Và cuối cùng, do bản tính kín đáo, khiêm nhường, thầm lặng của đương sự.
Năm 1976, do tên thật của Phạm Xuân Ẩn chưa được đưa ra công khai, trong bản tuyên dương chỉ đưa tên thời chiến của ông là Trần Văn Trung, tức Hai Trung. Một sai sót nhỏ (hay có dụng ý giữ bí mật tung tích người chiến sĩ tình báo) nay nhớ lại người ta không khỏi cười thầm là ngay cả khi đưa ra công khai tên thời chiến của ông trên mặt báo, người ta lại đưa là Nguyễn Văn Trung chứ không phải là Trần Văn Trung. Sau này, ông kể lại: “Vì tôi khai rõ nơi sinh của tôi là ở Biên Hòa nên các cấp chính quyền ở đó đã mất nhiều công tìm xem anh hùng của họ ở địa phương là ai, nhưng không thấy!”.
Ở nước ngoài, người ta không để ý gì đến chi tiết này. Chắc hẳn vì báo chí phương Tây hãy còn chưa được phép đưa tin này. Cũng không ai biết được tung tích của ông khi đăng ảnh Trần Văn Trung mặc quân phục, ra Hà Nội dự Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội này thông qua việc thống nhất đất nước và đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Ẩn giải thích: Ai tiết lộ tên thật của ông có thể coi là vi phạm nguyên tắc giữ bí mật trong ngành tình báo. Mọi thứ còn phải đợi thêm hai năm nữa.
Chỉ đến những năm 1990 khi Việt Nam ngày càng mở cửa với thế giới bên ngoài, tầm vóc thật sự của nhân vật mới được tiết lộ. Bức màn bí mật cũng chỉ hé mở dần dần vì nhiều lý do: nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa bước đầu ra khỏi vỏ ốc của mình, việc giáo dục giữ bí mật do hoàn cảnh kháng chiến lâu dài cùng những quy định nghiêm ngặt của ngành tình báo và cuối cùng, do bản tính kín đáo, khiêm nhường, thầm lặng của đương sự.
Phạm Xuân Ẩn là người không bao giờ tự bộc lộ bản thân, không thích ba hoa kể chuyện mình. Nếu ai đó trong lúc trò chuyện tranh phát biểu, ông tự nguyện ngồi yên trong góc, không nói câu nào. Tôi nhớ trong một bữa ăn tối ở Sài Gòn, trong những năm 1990 với các nhà kinh doanh Pháp, ông Ẩn, mặc dù ngồi đầu bàn nhưng gần như không nói một lời.
Hay trong một dịp khác, ông để một người trong cấp ủy độc thoại thao thao bất tuyệt về chiến tranh mà ông không xen vào nói thêm một câu nào. Ông có một phản xạ tình báo, chắc là do áp lực của nghề nghiệp: Chỉ nắm cái chủ yếu, không quan tâm đến những cuộc trò chuyện tầm phào. Cuối cùng, theo quy định của nghề nghiệp, ông không thể nói tất cả những điều ông biết hay muốn nói.
Trong số những người phương Tây đầu tiên được phép gặp ông trong những năm 1990 có một phụ nữ Mỹ, nguyên là phóng viên chiến trường tên là Laura Palmer, có lẽ cao tuổi nhất và chững chạc, đạo mạo nhất trong đám nhà báo trẻ thích bông đùa, quậy phá như chúng tôi. Bà hay gọi ông Ẩn là “Tướng Givral”, có thể hiểu là con người năng lui tới tiệm cà phê Givral. Ông có vẻ thích thú về điều này. Ông nói với tôi: “Laura phong cho tôi quân hàm cấp tướng từ thời đó”. Ông nói thế vì ông vừa được phong quân hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thời chiến tranh, tiệm cà phê Givral là nơi tập hợp và phát đi đủ mọi tin đồn phong phú đến mức người ta đặt cho nó cái tên Radio Catinat (Đài phát thanh Catinat).
Câu chuyện về ông không chỉ là câu chuyện về một điệp viên có nhiều kỳ tích. Ông Mười Nho, một điệp viên cộng sản khác hoạt động trong vùng Việt Cộng ở miền Nam đã tiếp nhận và chuyển tiếp những tài liệu do ông Ẩn gửi ra từ năm 1961 đến 1964. Ông cũng phải đợi đến ba mươi năm sau mới tiết lộ - và cũng chỉ một phần nhỏ rằng tại thủ đô Bắc Việt khi còn chiến tranh, Bộ Chính trị và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nói chung rất “hài lòng” khi nhận được những báo cáo của ông Ẩn gửi ra.
Mười Nho kể lại: Thủ tướng Phạm Văn Đồng cười hể hả trong khi tướng Giáp tuyên bố: “Chúng ta đang ở ‘trong phòng điều hành tác chiến của quân Mỹ ’”, khi những báo cáo của ông Ẩn đến tay các nhà lãnh đạo Hà Nội.
Khi tướng Giáp, người đã đánh thắng Pháp và Mỹ, khẳng định: “Chúng ta đang ở trong phòng điều hành tác chiến của quân Mỹ”, thì đó không chỉ là lời chúc mừng gửi tới một điệp viên vĩ đại. Phạm Xuân Ẩn đã có chỗ đứng trong nhóm nhỏ người Sài Gòn gồm những nhà báo, nhà trí thức, các chính khách, là những người tôi đặc biệt gắn bó, mặc dù tôi xa Sài Gòn khá lâu. Mỗi người theo cách riêng của mình, mà không phải lúc nào tôi cũng nhận ra, là những người đỡ đầu cánh nhà báo chúng tôi.
Nhưng đến năm 1978, tôi vẫn còn xa mới hiểu được nhân cách lúc đó của ông Ẩn. Tôi phải cần thêm nhiều năm nữa mới nắm bắt được tầm vóc của nhân vật này. Quả là câu chuyện vẫn chưa chấm dứt, ba năm sau chiến tranh, khi mọi người được biết ông là một điệp viên, mà chỉ mới bắt đầu với sự phát lộ này…
….
...Phạm Xuân Ẩn được tin cậy đến mức sau chiến thắng của Cộng sản năm 1975, các nhà báo nước ngoài đều lần lượt buộc phải rời khỏi Nam Việt Nam, cơ quan báo Time do ông được giao phụ trách vẫn tiếp tục hoạt động cho đến một năm sau mới bị nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa.
Năm 1989, Ẩn gặp lại Morley Safer khi ông ta trở lại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) là đồng tác giả của chương trình Soixante minutes (Sáu mươi phút) trên kênh truyền hình Mỹ CBS. Trong một câu chuyện riêng tư nhưng sau đó đã được Safer công bố, ông Ẩn kể rằng: “Cấp trên của tôi không bao giờ yêu cầu cắt xén các tin tức báo cáo về, vì như thế trước sau cũng sẽ bị lộ. Người ta luôn luôn nhắc nhở tôi không được làm điều gì tác hại đến công việc làm báo của mình”.
Phạm Xuân Ẩn còn có một quan niệm rõ ràng về nghề làm báo. Ông nói, vẻ trịnh trọng: “Nhà báo giỏi là những người giữ được các bản ghi chép của mình và phải tiếp tục tra cứu không ngừng”.
Trong phòng khách của ông đầy ắp sách báo và được xếp đặt ngăn nắp. Khi cần tìm tài liệu, đó là tháng Hai năm 2005, ông rút ra một bản sao về “sự bố trí lực lượng” của quân đội Nam Việt Nam đề ngày 11 tháng Mười một năm 1974, tức là chỉ trước khi Cộng sản quyết định mở cuộc tiến công chiến lược dẫn đến toàn thắng. Những con số đưa ra rất ấn tượng: “Trong quân đội Nam Việt Nam có gần một triệu lính chính quy, trên một triệu người bán quân sự trong đó trên một trăm nghìn cảnh sát và gần một triệu tự vệ chiến đấu. Không kể trang bị gồm máy bay tiêm kích, ném bom và hàng trăm máy bay lên thẳng”.
Tuy nhiên, từ khi Buôn Ma Thuột thất thủ đến khi Sài Gòn đầu hàng chỉ có bảy tuần lễ! Phạm Xuân Ẩn vừa giở từng trang vừa nhắc lại: “Nixon muốn xây dựng quân đội Sài Gòn thành đội quân mạnh thứ năm trên thế giới”. Khi ông thu được bản tài liệu về “bố trí lực lượng” của quân đội Sài Gòn, ông đã không nhầm: “Đội quân mạnh thứ năm thế giới” đó chỉ tồn tại trên giấy cũng như trong đầu óc của những người lập ra nó.
Ông nói: “Trung bình hai ba tháng một lần, tôi đi báo cáo về ‘trung tâm’ đặt trong vùng Củ Chi nhưng không phải là nơi ngày nay người ta giới thiệu cho khách du lịch xem”.
Phần lớn chỗ gặp đó là ở Hố Bò, một khu rừng chỉ cách Sài Gòn hai chục kilômét về phía Tây Bắc. Ông thường vắng mặt vào ngày nghỉ cuối tuần, như vậy kín đáo hơn. Tại huyện Củ Chi cách Sài Gòn chừng ba chục kilômét một phần trồng cây cao su có một hệ thống địa đạo quanh co do các bộ phận của Bộ Tham mưu tiền phương của Cộng sản sử dụng. Ngày nay, chỉ còn một phần nhỏ được tu tạo lại để giới thiệu cho khách du lịch.
Khi đi báo cáo cấp trên, ông Ẩn bao giờ cũng đi tay không, trong túi trống rỗng. Phải tính đến nguy cơ có thể bị chặn lại giữa đường, rất hiếm khi ông đem theo tài liệu mà do các giao liên chịu trách nhiệm. Họ có kinh nghiệm chuyển giao tài liệu hơn. Trong giới báo chí Sài Gòn, việc vắng mặt vài ngày ít có nguy cơ bị phát hiện vì phần lớn các phóng viên ra “mặt trận” đều đặn hoặc đi các tỉnh xa để lấy tin và tư liệu viết bài.
Phạm Xuân Ẩn đã hoạt động bí mật cho đến ngày chiến thắng vì ông có nhiều cách đề phòng tối đa. Chính tay ông lựa chọn rất kỹ các liên lạc và ông không lưỡng lự khi phải loại bỏ một ai đó do cấp trên dự kiến nhưng ông thấy không hoàn toàn tin cậy. Trong số 45 thành viên trong lưới cùng hoạt động với ông, hai mươi bảy người đã bị bắt hoặc bị sát hại. Ông tự nhốt mình trong phòng vệ sinh nhà ông để chọn lọc, mã hóa các tài liệu thu thập được.
Nếu bị bất ngờ, ông có một khoảng thời gian đủ để tiêu hủy nhờ có những con chó becgiê Đức đã được ông huấn luyện và đặt chúng ngồi từ xa, cách nhau một quãng ngắn. Chỉ một dấu hiệu nhỏ khác thường, không cất tiếng sủa và chỉ gầm gừ nhỏ hay vẫy tai ra hiệu, là đủ để ông nhận ra có biến và tiêu hủy ngay tài liệu vào hố vệ sinh tự hoại.
Khi phải đi gặp liên lạc viên trong thành phố, điều mà ông hết sức tránh, ông phải tin chắc rằng ông và người đó không bị theo dõi và bao giờ cũng đem theo chó becgiê. Vợ ông đi sau, cách một quãng để nhỡ ông bị địch bắt là nó quay lại báo ngay cho vợ ông. Chỉ có vợ và mẹ ông biết ông hoạt động bí mật. Mọi người xung quanh không ai nghi ngờ điều gì. Ông không bao giờ giắt súng trong người, vả lại ông cũng không thạo sử dụng vũ khí vì chưa bao giờ được theo học một khóa huấn luyện quân sự nghiêm chỉnh. Cho đến khi nào được xác minh xong, ông cứ để cho tin đồn lan truyền rằng ông là một nhân viên tình báo CIA.
Dù sao ông cũng rất biết Edward Lansdale trong thời gian ông làm việc ở TRIM, sau này thăng lên cấp tướng. Lansdale được Phạm Xuân Ẩn gọi là “kẻ làm ra các ông vua” do ông ta là chuyên gia chống du kích và đã đóng một vai trò quyết định ở Philippines, chống cuộc nổi loạn của người Huk do Cộng sản chỉ đạo. Sau này, nhiều người Mỹ cũng đến hỏi ý kiến Phạm Xuân Ẩn về việc xử lý các mối quan hệ với người Việt sao cho tốt.
Chính ông đã duy trì khá lâu những phản xạ tự nhiên có được từ thời kỳ đó. Hai chục năm sau chiến thắng năm 1975 và căn cước của ông được công khai hóa, ông nói về Cộng sản cứ như ông không phải là người của họ. Ông thường bắt đầu bằng “Cộng sản nghĩ rằng”, và điều đó khiến một người bạn Việt Nam của ông đã vặn lại: “Tại sao lại nói thế? Anh không phải là Cộng sản sao?”.
Một nhận xét mà ông thường nêu lên không chút giữ gìn: “Cộng sản hay gọi tôi là Mỹ con, là con người Mỹ”. Ông kể lại như một câu chuyện đùa thú vị! Lời nói hai mặt xa lạ với ông. Đơn giản ông chỉ giữ thói quen hay nói những người cộng sản hay Đảng ở ngôi thứ ba, chứ không nói Đảng ta, hay Cộng sản chúng ta - nhằm để tránh những lỡ lời có thể khiến ông trong hoàn cảnh khác phải trả giá đắt.
Một buổi chiều, khi ông viết một bức thư bằng mực bí mật, con gái ông, còn đang đi học, bất chợt bắt gặp. Ông không có thì giờ giấu trang giấy trắng nên giả vờ như làm chuyện khác. Đứa bé gái đem chuyện đó kể với một trong các anh của nó: “Ba viết gì mà chẳng có chữ nào hiện trên giấy”. Thấy con nói thế, hôm sau, ông đánh lạc hướng chú ý của con bằng cách giải thích cho nó hiểu rằng do ánh sáng ngược chiều, con đứng sấp bóng nên không nhìn thấy chữ viết hiện trên giấy đó thôi.
Năm 1961, khi được nhận vào làm ở hãng thông tấn Anh Reuters, các cơ quan mật vụ tiến hành kiểm tra căn cước để cấp thẻ nhà báo làm cho nước ngoài. Muốn làm điều tốt cho Ẩn, bác sĩ Tuyến nói với họ rằng Ẩn không làm việc cho Tuyến, nhưng khi viết vào bản khai lý lịch thì Ẩn lại viết ngược lại, nghĩa là có nhận làm cho bác sĩ Tuyến.
Để tránh một cuộc điều tra đi sâu hơn, Ẩn yêu cầu bác sĩ Tuyến phải nói lại và bác sĩ Tuyến buộc phải cải chính điều ông đã nói với cơ quan mật vụ. Một lần khác, được tin người liên lạc của ông với kháng chiến bị bắt và bị sát hại, Ẩn lo sợ thật sự.
Mật thư của Ẩn báo cáo về “trung tâm” rằng một nhân viên CIA đã lọt vào hàng ngũ Việt Cộng. Thư đó do người liên lạc mang đi đã lọt vào tay địch và đến tay bác sĩ Tuyến, ông này báo lại cho Ẩn. Ông đốc-tờ “nhỏ thó” muốn biết nhân viên nào trong cơ quan mật vụ đã có thể báo cho Việt Cộng về sự hiện diện của một điệp viên trong hàng ngũ họ.
Tuyến hỏi Ẩn: “Anh có nghĩ rằng cơ quan chúng ta đã bị Việt Cộng thâm nhập không?”. May cho Ẩn, một nhân viên của Tuyến đã kể cho ông biết đầu đuôi sự việc nên Ẩn có thời gian chuẩn bị lời đối đáp, bình tĩnh trả lời Tuyến: “Không, tôi không nghĩ thế! Người Mỹ đã kiểm tra rất kỹ lý lịch của chúng ta. Đây chẳng qua là chuyện ghen tức nội bộ để chiếm chỗ của một đồng nghiệp được trả lương cao hơn”. Câu chuyện dừng lại ở đó.
Kỳ 5: Phạm Xuân Ẩn giải cứu ông trùm mật vụ Trần Kim Tuyến như thế nào?
Trích Một người Việt trầm lặng do NXB Tri Thức, First News phát hành