"Chăn con công" thực chất là tên gọi dành cho họa tiết hoa Đông Bắc - loại hoa văn được xuất phát từ một số tỉnh thành Trung Quốc hồi giữa thế kỷ trước.
Gần đây nhất, hôm 21.1, lần đầu tiên sau nhiều năm, CEO Jensen Huang của Nvidia (Mỹ) đến Bắc Kinh, Trung Quốc để dự tiệc năm mới cùng các nhân viên tại đây. Tại sự kiện này, ông đã mặc mẫu mang họa tiết "chăn con công" đặc trưng trong nền văn hóa đất nước tỷ dân.
Hình ảnh này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội và tạo ấn tượng mới mẻ đối với hình ảnh CEO của một tập đoàn công nghệ lớn thế giới.
Theo Chinadaily, áo của tỷ phú Jensen Huang gây chú ý bởi vì nó mang họa tiết đang được nhiều người yêu thích hiện nay.
Họa tiết này có nguồn gốc từ Thượng Hải, Trung Quốc vào thập niên 1950. Đến những năm 1970, Cục quản lý dệt may Hoa Đông Thượng Hải kêu gọi các nhà thiết kế thay đổi tư duy, căn cứ vào nhu cầu sinh hoạt của người dân, về nông thôn tìm hiểu để thiết kế ra mẫu hoa văn được người dân ưa thích nhất. Đây được cho quốc sách nhằm thay đổi những bộ trang phục tối màu, đơn điệu của người dân cả nước trước thời kỳ cải cách.
Sau đó, một loạt họa tiết ra đời gồm có: Bách điểu triều phụng, Nông gia lạc, Mẫu đơn, Uyên ương hí thủy, Khổng tước mẫu đơn, Mẫu đơn phượng hoàng. Trong đó, Mẫu đơn phượng hoàng (phải, dưới) do Trần Khắc Bạch thiết kế được xem họa tiết kinh điển nhất.
Theo Chinadaily, sở dĩ các họa tiết mang màu sắc lòe loẹt như vậy là do những hạn chế của công nghệ nhuộm và in lúc bấy giờ. Thời đó, nhà máy in và nhuộm tiên tiết nhất ở Thượng Hải cũng chỉ sử dụng công nghệ in với số màu hạn chế nên chúng thường có nền màu đỏ, lục, lam, vàng…
Những họa tiết này phổ biến ở vùng nông thôn Trung Quốc, chúng được các gia đình sử dụng trên áo khoác chần bông hay chăn bông, khăn trải bàn.
Loại vải này sau đó du nhập sang Việt Nam và phổ biến ở miền Bắc. Người Việt thường gọi là vải chăn con công vì chúng được sử dụng để làm vỏ bao chăn, bao gối.
Vào những năm 1980, họa tiết này cực kỳ phổ biến ở miền Bắc Việt Nam và chỉ những gia đình khá giả thời ấy mới có thể mua được món đồ xa xỉ này.
Đây từng là bảo vật của mỗi nhà, để có được chúng người ta phải dành dụm, tiết kiệm từng chút một. Thậm chí, nhiều đôi vợ chồng trẻ còn được bố mẹ trao chiếc chăn này như một món quà quý giá khi mới cưới.
Theo một số người già ở nông thôn. Hồi đó, một cái vỏ chăn con công có giá trị lớn lắm, có khi bằng một chỉ vàng. Nhà nào có loại chăn này thì giữ như giữ vàng, cẩn thận lắm.
Còn ở miền Nam, họa tiết xuất hiện muộn hơn và phổ biến ở khăn trải bàn, rèm cửa, tấm trải bàn thờ… Thậm chí, nhiều gia đình còn sử dụng tấm giấy khổ lớn có in họa tiết chăn con công để làm đẹp vách nhà, tủ gỗ của gia đình.
Và cũng vì thế, hình ảnh họa tiết chăn con công cũng gắn liền với ký ức của những thế hệ 7X, 8X ở miền quê.
Theo thời gian và sự ra đời của nhiều loại vải, sự phát triển của thời trang cùng với nhiều lựa chọn, những họa tiết này dần biến mất.
Tuy nhiên, thời trang luôn là vòng tuần hoàn, khoảng 15 năm qua, họa tiết này bỗng trở lại và nổi lên trong làng mốt Trung Quốc do ảnh hưởng của loạt phim truyền hình Lưu Lão Căn kể về cuộc sống ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc.
Thậm chí, năm 2015, Trương Hinh Dư – người mẫu, diễn viên nổi tiếng người Trung Quốc đã mặc một chiếc đầm dài lộng lẫy mang họa tiết con công trên thảm đỏ Liên hoan phim Cannes lần thứ 68. Và từ đây, họa tiết chăn con công gây ấn tượng mạnh, nhanh chóng thu hút làn sóng yêu thích.
Giới mộ điệu châu Á, bao gồm cả giới trẻ Việt tích cực lăng xê. Chăn con công khuấy đảo làng thời trang Việt, phủ sóng các mặt báo suốt mùa hè năm đó.
Đến mùa Tết 2024, có thể thấy loại họa tiết này phổ biến trong làng thời trang Việt và hiện diện ở khắp nơi. Từ áo dài, quần áo, ốp điện thoại… nhưng được biến tấu thành nhiều phiên bản, họa văn đẹp hơn. Tuy nhiên, hoa văn chủ đạo vẫn là hình chim công kết hợp hoa lá.