Trong một thế giới mà thành công thường được định nghĩa bằng địa vị, tài sản hay bằng việc “trở thành ai đó”, nhiều người, đặc biệt là người trẻ, thường loay hoay giữa áp lực thành công và khát khao sống có ý nghĩa. Chúng ta dường như ít có thời gian để ngồi lại và tự hỏi, mình đang thật sự muốn gì, cần gì? Lúc này, cuốn sách “Hạnh phúc tuổi trẻ” (Happy is the one who is nothing) của Krishnamurti xuất hiện như một lời mời gọi bạn quan sát và nhận thức thực tại, với sự đơn sơ, trong trẻo của nó – mà không bị ràng buộc bởi những khuôn mẫu, sợ hãi hay ham muốn.
Cuốn sách là tuyển tập những bài viết ngắn, cô đọng và súc tích của Krishnamurti dành cho người đọc trẻ, được in theo khổ nhỏ bỏ túi, dễ đọc và dễ tiếp cận. Ở đó không có những công thức hướng dẫn bạn làm sao để hạnh phúc, thay vào đó, mỗi trang sách như một cuộc trò chuyện tĩnh lặng giữa người đi trước và người đang học cách trưởng thành, từ việc học cách yêu, cách sống cho đến cách để tự do và hiện hữu.
“Hạnh phúc tuổi trẻ” có hai phần, phần đầu là những lá thư Krishnamurti viết cho một bạn trẻ đến với ông trong tình trạng bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Những lá thư được viết trong khoảng thời gian từ tháng Sáu năm 1948 đến tháng Ba năm 1960, thể hiện lòng trắc ẩn và sự sáng suốt hiếm có của Krishnamurti.
Tuy là thư gửi cho riêng một người, nhưng những vấn đề ông nói đến trong đó thì lại mang tính phổ quát với cả nhân loại. Những lá thư này sẽ đem đến cho bạn phút giây trò chuyện trực tiếp với Krishnamurti và suy tư về mọi vấn đề trong đời sống.
Như một đoạn thư ông viết về cuộc đời và tình yêu:
“Cuộc đời quá phong phú, có quá nhiều châu báu. Chúng ta bước vào đời với trái tim rỗng không; chúng ta không biết làm cách nào để lấp đầy trái tim mình bằng sự sống dư tràn. Chúng ta nghèo khó ở bên trong, nhưng khi được dâng cho của cải thì chúng ta lại từ chối. Tình yêu là một thứ nguy hiểm; nó đem đến cuộc cách mạng duy nhất có thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn. Vậy nên chẳng mấy ai trong chúng ta có khả năng yêu, vậy nên chẳng mấy ai muốn yêu. Chúng ta yêu theo cách riêng của mình, biến tình yêu thành một thứ có thể bán mua. Chúng ta mang tâm lý thị trường, nhưng tình yêu không thể bán mua, mà là vấn đề cho nhận. Nó là trạng thái sống, nơi mọi vấn đề của chúng ta đều được giải quyết. Chúng ta dùng gàu cạn mà múc giếng khơi, và thế là cuộc đời trở thành một thứ lòe loẹt rẻ tiền, thật tầm thường và nhỏ bé”.
Như mọi khi, Krishnamurti vẫn liên tục nhấn mạnh về cuộc cách mạng duy nhất, cuộc cách mạng đầu tiên và cuối cùng mà tất cả chúng ta phải thực hiện, đó là luôn nhận thức đầy đủ những gì đang xảy ra bên trong và xung quanh mình, chỉ nhận thức mà không chọn lựa, không nỗ lực hay cưỡng ép bất cứ điều gì.
Trong những đoản văn ấy, chúng ta còn nhìn thấy một tâm hồn nhạy cảm và thiết tha yêu thiên nhiên tươi đẹp, như: “Chiều hôm qua cơn mưa bắt đầu và đến đêm thì trời đổ mưa như trút! Tôi chưa bao giờ nghe cơn mưa nào nặng hạt đến thế. Cứ như thiên đường đã mở ra vậy. Có sự tĩnh lặng lạ thường cùng với nó, sự tĩnh lặng của một sức nặng, một sức nặng khủng khiếp đang trút xuống Trái đất.”
Phần thứ hai là những cuộc trò chuyện với các em học sinh, các em nhỏ về nhiều vấn đề trong cuộc sống, như tình yêu, sự quan tâm, nỗi sợ hãi, trí tưởng tượng,… Krishnamurti vô cùng quan tâm đến trẻ em và vấn đề giáo dục. Với ông, trẻ em sẽ học được nhiều hơn khi quan sát cuộc sống, đặt câu hỏi về mọi thứ và tự mình tìm hiểu thay vì học trong sách vở hay được người khác chỉ dẫn.
“Hãy tìm hiểu. Bạn không thể tìm hiểu về bản thân nếu luôn nói chuyện, đi cùng với bạn bè, với nửa tá người. Hãy ngồi dưới tán cây lặng yên một mình, không đọc sách. Chỉ cần nhìn lên các vì tinh tú hay bầu trời, những chú chim, đường nét của những chiếc lá. Hãy quan sát những cái bóng. Ngắm nhìn cánh chim bay ngang bầu trời. Chính lúc ở một mình, ngồi lặng lẽ dưới tán cây đó, bạn sẽ bắt đầu hiểu được những hoạt động của tâm trí, và điều đó cũng quan trọng không kém gì việc đến lớp” – Krishnamurti nhắn gửi.
Triết lý của ông vẽ ra một nền tảng giáo dục mới, giáo dục mà không có sự so sánh, không có sự cạnh tranh, để con người có thể phát triển toàn diện và thật sự tự do.
Với những câu chữ dịu dàng, chân thành và đầy thức tỉnh, “Hạnh phúc tuổi trẻ” mang lại cho bạn sự gợi mở để học cách sống sâu sắc và vững chãi giữa thế giới hỗn loạn.
Jiddu Krishnamurti (1895 – 1986) là một triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần, các chủ đề ông thường bàn luận bao gồm: mục đích của thiền, mối quan hệ giữa con người và phương cách để tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội. Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp Brahmin tại Ấn Độ, nhưng Krishnamurti lại khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Ông dành phần lớn cuộc đời để đi nói chuyện khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập.
Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái hay quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ tư tưởng thuộc học thuyết hay phe phái chính trị nào. Trái lại, ông quả quyết rằng những trường phái này chính là yếu tố gây chia rẽ người với người, và tạo ra xung đột cũng như chiến tranh. Lời dạy của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra.