Đã có nhiều cuốn sách của giới nghiên cứu, học giả, ký giả Mỹ viết về tướng tình báo Việt Nam Phạm Xuân Ẩn trong thời gian qua dưới nhiều lăng kính khác nhau như với Điệp viên Z.21 - Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ của Thomas Bass hay Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman và rất nhiều tác phẩm báo chí khác được xuất bản trong và ngoài nước.
Và lần này, bạn đọc có dịp tiếp cận tướng Phạm Xuân Ẩn một cách hoàn toàn mới thông qua góc nhìn của tác giả Jean-Claude Pomonti - một nhà báo người Pháp. Cuộc chiến đấu thầm lặng của nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn đặt trong cục diện chiến trường miền Nam rất cần được liên hệ trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn, đó là cuộc chiến tranh Đông Dương.
Chính vì thế, một cái nhìn, quan điểm từ người Pháp mà ở đây chính là nhà báo Jean-Claude Pomonti, tác giả của Một người Việt trầm lặng (tựa gốc tiếng Pháp: Un Vietnamien bien tranquille) là một đóng góp mới, một cách dựng tiểu sử nhà tình báo lỗi lạc Việt Nam Phạm Xuân Ẩn khá độc đáo với những góc nhìn mới.
Tác giả Jean Claude Pomonti đã nhìn về chính sự, chiến cuộc tại miền Nam theo một trục nhìn độc lập. Là một phóng viên thường trú của tờ Le Monde tại Sài Gòn đầu thập niên 1970, ông đã viết nhiều bài báo ngầm chống lại sự can thiệp của người Mỹ, rộng hơn, ông chống lại sự phi lý của cuộc chiến đã gây nhiều tổn thất cho người dân Việt Nam. Chính vì lập trường đó, ông đã bị trục xuất khỏi miền Nam đến hai lần.
Từ trải nghiệm thực tế đời sống báo chí, là đồng nghiệp với Phạm Xuân Ẩn trong thời chiến, Jean-Claude Pomonti có cách kiến giải khá sắc sảo, thấu đáo; đặt tiểu sử nhân vật trong một bối cảnh dầu sôi lửa bỏng, với một lối dẫn dắt phi tuyến tính, đầy lôi cuốn như một tiểu thuyết trinh thám.
Với vỏ bọc là ký giả các tờ báo Mỹ như Time, New York Herald Tribune và hãng tin Reuters… những “nước cờ” của điệp viên X6 – Phạm Xuân Ẩn đầy mưu lược, tinh tế và ngoạn mục.
Tác giả viết: “Ẩn buộc phải tự giam mình trong thế giới tình báo đầy bí ẩn quanh co ở Sài Gòn, nơi có những hang ổ xen lẫn. Ông phải canh chừng những điệp viên hai mang, những kẻ bám đuôi, những người có nhiệm vụ thử thách hay theo dõi mình. Ông còn phải hoàn thành một công việc khó khăn hơn cả là giải thích tài liệu đã thu thập được, phân biệt đâu là tài liệu giả đâu là tài liệu thật, tránh những âm mưu cung cấp tin để đưa mình vào bẫy. Nhưng chính những tài liệu ông chuyển về miền Bắc đã khiến tướng Võ Nguyên Giáp đã phải thốt lên: “Cứ như đang ở trong phòng điều hành tác chiến của Mỹ”.
Không giải thiêng cũng không góp thêm lời ca ngợi, những trang viết của Jean-Claude Pomonti là một lược thuật tiểu sử khá chắt lọc, tinh gọn nhưng nhiều tình tiết gợi mở. Cuộc đời, lý tưởng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn hiện lên phía sau những dòng chữ đầy sống động. Sự nhân ái, thành tín với bạn bè đồng nghiệp không phân biệt chiến tuyến được đặc tả khá chi tiết. Kể cả giai đoạn sau 1975, những quan niệm của Phạm Xuân Ẩn được kể một cách nhẹ nhàng nhưng đầy ngụ ý.
“Thiếu tướng tình báo tài ba”, “Điệp viên hoàn hảo” hay “Điệp viên thách thức nước Mỹ”... có lẽ chỉ là một cách ca ngợi những tài năng, phẩm giá của Phạm Xuân Ẩn. Điều cốt lõi trong ông chính là một tinh thần yêu nước, một trí tuệ thông minh cùng với nhân cách và tinh thần mã thượng, hành xử rất khiêm cung khiến cho chính kẻ thù phải kính nể. Có thể nói, ở ông là kết tinh phẩm chất của con người Việt Nam.
Một điều thú vị nữa từ cuốn sách này là đời sống Sài Gòn trong thập niên 1960-1970 được mô tả rất thú vị, có thể xem là một mảng tư liệu miền Nam thời chiến rất quý giá.
Cuốn Một người Việt trầm lặng trước đây đã được Nhà sách Kiến Thức và NXB Thanh Hóa ấn hành năm 2007 với tựa Một người Việt Nam thầm lặng, bản dịch của Nguyễn Văn Sự. First News và NXB Tri thức tái bản với tựa mới, hiệu đính, nhuận sắc và cước chú để phiên bản tiếng Việt trở nên sống động hơn. Đây là một món quà đầy trân trọng và ý nghĩa dành cho độc giả nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử 30.4 năm nay.
Nhà báo Jean-Claude Pomonti
Jean-Claude Pomonti từng là phóng viên thường trú của tờ Le Monde (Pháp) ở Sài Gòn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Chứng kiến quá nhiều tổn thất cho người dân vô tội Việt Nam, không tán thành việc Mỹ mở rộng và kéo dài cuộc chiến tranh phi lý, Jean-Claude Pomonti đã có nhiều bài viết không có lợi cho phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Nhà báo Jean-Claude Pomonti đã từng bị chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi miền Nam hai lần vào các năm 1973 và 1974. Sau năm 1975, ông nhiều lần trở lại Việt Nam và dành nhiều mối quan tâm, thiện cảm với những chuyển biến tích cực của xã hội Việt Nam, đặc biệt thời kỳ sau đổi mới. Ngoài cuốn Một người Việt trầm lặng, Jean-Claude Pomonti từng có hai cuốn sách về chiến tranh Việt Nam là La Rage d'être vietnamien (1974) và Vietnam, communiste et dragons (1994). Năm 2015, ông xuất bản cuốn Vietnam: L'éphémère et l'insubmersible.
Tiểu Vũ