Truyền thống ở miền Nam hồi đó là mỗi khi gặp nhau thế nào cũng có mấy món nhậu đơn giản, có rượu - thường là rượu vang đỏ Bungari, để tẩy sạch dạ dày. Ông Ẩn không uống được rượu, ăn rất ít, nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời cùng ngồi với chúng tôi. Cho đến nay, tập quán mỗi khi tụ họp với nhau lại nhậu nhẹt vẫn thường lặp lại, ngay cả khi chúng tôi đi với gia đình ra Nha Trang - một nơi nghỉ mát có bãi biển - cùng ở bên nhau mấy ngày.
Mặc dù quan hệ với nhau thân tình như trong một gia đình, đối với ông, tôi vẫn giữ cảm tưởng mình là một người học trò nhỏ đứng trước một giáo sư tầm cỡ. Trí nhớ của ông còn rất tốt, chính xác đến mức có thể nghe ông kể chuyện hàng giờ về người này, người khác trong thế xoay vần của lịch sử.
Không khí chính trị lúc này đang trong tình thế hoang mang, lúng túng, mất phương hướng. Gorbachev trở thành là kẻ đào mồ chôn Liên bang Xô Viết. Các nhà văn có tài bắt đầu kể chuyện chiến tranh nhìn từ bên dưới và những ngày “vỡ mộng” sau chiến thắng. Những người khác thì gợi lại những vết thương nhức nhối của các sai lầm tai hại trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong những năm 1955 -1956.
Trong những năm 1990, Hà Nội là trung tâm của công cuộc đổi mới trong văn học, nhưng phần lớn tác phẩm đều bị gạt ra rìa. Sự xuất hiện một lớp nhà văn mới thường là những cựu chiến binh đã tham gia hai cuộc chiến tranh, trong đó có cả đảng viên là một đòn chắc chắn mang tính quyết định đánh vào nền văn học chính thống được nuôi dưỡng trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Đầu thế kỷ XXI, một thế hệ mới được khẳng định đã nói lên những mối lo lắng, dằn vặt của lớp người trẻ tuổi. Năm 2005, hai phần ba dân số Việt Nam chưa trải qua chiến tranh, trừ cuộc xung đột ở biên giới phía Bắc.
Ông Ẩn, ngậm ngùi nói: “Nỗi buồn quá khứ xuất phát từ những tâm trạng thất vọng, những cảm giác “vỡ mộng”. Truyền thống được phát huy nhằm gây cho lớp trẻ một niềm tự hào dân tộc trẻ. Đồng thời Đảng Cộng sản tự biết mình đang thoát ly cơ sở, nay muốn lắng nghe quần chúng phát biểu. Từ đó mới có cuộc vận động cải tiến chất lượng cán bộ. Trong thực tế, đó là phục hồi quyền tư hữu - một giấc mơ trở thành hiện thực. Nhiều cuộc cải cách khởi động từ năm 1986 đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
“Chính là những người lãnh đạo đã thắng cuộc chiến tranh chứ không phải nhân dân”. Đó là câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Nguyễn Duy cũng nhiều lần trình bày cách nhìn tương tự trong thơ. Nguyễn Quang Thiều viết tiếp: “Những năm chiến tranh là một thời đại anh hùng, không có đất cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở. Đảng viên bao giờ cũng là người tốt. Cha tôi bảo: “Nếu con không muốn trở thành đảng viên, người tốt, thì con là người xấu”. Ngày nay thời thế đã thay đổi. Người ta có thể nói về thân phận cá nhân. Văn học được lưu thông”. Nước Việt Nam đang quen dần với cuộc sống trong hòa bình.
- Ông nghĩ gì về những thay đổi này? - tôi hỏi ông Ẩn.
Với giọng hài hước, ông đáp: “Có đủ loại tư bản, tư bản đỏ, tư bản xanh... Sài Gòn đã trở thành động lực của một cuộc chiến mới, sự tăng trưởng kinh tế”.
- Người ta định làm như người Trung Quốc, nghĩa là tiếp nhận cả những nhà tư bản vào hàng ngũ Đảng. Bằng cách cho phép doanh nhân kết hợp với nhà nông và nhà trí thức, người ta biện bạch cho chủ nghĩa tư bản đỏ - ông nói tiếp.
Khi nghĩ đến những kiến nghị nối đuôi nhau trên bàn làm việc trong khuôn khổ chuẩn bị cho Đại hội X của Đảng Cộng sản đã thông báo là sẽ họp vào tháng 5 hay tháng 6.2006. Một mặt, Đảng Cộng sản đang tìm một bước đi đột phá, vì phải tính đến quan hệ với Mỹ và châu Âu, hoặc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (OCM, theo tiếng Pháp). Mặt khác, nền tảng của “chủ nghĩa tư bản đỏ” là ruộng đất - mà “người ta đã sẵn sàng cho nó, nhân danh nhân dân” và những người miền Nam có ruộng đất bị tịch thu năm 1975 để phân phối lại cho những đối tượng có công với Đảng. Tất cả những cái đó đối với ông Ẩn không có gì đúng đắn hay lành mạnh.
Nước Việt Nam đang lột xác lần nữa. Mặc dù xuất phát điểm rất lạc hậu, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất ở châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nhất là Việt Nam có tiềm năng đặc biệt về nhân lực. Dân số Việt Nam, năm 1975, mới khoảng năm mươi triệu người, ba mươi năm sau, đã lên tới tám mươi hai triệu người. Gần ba chục nghìn thanh niên trong đó có nhiều con cháu gia đình cộng sản đang học tập tại các trường đại học tốt nhất của phương Tây. Đất nước đã hội nhập thành công với cộng đồng quốc tế.
Ông Ẩn nói tiếp:
- Thời Sài Gòn trước giải phóng, chính trị phức tạp lắm: Có nhiều phe cánh, đảng phái, nhiều âm mưu, thủ đoạn, nhưng bây giờ tôi tin là tình hình còn phức tạp hơn nhiều.
Ông chỉ tin các số liệu thống kê có một nửa.
- Bao nhiêu vấn đề dồn dập xô đẩy nhau - ông nói tiếp, không giấu vẻ hoài nghi. - Nạn tham nhũng kìm hãm phát triển đến mức nào? Làm sao tạo ra được sức đối trọng để giảm bớt chủ nghĩa đơn nguyên chính trị đang gặm mòn chế độ. Tình hình Việt Nam đã đủ chín muồi để đổi mới chưa?
- Hai mươi năm đổi mới về kinh tế kèm theo những điều chỉnh về ngoại giao đang mở ra cuộc thảo luận về đổi mới chính trị, ông nghĩ thế nào về điều này?
Ông đáp:
- Làm sao được? Cuộc vận động mở rộng dân chủ trong nội bộ Đảng vấp phải những áp lực mạnh mẽ có lợi cho thỏa hiệp để giữ thể diện. Nếu anh đẩy cải cách chính trị lên quá nhanh, anh sẽ gây ra mất ổn định chính trị trong Đảng. Vấn đề chính là chống tham nhũng, nếu anh đẩy đi quá xa trong việc dập tắt tệ nạn tham nhũng thì sẽ có nguy cơ mất ổn định cho chế độ. Đối với những nhà cách mạng lão thành, điều quan trọng là phải giữ được ổn định cho chế độ đồng thời vẫn phải tiến lên về kinh tế. Đó là câu trả lời của ông Ẩn. Giới hạn cho phép thật khá mỏng manh.
Phạm Xuân Ẩn đã được Nhà nước và quân đội tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, nhưng đồng thời ông cũng phải chấp nhận những quy định ngặt nghèo của chế độ như: Phải giữ bí mật về công việc đã thực hiện, sự nghi ngờ của tổ chức, sự giám sát chặt chẽ, việc tham gia chỉnh huấn - dù ông nói là “nhẹ nhàng”, “phải sống cách ly, biệt lập, cô đơn”. Nhưng ông đã vượt qua hết thảy, tổn thương nhưng không chán nản tuyệt vọng.
Tôi có cảm tưởng ông quay về với lý do đầu tiên và duy nhất của sự dấn thân của ông. Đó là chủ nghĩa dân tộc, nói khác đi là chủ nghĩa yêu nước. Ông đã thách thức cả chính quyền Hoa Kỳ, đã chấp nhận những rủi ro kỳ lạ, chấp nhận những hy sinh lớn lao. Ông tỏ rõ là chiến lược gia hàng đầu, là một trong những nhà tình báo vĩ đại một thời. Ngày nay, ông thấy như sống lại những ngày đẹp đẽ của năm 1945, năm ông đã chọn con đường phục vụ sự nghiệp dân tộc. Đinh Quang Lê, một nghệ sĩ cộng đồng người Việt ở nước ngoài mới đây khi bàn về xã hội Việt Nam đã nêu lên nét nổi trội ở Đông Nam Á là một sự thôi thúc luôn luôn phải tự hoàn thiện chính mình để làm một điều gì đó cho cuộc sống. Phạm Xuân Ẩn cũng cần một tia hy vọng mang lại ý nghĩa cho tất cả những việc mình đã cống hiến cho đất nước.
Lần thứ tư và có lẽ cũng là lần cuối cùng, tháng 3.2002, ông đi Hà Nội theo giấy triệu tập để ký các giấy tờ về hưu. Hai mươi bảy năm sau chiến thắng, ở tuổi bảy nhăm ông mới chính thức nghỉ việc. Chỉ có một sự thay đổi trong thực tiễn: từ nay, ông miễn không phải dự những buổi họp hàng tuần để tự kiểm điểm. Trong suy nghĩ của ông, mọi việc đến đây đã kết thúc. Nhưng khi trả lời câu hỏi của một nhà báo: “Tại sao chỉ đóng vai trò ‘người quan sát bình thường’ mà lại được thưởng huân chương?”, ông đáp: “Vì tôi xứng đáng được như vậy”.
Mong cuối đời, người ta trả lại cho ông những gì còn nợ của ông.
Kỳ 3: Tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và những câu chuyện với Đại tướng Giáp
Trích Một người Việt trầm lặng do NXB Tri Thức, First News phát hành