ác mộng của sự hà khắc
Mới đây, cả xóm ai ai cũng biết việc cô bé Châu vừa học hết cấp hai phải chịu hình phạt cắt ngắn mái tóc dài vì tội đi chơi mà quên xin phép gia đình. Ba mẹ của bé vốn rất hà khắc trong việc dạy dỗ con cái. Tuy Châu là con gái duy nhất của họ, nhưng mỗi lần bé phạm lỗi họ toàn dùng hình phạt thật nặng, cốt để cho con: ''Nhớ đời, để lần sau không được tái phạm”.
Sau sự việc buồn lòng đó, bé Châu vốn ít nói nay càng tỏ ra lầm lì hơn. Bé chỉ quanh quẩn trong nhà, không muốn ra ngoài hay gặp gỡ bất cứ ai, vì cảm thấy xấu hổ với mọi người. Mặc dù sau đó, mẹ của bé vừa dỗ dành vừa có chút răn đe nhưng con bé vẫn cứ im thin thít, không nói tiếng nào. Trên khuôn mặt của bé còn lộ vẻ thất thần, sợ hãi bởi sự việc xảy ra quá sức chịu đựng của bé.
Con trai của vợ chồng anh Quốc chị Thảo, năm nay thi vào cấp hai. Mặc dù trong lớp, thằng bé không phải là đứa xuất sắc nhưng luôn cố gắng để làm cha mẹ vui lòng, bằng việc chăm chỉ ôn luyện bài vở, không chờ cha mẹ nhắc nhở nhiều lần mới chịu học. Vậy mà vợ chồng anh Quốc vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Họ một mực buộc con phải học ngày học đêm, thậm chí học thêm đến tối mịt mới về nhà. Lúc trời mưa, họ còn “chỉ định” con vẫn phải đi học thêm, không được bỏ bữa học nào, cho dù trời mưa tầm tã.
“Quan điểm” của anh Quốc là: ''Học miệt mài như vậy mới mong bằng bạn bằng bè, không sợ thua kém ai. Kỳ này phải đậu cao, nếu không thì nhừ đòn, con ạ”. Thế nhưng, kết quả tốt đâu lại không thấy, chỉ thấy con của họ ngày càng xanh xao, vàng vọt vì thời gian học bất hợp lý, cộng thêm sự răn đe từ cha mẹ khiến thằng bé chẳng còn tâm trí đâu để học. Mỗi lần ngồi học, giống như một cực hình, thằng bé cứ len lén nhìn ba mẹ nó với ánh mắt oán giận nhưng không thể thổ lộ thành lời. Càng học nhiều, tính nết thằng bé càng thay đổi, tức giận thất thường khiến bạn bè ngày càng xa lánh nó hơn.
Hà khắc không phải là sự lựa chọn đúng đắn
Đôi khi, việc cha mẹ đối xử quá hà khắc còn cho thấy thái độ bất lực của cha mẹ đối với trẻ. Mặc dù việc dùng tình cảm, lời lẽ giải thích nhẹ nhàng hoặc cách xử phạt khác, có thể mang lại kết quả lâu hơn nhưng giúp trẻ có nhận thức tâm lý tốt hơn về tình thương, lòng bao dung và sự dịu dàng của cha mẹ.
Khi còn nhỏ, những lời răn bảo nhẹ nhàng của cha mẹ sẽ như “mưa dầm thấm lâu”, giúp trẻ ý thức dần những sai phạm trẻ đã mắc phải. Đến khi lớn lên, con trẻ muốn được cha mẹ đối xử tôn trọng, vì thế những lời giáo huấn, trách mắng khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cũng nên cân nhắc.
Sự thông cảm và thấu hiểu của cha mẹ sẽ là những bài học kinh nghiệm giúp con trẻ nhận thức được lỗi lầm của chúng. Đối diện với lỗi lầm của trẻ, cha mẹ hãy biết cách kiểm soát những cảm xúc bản thân, ngay cả khi dùng hình phạt đối với trẻ. Hãy cố kiểm soát cơn giận bộc phát, và đừng để trẻ nhìn thấy cha mẹ đang muốn “trút” cơn giận lên chúng.
Hãy hiểu nỗi lòng con trẻ
Khi cha mẹ dùng sự hà khắc làm hình phạt, trẻ dễ có xu hướng bị chai lì, không còn cảm nhận được nỗi đau trên chính cơ thể của chúng, từ đó không cảm nhận được nỗi đau của người khác. Dần dần, điều này khiến cho trẻ trở nên ương bướng để tự vệ cho bản thân, và khi lớn lên dễ có thái độ gây hấn với mọi người xung quanh.
Đối với cha mẹ, việc dạy dỗ con cái là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại. Nếu cha mẹ quá nôn nóng, dùng sự hà khắc để răn đe, khiến trẻ không chỉ bị tổn thương về mặt thể xác mà đời sống tinh thần của trẻ cũng gặp nhiều bất ổn.
Thùy Như