Khi Emily Clements bị bỏ lại một mình tại Việt Nam do người bạn thân đột ngột phải về nước, cô gái trẻ người Úc cố gắng tận dụng cơ hội nhìn ngắm, trải nghiệm mảnh đất Đông Nam Á.
Lúc ấy, 19 tuổi, Clements quyết tâm học tiếng Việt, ra ngoài và thăm quan Hà Nội mỗi ngày. Năm tháng sống ở Việt Nam, tuy nhiên, không đơn thuần là những ký ức tươi sáng điển hình trong quyển sách hồi ký mô tả hành trình hòa nhập văn hóa của một người nước ngoài ở nơi chốn xa lạ. Trên hết, ‘The Lotus Eaters’ phản ánh cách phụ nữ ngày nay vẫn đang phải vùng vẫy tìm chỗ đứng và để được trân trọng.
“Từ ‘không’ gần như luôn ‘mắc kẹt’ nơi cổ họng tôi. Lúc nào đó trong vô thức, khi cố hòa nhập vào một vùng đất mới, tôi bắt đầu ép bản thân không được phép nói bất cứ điều gì có thể làm tổn hại đến hình ảnh lịch sự vốn tôi cần giữ gìn. ‘Không được cư xử ích kỉ’: một câu nói người lớn thường dặn đi dặn lại những đứa bé gái. ‘Bạn không được phép đặt mình lên trước người khác’,” cô viết.
Phần lớn phụ nữ có thể hiểu nỗi bận tâm của Clements. Đi du lịch và nỗ lực cư xử tử tế với tất cả mọi người đôi khi không dễ duy trì cùng lúc – điều được minh chứng qua tác phẩm. Càng rắc rối hơn nếu bạn đặt chân đến châu Á, một lục địa mà rất nhiều nền văn hóa gắn liền với tư tưởng giữ thể diện.
Thế nhưng Clements, theo cách đáng ngưỡng mộ, không dẫn dắt câu chuyện của riêng cô theo hướng ‘đổ lỗi’. Thay vào đó, cô nhấn mạnh vấn đề: phụ nữ du lịch tự thân có thể gặp khó khăn đến mức nào, không chỉ trong việc tìm kiếm niềm vui trên hành trình, mà còn để đảm bảo an toàn cho bản thân. Và quy tắc không đơn giản là “tránh xa những nơi bạn không nên đến”. Clements nhận ra, nguy hiểm có thể tiềm ẩn tại một số nơi chính bạn vẫn tin rằng không có gì đáng sợ.
Trong một đoạn tường thuật đau lòng, Clements hồi tưởng sự cố ghê rợn khi đến Lào để làm mới visa du lịch 3 tháng tại Việt Nam. Cô có mặt đúng dịp tổ chức Songkran, lễ té nước mừng năm mới nổi tiếng của địa phương. Trải nghiệm lễ hội rất vui, nhưng khi gặp một người đàn ông bản địa, người hứa sẽ làm hướng dẫn viên tạm thời giúp cô, Clements bị dẫn đến một khách sạn, nhốt vào một căn phòng khóa kín. Không có đường thoát thân, cô hoặc phải nghĩ cách chống trả và đối mặt rủi ro bị tổn hại, hoặc đành chịu đựng và làm theo ý kẻ đồi bại.
“Suốt khoảng thời gian ấy, tôi luôn nghĩ, nếu mình cư xử đủ tử tế, nếu tôi ép bản thân làm theo những gì người khác cần ở tôi, tôi có thể kiểm soát mọi thứ. Tôi đã cố tránh không rơi vào những trường hợp tồi tệ nhất tôi mường tượng được, nhưng vẫn không đủ”, cô viết.
Một mình du hành ở những xứ sở lạ lẫm, Clements không ít lần phải bất đắc dĩ đối diện những trường hợp như trên. Vài trong số chúng thậm chí nghiêm trọng hơn trải nghiệm tại Lào. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất để thấu hiểu là, luôn có những người đối đãi không tốt với bạn ở bất kì đâu trên thế giới, bất kể bạn sắm vai khách du lịch hay dân bản địa.
Clements trong một sự kiện ký tặng sách ‘The Lotus Eaters’ (Ảnh: Facebook nhân vật)
Giọng văn gợi cảm nhận buồn nản da diết ở ‘The Lotus Eaters’ tạo nên một dấu ấn khắc khoải riêng biệt cho tác phẩm. Tuy nhiên, nó không quá khác với cách chúng ta đang nhìn về những câu chuyện tương tự xoay quanh nỗi lòng người phụ nữ đương đại. Hành trình du lịch một mình khó quên của Clements chỉ tình cờ xảy ra tại Đông Nam Á.
Như Ý (tin, ảnh: SCMP)