Hòa thượng Thích Trí Quang: 'Một cuộc đời không vẫn hoàn không'

09/11/2019 20:54
Hòa thượng Thích Trí Quang: 'Một cuộc đời không vẫn hoàn không'

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch vào lúc 21 giờ 45 phút 8.11.2019 (tức ngày 12.10 Kỷ Hợi), trụ thế 97 năm. Những hoạt động tôn giáo của ông trước và sau năm 1975 là đề tài được dư luận quan tâm chú ý...

Tối 8.11, trong một thông báo phát đi từ chùa Từ Đàm (Huế) do Tỳ kheo Thích Hải Ấn, trụ trì chùa ấn ký cho biết: “Sau vài ngày khiếm an về thân thể, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại phương trượng chùa Từ Đàm, số 1 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp”.

Theo di huấn của Hòa thượng Thích Trí Quang để lại, sau khi ngài viên tịch, nhục thân của ông phải được hạ liệm cách 6 giờ sau đó và được hỏa thiêu. Trong tang lễ  các Pháp tử chỉ đến lạy 3 lạy và đưa ra xe, không bàn thờ, bát nhang, không vòng hoa và đưa đám phúng điếu . 

Di ảnh của Đại lão Hòa Tthượng Thích Trí Quang - Ảnh: Thư viện Hoa Sen

Hòa thượng Thích Trí Quang là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo được người dân trong nước và thế giới quan tâm suốt một thời gian dài bởi ông là nhân vật có ảnh hưởng lớn trên chính trường miền Nam. Các hoạt của ông trong thời kỳ đó cũng tạo nên nhiều tranh cãi về con người thật, về thái độ chính trị, về động cơ trong cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo tại miền Nam, tạo nên những biến động lớn cho chính quyền đương thời cũng như “làm rung chuyển nước Mỹ” và ''người đã lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm'' vào năm 1963 như báo chí nước ngoài nhận định.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích Trí Quang lui về chuyên tâm hành trì tu tập nghiên cứu đạo pháp. 

 Hòa Tthượng Thích Trí Quang trong phong trào Phật giáo 1963 - Ảnh: LIFE

Năm 2011, Hòa thượng Thích Trí Quang cho ra mắt  cuốn sách Trí Quang tự truyện do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Theo tự truyện của Hòa Thượng Thích Trí Quang, ông sinh ngày 21.12.1923 tại làng Diêm Điền, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh (nay là phường Ninh Đông, thành phố Đồng Hới), Ông xuất gia theo Phật vào năm 1936 tại chùa Phổ Minh (Quảng Bình). Năm 1937 ông nhập học tại Phật Học Viện của Tổng Trị Sự Hội Phật Học, Huế. Sau thời gian theo học 10 năm, Hòa Thượng Thích Trí Quang ra trường “lễ tốt nghiệp được tổ chức, chỉ vài ngày trước ngày Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương”.

Bìa cuốn Trí Quang tự truyện do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2011

Sau đó thầy Thích Trí Quang sang Tích Lan (Sri Lanka) nghiên cứu thêm về Phật giáo. Khi trở về ông tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp của Việt Minh. Mùa hè năm 1946, thầy Trí Quang được mời ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán Sứ, tuy nhiên cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thầy phải trở về Quảng Bình.

Năm 1950 Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới được thành lập tại Tích Lan. Nhân sự kiện này, thầy Trí Quang đề nghị thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (THPGVN) để họat động song hành với Liên minh. THPGVN được tạm thời thành lập, suy cử Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đương kim Pháp chủ Tăng già miền Trung làm Tổng hội chủ lâm thời, và Hòa thượng Thích Trí Thủ đương kim Hội trưởng Hội Phật học miền Trung làm Trưởng ban tổ chức. Đại hội chính thức thành lập THPGVN vào ngày lễ Phật Đản năm sau (1951).

Giai đoạn 1954 khi đất nước chia hai miền Nam Bắc-Hòa Thượng Thích Trí Quang viết trong tự truyện: “Đây là thời điểm mà tổ quốc phân chia Nam Bắc. Tôi nghĩ tôi nên đứng ở cương vị thuần túy Phật giáo không nên có ý kiến về việc đời quan trọng. Chỉ đánh dấu tâm tư bằng dấu ẩn mà thôi''. 

1956 đến 1960 thầy Trí Quang tu hành tại Huế. Bước ngoặt lớn nhất trong hoạt động tôn giáo của thầy Trí Quang được ông kể lại là vào ngày 8.5.1963, nhân lễ Vesak, ngày Đản sanh của Đức Phật Thích ca. Phật tử tại Huế đã chuẩn bị, kể cả việc treo cờ Phật giáo ở các cơ sở thờ tự, nhưng chính quyền đương thời đã ra lệnh cấm treo cờ. 

Vào ngày 10.5 Phật tử bắt đầu chiến dịch đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo, bồi thường cho nạn nhân và trừng phạt những người có trách nhiệm và quyền treo cờ Phật giáo.

Thầy Trí Quang và ban Tổng Trị Sự quyết định chọn ngày 21.4 âm lịch, ngày thất tuần đầu tiên của Phật tử tử nạn để phát động cuộc “Vận Động của Phật giáo”. Sau đó ông viết điện văn gởi ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc thông báo chính quyền Nam Việt Nam vi phạm nhân quyền, cản trở lễ Phật Đản, triệt cờ Phật giáo thế giới,  khủng bố trắng sự phản kháng bất bạo động của Phật tử bằng chiến xa.

 Hòa thượng Thích Trí Quang trong phong trào Phật giáo 1963 - Ảnh: LIFE

Bên cạnh đó thầy Trí Quang chủ trương đấu tranh bằng cách tuần hành biểu tình, bất bạo động. Phật tử Huế tổ chức một cuộc biểu tình, tụ họp tại đài phát thanh để nghe chương trình phát thanh Phật giáo thường lệ. Chính quyền cho ngưng buổi phát thanh và trong bối cảnh lộn xộn của đám đông, đã có tiếng lựu đạn nổ khiến 9 người thiệt mạng.

Khi cuộc khủng hoảng trở nên sâu rộng, thầy Trí Quang vào Sài Gòn để thương thuyết và chuẩn bị cho những cuộc xuống đường sau sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào ngày 11.6.1963.

Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm trấn áp đạo Phật năm 1963 -  Ảnh: do Malcolm Browne chụp trên đường phố Sài Gòn

Cuối tháng 5.1966, thầy Trí Quang lại một lần nữa đấu tranh với chính quyền bằng cách tuyệt thực để phản đối quân đội tiến vào thành phố Huế để ổn định tình hình trật tự ở đây. Ông bị bắt đưa vào giam giữ Sài Gòn. Tại đây ông tiếp tục tuyệt thực 100 ngày.

 Ngày 21.8 1963, Sài Gòn, miền Nam Việt Nam - Các Phật tử tụ tập tại chùa Xá Lợi làm lễ tưởng niệm cho những Phật tử đã tự thiêu để phản đối chính sách của chính phủ Nam Việt Nam

Sau 1975, Hòa thượng Thích Trí Quang về chùa Ấn Quang và tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) sống độc cư, chuyên tâm hành trì, viết sách, dịch thuật và chú giải kinh, luật, luận.  

Cuối năm 2011, thầy Thích Trí Quang cho xuất bản ở trong nước cuốn Trí Quang tự truyện – sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Trong “Tự Truyện” Hòa thượng Trí Quang thuật lại nhiều sự kiện đáng nhớ của Phật giáo mà ngài chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia trong giai đoạn từ trước năm 1963 đến năm 1975.

"Ấy thế, mọi việc diễn ra có lúc đến chóng mặt. Cho đến mùa xuân 2519 (1975) thì một ngày mà có người ba lần đến vận động tôi đừng chống việc ông Dương Văn Minh đứng ra, "vì chính quyền của ông ấy sẽ có bảy phần mười là người tiến bộ". Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy Trí Thủ nói, rằng chim cá còn mưa mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh cấp cứu.

Rồi ông Dương Văn Minh gặp tôi, đưa ra hai mảnh giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là ông làm như lời thầy Trí Thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà vác cờ trắng. Sau đó mấy tháng, tôi trả lời một thầy Phật giáo cấp Tỉnh, rằng nay Phật giáo VN bước qua một giai đoạn khác", Tự truyện của Hòa Thượng Thích Trí Quang viết.

Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về thăm quê nhà Quảng Bình và lưu lại chùa Từ Đàm, Huế tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm tu hành cho tới ngày viên tịch.


Cũng nên nhắc lại cái lịnh cấm treo cờ Phật giáo. Trước Phật đản 3 ngày, ông tỉnh trưởng Thừa thiên lên Từ đàm vận động tôi đừng treo cờ. Tôi từ chối. Hôm sau, ông lên, nói bây giờ có lịnh đây, tôi chỉ tống đạt. Tôi nói rất ngạc nhiên về cái lịnh như vậy của chính quyền, mà là chính quyền trung ương, và không thể tuân hành được.

Với sự kháng cự lịnh nầy, tôi tự hoàn thành tội danh “mở đầu cuộc vận động
1963 của Phật giáo” không cần ai tự bảo mình sắp đặt như vậy.

15. 4
Khi UBLP (Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo) họp, không ai muốn không bị bắt, là ai cũng muốn đem khổ hạnh của mình, thành tựu nguyện vọng của Phật giáo, chứ không phải cầu may hay áp dụng khổ nhục kế. Riêng tôi, với “cái tội khởi xướng”, tôi biết và chính quyền cũng không ngần ngại gì mà không cho biết, chờ đợi tôi là cỗ máy đoạn đầu đài, nói nôm na là máy chém, đừng có ảo vọng gì khác.

Ở đây, nên nói chuyện cũ một chút. Trước 1963 khá lâu, có lần và lần đầu, ông Diệm mời tôi đến tư thất, và Cố vấn Cẩn cho biết riêng, là để nói việc giúp đỡ đồng hương di cư của Phật giáo Quảng Bình. Khi gặp, tổng thống Diệm nói có 2 vùng đất, một là vùng cát màu mỡ và rất đẹp ở Cam Ranh, hai là vườn ươm của canh nông ở núi Thiên Thai. Hai vùng đất nầy, vùng nào cũng có thể làm nơi cư trú và làm ăn cho cả trăm người. Tôi muốn thầy đứng ra nhận để lo cho đồng hương. Tôi nói, đồng hương ấy không nhiều, chỉ có 5 học tăng và một ít cư sĩ, họ đã sinh sống ổn định lâu rồi. Tôi chắc Tổng thống nói chuyện giúp đỡ nầy là có ý giúp đỡ Phật giáo. Tôi nghĩ Tổng thống đặt vấn đề như vậy thích đáng hơn. Tổng thống hỏi giúp cách nào, tôi nói, môt nửa vườn hoa Tao Đàn và 5 triệu tiền lúc ấy, là đủ cho Phật giáo có đủ một cơ sở bề thế và triệu tập một Đại hội Phật giáo quốc tế. Vừa thay nước mời tôi, vừa suy nghĩ trên năm ba phút, Tổng thống nói sức tôi không lo nổi.

Bấy giờ, năm bảy hôm sau khi khởi xướng cuộc vận động 1963, cụ Nh. đến Từ Đàm, vào lúc 5 giờ sáng, nói với tôi, Tổng thống có thể thỏa mãn đề nghị cũ nếu tôi ngưng cuộc vận động. Tôi từ tốn nói, đề nghị ấy quá lỗi thời rồi. Với lại làm sao Tổng giám mục chịu cho Tổng thống làm. Cụ Nh. hiểu biết, ra về, khi trời chưa sáng hẳn.

Hết màn trên tiếp liền màn khác. Một người công chức tự nói là hội viên khuôn hội Phú Thạnh, yêu cầu nói chuyện hơn thiệt với tôi. Rằng thầy chống đối thì đương nhiên chính quyền sắp sửa máy chém. Sao thầy không nghĩ cuộc sống dài hơn cho công việc dài hơn? Xét thấy người nầy chỉ học bài và trả bài, tôi điềm đạm nói với anh như vậy, anh cũng điềm đạm ra về sau khi nói, “con không biết gì cả thật”!

15.5
Nếu bị bắt lúc Xá Lợi bị tấn công, tôi bị thọ án tử hình theo thủ tục bình thường, hay hơn nữa theo thủ tục khẩn cấp, thì đó là điều tôi đinh ninh như vậy. Nhưng sẽ khác hẳn nếu bị bắt lại sau 9 ngày “bị bắt mà như không bị bắt”, nhất là sau khi về Pháp Quang. Vì vậy, tôi quyết định không để bị bắt lại. Không để bị bắt lại, nhưng cũng đã không có cách nào khác hơn đến tòa đại sứ Mỹ.

Tôi ý thức được sự phức tạp cho riêng tôi, kể cả khi đã ngồi trong tòa Đại sứ ấy.

Trong người tôi tự thấy ngạc nhiên và bất ổn. Nhân viên cao cấp của tòa Đại sứ cũng thấy ra như thế. Họ nói với tôi, nếu thượng tọa có ý định tỵ nạn ở đây thì là khách của chúng tôi. Nếu thượng tọa không có ý định ấy thì có thể đi ra bất cứ lúc nào thượng tọa muốn.

Tôi nói, dĩ nhiên tôi đang yêu cầu tị nạn ở đây. Nhưng, xin lỗi, tôi vào đây còn muốn nhìn thấy người Mỹ giải quyết như thế nào về vấn đề mà người Mỹ có trách nhiệm. Tôi ở đây tùy thuộc vào sự nhìn thấy ấy. Họ nói, vậy xin mời Thượng tọa ở đây với chúng tôi cho đến khi thấy không cần ở nữa.

16.1
Đến đây, tôi ngưng một giai đoạn Phật giáo, bằng cách ghi thêm mấy việc linh tinh cần nói, mà không theo thứ tự nào cả.

1. Do Hòa thượng Chơn Trí mà Gia đình Phật tử tập họp đúng giờ, đúng chỗ, trước tòa tỉnh trưởng Thừa thiên, vào buổi chiều 14.4 - buổi chiều mà Pg khiếu nại cờ đèn bị phá bị giật, lễ đài Phật đản bị xúc phạm rất mất dạy. Tỉnh trưởng mời Pg (Phật giáo) họp để giải quyết.

2, Huynh trưởng Gái được bí mật giao cho cầm đầu đoàn GĐPT rước Phật từ Diệu đế lên Từ Đàm. Không có sự khôn khéo của anh, thì 5 biểu ngữ không lên thấu chùa, kế hoạch bị thương tổn không nhỏ. Cũng chính huynh trưởng Gái đầu tiên đem tài liệu vào Ấn Quang mà, lúc đó, nếu thiếu can đảm và khôn ngoan, đã không thể chu toàn nghĩa vụ.

3. Ba thanh niên hoạt động nổi tiếng sau khi thiết quân luật là Bôi, Nho, Doãn. Bôi dã thành người thiên cổ, còn 2 người kia, tôi chưa có dịp liên lạc được.

4. Tôi đặc biệt nói đến 1 Phật tử mà là ân nhân của Pg, kể từ lúc Pg mới rục rịch có vấn đề suốt đến khi chế độ ông Diệm sụp đổ. Người nầy là đệ tử hòa thượng Mật nguyện, là người đồng hương với tôi - là ông Đẳng. Ngay từ đầu ông đã bỏ công bỏ của ra không nhỏ, dầu ông khá nghèo. Ông đóng vai trò Tỉnh trưởng và Phật tử rất vất vả, lao tâm khổ trí. Không có ông, tôi dã rất khó khăn trong việc tiếp xúc với các cấp chính quyền. Người sắp đặt cho tôi lên máy bay đi Saigon là ông.  Khi tôi viết mấy dòng nầy, ông đã không còn nữa, từ lâu.

5. Bs Lê khắc Quyến, pháp danh Nhật thắng, đệ tử đại tổ đình Quốc ân, người Huế. Tôi là bịnh nhân đến khám bịnh tại phòng mạch tư của ông ở cửa Thượng tứ. Bấy giờ ông là Giám đốc Bịnh viện Trung ương Huế. Sau đó được biết bà cụ thân sinh ông là em ruột cụ bà Lê Văn Định. Mối liên hệ Phât giáo của ông là như vậy, chưa kể thân sinh của ông cũng là đệ tử đại tổ đình Quốc ân, bổn sư là ngài Đắc Quang, Tăng cang quốc tự Linh mụ. Ông là Khoa trưởng Đại học đường Y khoa Huế, được gia đình Tổng thống Diệm biết ơn vì chữa bịnh giỏi cho bà cụ thân sinh của họ. Ông có nhà mới, lớn và đẹp, ở phía nam thành phố, nhưng chưa kịp ở. Ông tham gia cuộc Vận động 1963 của Pg, mất hết chức và nhà, bị bắt ở tù. Khi tham gia, ông tự biết sẽ phải như vậy.

Sau Phật đản năm ba ngày, một buổi sáng gặp tôi, ông cho biết ông Diệm mời ông vào Saigon để nói về vấn đề Pg. Ông hỏi tôi muốn ông nói gì, tôi nói, xin nói rất thật thâm tâm của tôi. Tôi không mưu đồ gì cả, chỉ phản ứng vì hết mức chịu đựng sự xúc phạm quá đáng đến đức Phật và Pg của tôi, mà thôi. Vấn đề như vậy quá dễ giải quyết cho Tổng thống chứ không thương tổn gì.

Hôm sau Bs Quyến về Huế, nói, ông mời vào để nghe ông nói, không phải để nói cho ông nghe! Bs Quyến chẳng những tham gia hết lòng vào 1963, sau đó, đến nỗi mất sách, bị bắt bị tù nữa, vẫn không chán bỏ đạo pháp – mà không mưu đồ gì cả, cho đến hết đời.

6. Việc Phật tử Mai Tuyết An chặt tay phản đối bà Nhu, người Mỹ hỏi ý kiến tôi, tôi nói phong trào chống đối ông Diệm đã và sẽ lan ra mạnh mẽ trong giới học sinh. Sự việc quả như vậy, ngay sau đó.

7. Sau khi thiết quân luật, hoạt động hải ngoại là hòa thượng Nhất hạnh và bác sĩ W.

8. Bác học Bửu Hội gặp tôi khi về thăm mẹ. Tôi phàn nàn động thái gây ác cảm
nặng nề của ông. Ông ân hận và muốn đóng góp. Tôi nhờ chuyển đến Tổng thư ký Liên hợp quốc 5 va-ly đầy đủ tài liệu. Chuyển ra để ở khách sạn ông Lê Văn Hiệp. Ông Hội đến nhận ở đó, chuyển giao rất chu đáo, nhanh chóng. Bằng tình cảm cá nhân, ông Hội lại tác động các Đại sứ Á Phi đến điều tra nhân quyền ở Nam Việt Nam. Hòa thượng Nhất hạnh và bác sĩ W. càng liên lạc và hướng dẫn cụ thể cho phái đoàn nầy. Chỉ vì tôi chưa kịp nói nên đôi bên chưa hiểu nhau.

9. Khi ở Xá Lợi, tất cả chi phí không nhỏ cho việc của Pg miền Trung mà tôi phải liệu, thì người giúp tôi là ông Lê Văn Hiệp. Nhân đây, tôi nói đến chi phí khi còn ở Huế. Mọi chi phí ở đây và lúc ấy là do các khuôn hội Thừa thiên lạc cúng, do tỉnh hội ấy thu và chi.

10. Tình báo một cách xuất sắc nhất là 1 Phật tử tự động. Chính ông Nhu cũng lao đao về sự tình báo của người nầy. Người này thường viết báo cáo giao cho hòa thượng Tâm Châu mà không ra mặt. Nhưng sau nầy tôi cũng biết người đó là ai.

11. Hòa thượng Trí Quảng, lúc ấy, khá có khả năng vận động phong trào học sinh.

12. Hòa thượng Thiện minh có sáng kiến tấn công bà Nhu. Sự tấn công này tác động nhanh và mạnh đến bất ngờ đối với phong trào học sinh. Mưu đồ lừa đảo của chính quyền trong việc thực thi Thông cáo chung cũng rã vì “đức bà lồng lộn, vung vít”. Nhưng hòa thượng Hộ giác và thầy Giác đức thì tai họa không nhỏ, vì “mồm miệng không ưa nổi” trong chiến dịch ấy. Nghe nói lúc bị bắt, 2 ngài được đức Bà hỏi thăm khá ân cần.

13. Sau hết, mà thật ra là trước hết, tôi nói đến 1 người, một người bạn của tôi, Bs W.  Ông thương tôi hết lòng. Việc tôi làm, mở đầu mà thế giới biết, là do ông. Giao thiệp với Tổng thư ký LHQ đầu tiên là do ông. Sau thiết quân luật, Pg bị hốt rồi, cũng chính ông hoạt động với hòa thượng Nhất Hạnh, rất hiệu quả.

Ông, trước không nói gì, nhưng tôi biết và biết rõ. Ông muốn qua tôi, Pg phải thành một lực lượng. Nhưng thực tế làm cho ước muốn ấy không phù hợp với chính Pg. Dẫu vậy, ông không biến đổi tình cảm, vẫn một lòng một dạ thương tôi, thương Pg của tôi.

Ở đây, tôi nói vắn tắt về ông - về cái tình ấy, cái tình tôi không thể quên, không bao giờ quên.

17.1
Ở trong tòa Đại sứ Mỹ, khi đoán chắc sẽ có đảo chánh, tôi lại lo như tình trạng Hàn quốc: Lý Thừa Vãn đổ rồi, đảo chánh hoài. Như thế thì làm được cái gì. Ông Diệm bị đảo chánh rồi, tôi cáo từ ra về, người Mỹ nói, nếu có thể, tôi nên góp ý kiến với chế độ mới. Tôi nói, nhưng không nên đảo chánh nữa. Người Mỹ không nói lại gì hết.

Tôi đoán trước những gì sẽ xảy ra. Nếu không vì thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tôi đã “công thành thân thoái” rồi. GHPGVN sẽ thành lập, là vì phải thành lập nhưng đối nội đối ngoại sẽ đầy những sự khó vui. Dầu vậy, vẫn phải thành lập, thay thế Tổng hội Phật giáo Việt Nam hết nhiệm vụ rồi.

Dự thảo Hiến chương cho GHPGVN, tôi viết lời mở đầu, “Công bố lý tưởng hòa bình, Phật giáo không đặt sự tồn tại của mình ngoài sự tồn tại của dân tộc”. GHPGVN được cầm đầu bởi chức vụ Tăng thống, tước hiệu có từ thời đại Đinh Lê.

Tăng thống tương đồng với Tăng cang, tước hiệu vua Minh Mạng đã đổi ra.
GHPGVN gồm 2 viện: Tăng thống và Hóa đạo, lãnh đạo tất cả tăng ni và tín đồ của Pg VN. Khi chính thức thành lập, tôi tìm cách giữ chức vụ Chánh thư ký viện Tăng thống, là thật sự muốn ẩn mình, hy vọng tiếp tục dịch giải kinh sách vốn là chí hướng đích thực của tôi.

… Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi “không vẫn hoàn không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay như sự tự truyện này, vì không thể không có nên phải viết và phải in, mà thôi. “Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi mới được như vậy.


 (Trích “Trí Quang Tự truyện" – NXB Tổng hợp TP.HCM – 2011)

Tiểu Vũ 

                  


Gửi bình luận
(0) Bình luận
1

Phim Sex Education, liều thuốc "chữa lành" cho mối quan hệ giữa tôi và con gái

Sau khi xem tập phim, tôi đã quyết định ngồi xuống nói chuyện với con gái.
2

Phim Sex Education: Hóa ra cha mẹ từ Đông sang Tây, không ai "thoát" khỏi giai đoạn này!

Thức cả đêm xem phim, tôi như mở mang đầu óc và ngộ ra 5 bài học cực đắt giá!
3

Bản giao hưởng cuộc sống - Bữa tối Giáng sinh giữa hai chiến tuyến

“Mỗi chúng ta là một thực thể nhỏ bé trên địa cầu này. Sự tồn tại của chúng ta là có giới hạn, nhưng chúng ta có thể học cách chia sẻ tình yêu thương không giới hạn đến với nhiều người.”
4

Nhờ xem phim Sex Education mà con gái tôi đã dám thú nhận 1 bí mật với mẹ!

Linh tính của người mẹ mách bảo tôi: Con đang gặp vấn đề!
5

'Tự do - Như chim tung cánh' - Câu chuyện sâu sắc về tự do từ Osho khiến bạn phải suy ngẫm

Tự do - Như chim tung cánh (Freedom The courage to be yourself). Liệu chúng ta có thực sự hiểu tự do là gì?

Khi mọi điểm tựa đều mất: Vì sao có những người hạnh phúc hơn những người khác?

Nếu tôi và bạn đang ngồi thưởng thức ly trà nóng ở một quán nước ven đường và tôi hỏi: “Bạn có cảm thấy mình hạnh phúc không ?”, bạn sẽ trả lời như thế nào? Rất ít người trả lời rằng: “Tất nhiên rồi – tôi rất hạnh phúc”.

Cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương qua sách ‘Trăm nhớ ngàn thương’

"Trăm nhớ ngàn thương” là cuốn sách tư liệu viết về cuộc đời của nhạc sĩ tài hoa Lam Phương – tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Bài tango cho em, Thành phố buồn, Duyên kiếp, Khóc thầm, Mưa lệ, Kiếp nghèo…

Dấu chân trên cát

“Dấu chân trên cát” là tác phẩm được dịch giả Nguyên Phong phóng tác kể về xã hội Ai Cập thế kỷ thứ XIV trước CN, qua lời kể của nhân vật chính -  Sinuhe.

Giáo dục không la mắng

Có thể nói, nuôi dạy trẻ là cả một quá trình dài hơi, tốn sức, tốn thời gian và đầy “cân não” đối với các ông bố, bà mẹ.

Giải quyết khủng hoảng bằng 'Lựa chọn tối ưu thứ 3'

Một khi lựa chọn theo "cách của bạn" hay "cách của tôi", ít nhiều cũng khiến một bên bị tổn thất. Lựa chọn như thế nào để không ai phải từ bỏ điều gì, mà tất cả đều thắng?

Khuyến học: Từ bí mật của Nhật Bản 150 năm trước đến 'vũ khí sắc bén' sẽ giúp Việt Nam thành dân tộc dẫn dắt

"Học tập chăm chỉ là lẽ đương nhiên của con người, chứ đâu đến mức phải khen ngợi. Bởi lẽ, lý do sinh tồn của con người chắc chắn ở tầm cao hơn nhiều" - Fukuzawa Yukichi.

6 tựa sách giúp bạn trẻ tìm lại tình yêu thương cuộc sống

“Nếu để ý đến những điều bạn đang có trong cuộc sống, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế. Còn nếu chỉ để ý đến những điều bạn không có, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có đủ” - Oprah Winfrey.

Sâu lắng tình người trong tập truyện ngắn 'Mình gọi nhau là cưng'

Đây là tập truyện ngắn thứ 2 của tác giả Trúc Thiên vừa được Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

5 câu nói người EQ cao không bao giờ "treo" cửa miệng

Kỹ năng - Đông - 18/01/2025 12:00
Đây chính là "bí quyết" giúp người EQ cao luôn được lòng mọi người.

Cùng bị đánh lén, vì sao Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng phản ứng trái ngược?

Thư giãn - Chi Chi - 18/01/2025 11:00
Liệu sự khác biệt này của Trương Tam Phong và Vô Danh Thần Tăng có đến từ thực lực hay còn nguyên nhân nào khác?

Vì sao ông chủ shop không nhận cậu bé xin việc để mua quà sinh nhật cho em?

Truyền cảm hứng - Nguyễn Duy - 18/01/2025 10:00
Cậu bé học lớp 6 ở xã Nghi Phong, thành phố Vinh (Nghệ An) đạp xe ra phố, vào một shop (cửa hàng) thời trang xin việc. Hành động đẹp của ông chủ sau đó khiến câu chuyện cuối năm kết lại ấm áp.

Từng chê bai phim Sex Education, tôi bật ngửa về cách dạy con sai lầm của mình

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 18/01/2025 09:00
Tin nhắn chỉ vỏn vẹn 3 từ của con trai nhưng khiến tôi thao thức cả đêm.

Tự do - Như chim tung cánh: Đi tìm chìa khóa của tự do thực thụ

Từ sách - Phim - Đan Thanh - 18/01/2025 08:00
Với những chia sẻ đầy khai mở, cuốn sách “Tự do – Như chim tung cánh” giúp người đọc xác định những trở ngại đối với tự do của họ, có thể do hoàn cảnh hoặc do bản thân họ tự áp đặt, tìm thấy lòng dũng cảm để thành thật với chính mình.

Không nên chia sẻ quá nhiều với chatbot AI

Kỹ năng - PL - 17/01/2025 12:00
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dùng không nên chia sẻ quá nhiều thông tin với chatbot AI, đặc biệt là những dữ liệu riêng tư.

Vì sao Giang Nam Thất Quái mất 10 năm không bằng Hồng Thất Công dạy Quách Tĩnh chỉ 1 tháng?

Thư giãn - Nguyệt Phạm - 17/01/2025 11:00
Vì sao 10 năm khổ luyện cùng Giang Nam Thất Quái lại không hiệu quả bằng 1 tháng học nghệ với Hồng Thất Công?

Nhiều người Việt trẻ lướt mạng xã hội hơn 3 giờ mỗi ngày

Phong cách sống - Ngọc Hiền - 17/01/2025 10:00
Báo cáo "Cuộc sống số của người Việt Nam" của Q&Me cho thấy, có đến 51% người trẻ trong độ tuổi 18 - 29 tuổi dành trên 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội.

Trong 'Tây Du Ký' 4 đồ đệ của Đường Tăng đều phạm luật trời vì sao Bồ Tát vẫn chọn?

Từ sách - Phim - Tùng Lâm - 17/01/2025 09:00
Trong "Tây Du Ký", Đường Tăng đã thu nhận 4 đệ tử. Cả 4 người này đều phạm luật trời và được Quan Âm "chỉ điểm" trước khi theo Đường Tăng đi thỉnh kinh.

Sếp tồi - 3 cách để bạn không còn cảm thấy vội vã, hối hả mỗi dịp cuối năm

Từ sách - Phim - TĐ - 17/01/2025 08:00
Bạn có thấy gần cuối năm và lịch làm việc của bạn không một khoảng trống?  Cuối tuần rồi mà bạn vẫn không được nghỉ ngơi? Bạn có cảm thấy áp lực khi phải hoàn tất mọi việc trước khi kết thúc năm không?

Lo ngại TikTok bị cấm ở Mỹ, người dùng đổ xô tải app 'bản sao': Xiaohongshu

Kỹ năng - Vũ Anh - 16/01/2025 12:00
Đây một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc nhưng ít được biết đến bên ngoài đất nước.

Nhà khoa học cấp cao Nvidia ngỡ ngàng vì video robot hình người của Engine AI

Thư giãn - Sơn Vân - 16/01/2025 11:00
Engine AI hy vọng tận dụng được sự quan tâm với các robot hình người của mình bằng cách giảm giá trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt tại Trung Quốc.

Nguyên tắc dụng quân của Sếp giỏi: Trọng ‘Nhân tài’ - không cần tìm ‘Nô tài’

Suy ngẫm - Diệu Đan - 16/01/2025 10:00
Nhìn chung, ở nơi làm việc, giữ quy tắc, mới có được sự tin tưởng; có nguyên tắc, mới đáng để giao phó. Cho dù là công việc hay cuộc sống, việc "làm cho người khác cảm thấy yên tâm" là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một cá nhân.

Xem phim Sex Education, tôi đúc rút bài học quý báu để dạy con trai

Từ sách - Phim - Mỹ Hạnh - 16/01/2025 09:00
Bộ phim Sex Education đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong việc dạy dỗ con cái.

Con đường chuyển hóa - Để không trở thành nạn nhân của vọng tưởng

Từ sách - Phim - Quìn - 16/01/2025 08:00
Khi đối diện một vấn đề, ta thường hay tự mình suy diễn, tưởng tượng đủ thứ, để rồi phiền não, đau buồn vì cái tưởng của mình. Nhưng ít ai nhận ra rằng, cái mà ta thấy chỉ là ảo ảnh do tâm tạo nên chứ không phải cái biết chân thật của mình.
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025