Truyền thuyết kể rằng, hồi thế kỷ 13, một người thợ rèn trẻ tuổi và tài giỏi tên Biscornet sau khi thuyết phục Giáo hội đã được nhận phần việc chế tạo bản lề và các chi tiết trang trí bằng sắt cho cửa nhà thờ. Công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ và người thợ rèn phải dành nhiều tháng làm việc trong sức nóng của lò nung.
Khi Biscornet ra mắt tác phẩm của mình, người dân Paris và Giáo hội khi đó đã phải “choáng váng” trước vẻ đẹp phi thường của những họa tiết trên cửa. Do công trình được xây từ sau ra trước, mặt tiền và lối vào là hạng mục cuối cùng được lắp đặt, chính vì vậy, cánh cửa của Biscornet đã trở thành dấu chấm hoàn hảo để kết thúc quá trình xây dựng gần 200 năm của nhà thờ Đức Bà Paris.
Trước Biscornet, chưa ai từng đạt được trình độ nghệ thuật đó chỉ với thứ kim loại tầm thường là sắt. Nó hết sức lộng lẫy, là phần bổ sung hoàn hảo cho một công trình biểu tượng như Nhà thờ Đức Bà.
Nhưng rắc rối với Biscornet bắt đầu từ đây. Người dân Paris cảm thấy các họa tiết quá phức tạp và hoàn hảo. Lúc đó, chỉ duy nhất tác phẩm của Biscornet mới đạt được cấp độ tinh xảo như vậy với nguyên liệu sắt.
Vào thế kỷ 13, khi sự mê tín và những câu chuyện ma thuật đầy rẫy ở Pháp, ngay lập tức người ta đồn những cánh cửa này không thể do con người làm nên, và Biscornet đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy tác phẩm nghệ thuật này.
Chuyện càng khó lý giải hơn khi các giáo sĩ nói họ không tài nào mở được cánh cửa cho đến khi vẩy nước thánh lên ổ khóa. Rồi, vài người khẳng định rằng, khi rằng họ đến thăm xưởng của người thợ rèn trong quá trình thực hiện, chỉ thấy anh ấy nằm bất tỉnh trên sàn nhà, trong khi tác phẩm hoàn thành theo một cách bí ẩn trong thời gian ngắn.
Mặc dù Biscornet ra sức thanh minh, nhưng không ai tin anh. Chuyện kể rằng anh qua đời sau đó không lâu, sự việc càng khiến người ta tin rằng Satan đã quay lại để hoàn thành nốt giao kèo - lấy đi linh hồn của người nghệ nhân.
Một cách trùng hợp, cái tên Biscornet trong tiếng Pháp nếu tách ra sẽ cho ra nghĩa: "bis" là "hai", "cornet" là "sừng". Một nhân vật có hai sừng – hình ảnh của quỷ Satan.
Ngày nay, không ai rõ thực hư câu chuyện cách đây nhiều thế kỷ, nhưng các chuyên gia về kim loại không thể giải thích được rằng bằng cách nào mà thời trung cổ người ta có thể chế tạo ra được những cánh cửa tinh xảo như vậy chỉ bằng những công cụ thô sơ.
Thiên Di (Tổng hợp)