Cảm xúc là gì? Cảm xúc từ đâu xuất hiện? Chúng hoạt động như thế nào trong não và cơ thể? Có tốt hơn nếu chỉ trải nghiệm những cảm xúc tốt đẹp và rũ bỏ tất cả cảm xúc khó chịu? Và chúng ta có kỳ quặc không khi bộc lộ cảm xúc của mình? Đó là những câu hỏi mà bác sĩ Emma sẽ giải đáp cho chúng ta trong cuốn sách “Khai mở cảm xúc” (A toolkit for your emotions).
Có thể nói cảm xúc là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chúng làm ta cảm thấy vui vẻ, hoặc khiến ta khổ sở và vô số trạng thái khác ở giữa hai thái cực này. Đôi khi, các cảm xúc trộn lẫn vào nhau, chúng có thể liên kết hoặc mâu thuẫn. Nhưng, quan trọng nhất, cảm xúc luôn đóng vai trò trung tâm trong mọi câu chuyện.
Hơn nữa, tất cả cảm xúc đều rất cần thiết cho con người chứ không chỉ riêng những cảm xúc dễ chịu. Chúng giúp ta xử lý thông tin đầu vào mà các giác quan cung cấp, giúp ta suy luận và đưa ra quyết định. Chúng giúp ta hiểu thế giới và biết cách ứng phó, giúp ta biết cách giao tiếp và đồng cảm với người khác. Chúng giúp bộ não dự đoán tương lai dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ. Tóm lại, cảm xúc giúp ta sống sót và tồn tại.
Trong “Khai mở cảm xúc”, hình ảnh đại diện mà tác giả sử dụng để mô tả cảm xúc của chúng ta là tàu lượn siêu tốc, một chuyến tàu lượn có lúc lên cao, có lúc xuống thấp và lượn vòng vòng trên suốt hành trình. Chuyến tàu của mỗi người sẽ mỗi khác, vì mỗi người có một bối cảnh, quá khứ, cơ thể và bộ não khác biệt. Điều đó ảnh hưởng đến cách chúng ta hiểu, trải nghiệm và phản ứng với cảm xúc của mình. Vậy bạn phải làm gì để điều chỉnh khi tàu lượn của mình rơi vào vùng cảm xúc khó khăn, hay vướng vào một vòng lặp không lối thoát? Và làm thế nào để tạo ra những cảm xúc dễ chịu?
Với lối viết gần gũi, giản dị và những hình ảnh tự minh họa vô cùng đáng yêu, bác sĩ Emma sẽ giúp chúng ta khám phá từng đặc điểm và vai trò của cảm xúc, tìm hiểu cách chúng hoạt động để biết cách điều chỉnh, lắng nghe phản ứng của cơ thể, chuyển hướng suy nghĩ, ngăn chặn khi cảm xúc đi chệch đường ray. Từ đó, ta có thể “lùi lại và quan sát để dẫn dắt cảm xúc, thay vì để chúng đẩy mình đi”. Bên cạnh đó, ở mỗi chương đều có các bài tập được thiết kế để giúp bạn xác định và điều chỉnh những niềm tin về cảm xúc, biết cách lèo lái chiếc tàu lượn của mình đi theo hướng hữu ích hơn.
Ngày nay, sức khỏe tâm thần đang trở thành một trong những vấn đề về sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt trên toàn cầu. Đừng giả vờ rằng chiếc tàu lượn của bạn luôn di chuyển trơn tru suốt cả cuộc đời, đừng cố kìm nén và phủ nhận mọi sai lệch trên lộ trình của nó, bởi vì kìm nén sẽ gây tác dụng ngược, làm khuếch đại thêm những cảm xúc khó khăn. Mục đích của quyển sách này là giải quyết vấn đề đó, bằng cách cung cấp một bộ công cụ thực tế để bạn có thể hiểu bản thân tốt hơn.
“Bạn sẽ thấy rằng mục đích ở đây không phải là cố gắng khắc phục nỗi buồn, mà là cho phép nó và cân nhắc xem cần phản ứng thế nào cho tốt nhất. Chúng ta có thể nhắm mắt lại khi bước qua thảo nguyên u sầu, dưới bầu trời ảm đạm hoặc băng qua sa mạc tuyệt vọng mà giả vờ rằng việc đó không xảy ra, bởi vì nó có thể khiến các toa tàu cảm xúc bị mắc kẹt. Nếu dành cho cảm xúc này không gian mà nó xứng đáng, ta sẽ ít có khả năng bị mắc kẹt vào đó và dễ tìm được đường vượt qua hơn” – bác sĩ Emma Hepburn chia sẻ.
Bên cạnh đó, nếu bạn đang kiếm tìm một góc nhìn thực tế và nhẹ nhàng hơn về hạnh phúc – một cảm xúc vừa quen thuộc vừa khó nắm bắt – hãy tìm đọc cuốn sách “Khai mở hạnh phúc” của bác sĩ Emma Hepburn. Cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu rằng hạnh phúc không phải là một đích đến hoàn hảo, mà là một quá trình được vun đắp từ những điều nhỏ nhặt hằng ngày. Từ đó, bạn sẽ học cách nhận diện điều gì thực sự khiến mình cảm thấy đủ đầy và dần xây dựng một đời sống tinh thần cân bằng và bền vững hơn.
Bác sĩ Emma Hepburn là một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tâm lý học thần kinh, có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đam mê của cô là đưa tâm lý học và thông tin sức khỏe tâm thần thực chứng vượt ra khỏi phạm vi phòng khám, đến với nhiều đối tượng hơn và khuyến khích mọi người chủ động chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình.
Những tác phẩm có hình minh họa của cô đã được một số tổ chức sử dụng, bao gồm The American Association for the Prevention of Suicide (Hoa Kỳ), The Royal Society of Public Health and the Samaritans (Ấn Độ). Tài khoản @thepsychologymum trên Instagram của cô có 134 ngàn người theo dõi, đã giành được giải thưởng Bronze Lovie (Best of European Internet) cũng như giải Peoples' Choice Lovie cho hoạt động truyền thông xã hội, được vào danh sách rút gọn cho giải Media Awards.