Đầu thập niên 90, ông Phước từ chối học bổng tiến sĩ CNTT, về nước cùng 3 người bạn mở công ty sách. Sau hơn 20 năm làm nghề, người đàn ông này vẫn tiếp tục nuôi ý tưởng lan tỏa tri thức qua những dự án đưa sách đến tay tù nhân, các chương trình cộng đồng có ý nghĩa “hạt giống tâm hồn”.
First News – Trí Việt trao tặng 1.000 cuốn sách Hạt giống tâm hồn cho các phạm nhân tại trại giam Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu, 2015. (Ảnh: NVCC) |
· Là người đang có cơ hội sự nghiệp rộng mở trong lĩnh vực CNTT, trong khi gần như vô danh trong ngành xuất bản, điều gì của ngành này đã thu hút và làm ông theo đuổi đến tận bây giờ?
- Hồi học đại học khoa điện tử, tôi được giữ lại trường để giảng dạy. Khi Bill Gates và Steve Jobs làm ra những chiếc máy tính đầu tiên, tôi rất tò mò và đi học thêm về phần cứng. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ (Học viện Kỹ thuật Châu Á AIT), tôi được Viện Nghiên cứu tính toán mã số RISC (Áo) cấp học bổng học tiến sĩ ở Vienna. Nhưng tôi lại không thích đi học tiến sĩ, vì con đường đó lâu quá. 3 năm học thạc sĩ là quá đủ rồi. Tôi muốn trở về để sáng tạo.
Sự sáng tạo trong làm sách lại khá đặc biệt. Trong quá trình làm sách đó, tôi được trải nghiệm cho sự sáng tạo, tìm kiếm thông tin và được thực hiện những ý tưởng, vì sách đối với tôi, mỗi chủ đề mỗi cuốn sách là một thế giới rộng mở. Khi vào đó chúng ta chiêm nghiệm, trải nghiệm, được quyền tưởng tượng và làm theo trí tưởng tượng của mình, hoàn toàn không có sự bó buộc. Những người làm sách lại hoàn toàn thoát khỏi sự bó buộc sách vở mới làm được sách.
* Những điều ông nói dường như thiên về những người làm nội dung hơn là người làm kinh doanh.
- Tôi trực tiếp tham gia vào cả biên tập, cũng như đi tìm đề tài, cả thiết kế bìa. Tôi làm từ đầu tới cuối. Đó là sự thú vị của nó. Chứ tôi không phải nhà đầu tư. Không phải nhà kinh doanh về sách. Nếu chỉ kinh doanh về sách thì tôi đã bỏ [nghề] lâu rồi. Nhưng vì tôi được sáng tạo, được làm theo ý thích của mình thì tôi mới làm. Tiền hay lợi nhuận không phải là cái duy nhất để mình đi nhanh được. Phải vất vả lắm, phải yêu nghề lắm mới theo nghề được.
Ông Phước và chị Tống Kim Lan Vy (phạm nhân phạm tội buôn bán ma tuý) tại một buổi giao lưu, chia sẻ tại trại giam Z30 D, Hàm Tân, Bình Thuận. (Ảnh: NVCC) |
* Điều gì khiến ông gắn bó với nghề sách?
- Hồi là sinh viên, tôi làm được bộ âm ly nhỏ nhưng phát ra âm lượng lớn, thú vị nhưng cũng chỉ chia sẻ được cho vài người bạn. Hay khi đi dạy, một năm chỉ dạy được vài trăm sinh viên. Nhưng khi làm sách, thì những cuốn sách đó tới được tay của hàng trăm, hàng ngàn độc giả.
Khi làm cuốn sách Tìm về sứ mệnh vô biên của Robin s. Sharma, 5 năm sau tôi nhận được lá thư của người tù Nguyễn Văn Khôi tại trại giam Đồng Găng (Khánh Hòa), anh viết lá thư dài 11 trang, kể lại rằng hồi anh mới vào tù anh muốn tự tử, vì cuộc đời anh mất sạch, gia đình mất sạch, tiền bạc, vợ con không còn, tự do cũng không có. Nhưng khi anh đọc xong cuốn đó thì anh cảm thấy được hồi sinh, không muốn tự tử nữa và muốn truyền điều này cho nhiều người. Điều ấy khiến tôi thấy là công việc mình làm quá ý nghĩa.
Tôi có niềm vui đi nhà tù, trại giam để tặng sách cho phạm nhân, kể cả những người bị án chung thân, tử hình. Tôi đã đi vào đó hàng chục lần, trao tặng hàng trăm ngàn cuốn sách, tổ chức nhiều chương trình nói chuyện vài ba tiếng đồng hồ với phạm nhân. Mỗi lần đi về tôi rất vui. Trong những nơi như vậy họ quý tri thức nhiều hơn rất nhiều nơi khác.
Họ không chỉ cần những cuốn sách, họ cần những con người vào chia sẻ với họ mà không hề có rào cản. Không phải mình là người làm sách và họ là những người đang nghe, mà mình tới chia sẻ với họ như những người bạn. Trong suốt quá trình nói chuyện trong nhà tù, tôi thấy rằng họ như được thoát khỏi nhà tù trong thời gian 2-3 tiếng đó. Rất nhiều người đã không cầm được nước mắt trong cuộc trò chuyện.
“Tôi tên là Nguyễn Văn Khôi (bút danh Nguyễn Khôi) … Trước đây tôi là một nhà báo, công tác tại báo Khánh Hòa (từ năm 1993)… ” (Nguyễn Văn Khôi, trích lá thư) |
* Nhưng vì sao ông lại muốn đưa sách tới cho phạm nhân, ở nơi mà mọi người vẫn nghĩ chẳng ai cần tới những trang giấy?
- Trước khi đưa sách vào nhà tù, tôi có đi thăm một vài người bạn chịu án vì dùng ma túy, bán ma túy. Tôi quan sát chung thì nhận thấy họ không có nhiều sách hay để đọc, không được tiếp cận với tri thức. Từ thực tế đó tôi có ý định này. Ngay cả những người quản giáo, họ rất nhiệt tình, thật tâm với phạm nhân, nhưng cách họ nói theo một mô-típ có thể đã quá quen thuộc với phạm nhân rồi, không tạo ra được một lối mở trong thái độ. Tôi đã từng đi dạy, lúc trò chuyện, tôi nghĩ mình như một người bạn với họ.
Khi vào trong đó, tôi thấy rằng nhà tù mới chỉ là giam cầm họ về mặt thể chất, về mặt không gian, còn về mặt tư tưởng thì vẫn chưa có được một sự giải tỏa. Tôi mang cả sách nói, video, đưa cả những nghệ sĩ vào trò chuyện, biểu diễn để họ thấy một không gian khác. Bản thân First News không đủ sức đi tất cả các nhà tù. Mỗi nhà tù tôi chỉ có thể quay lại trong vòng 6 tháng, 1 năm một lần thôi. Tôi mong những tổ chức xã hội khác thường xuyên xin phép vào để trò chuyện với người tù. Họ mừng lắm. Tại vì các cán bộ quản giáo, bản thân họ cũng là công an, bản thân cuộc sống này rộng mở lắm, tôi không trách gì họ hết, không hề trách, đặc thù công việc của họ là như vậy mà.
* Ông có nghĩ những cuốn sách sẽ tới tay các phạm nhân?
- Đương nhiên trong quá trình đi làm sách như vậy, mình phải xin phép rất nhiều cấp mới được vào. Những cuốn sách tôi mang vào tặng, đôi khi vẫn chỉ được nằm ở thư viện chung, chưa được tới buồng các phạm nhân, chỉ các phạm nhân giáo dục tốt mới được tới thư viện… đó là những điều tôi rất buồn. Những người chưa được tốt đọc được sách thì họ mới có động lực chứ.
Việc thay đổi thì còn phụ thuộc vào bộ máy hành chính của Nhà nước. Tôi đã đề xuất với nhiều trại giam để phạm nhân được mang sách vào trong phòng biệt giam.
… Thú thật lúc ở ngoài đời tôi là người tự phụ, ỷ lại học vấn và sự hiểu biết của mình. Vì vậy những cuốn sách có tính “dạy đời”, “sách vở” như vậy tôi không để mắt đến. Tuy nhiên trong cảnh tù tội “đói chữ” lại muốn quên đi thời gian nên tôi đã đọc cuốn sách này.
Và điều kỳ diệu đã đến. Cứ mỗi trang sách lật qua như có ai đó cất đi cho tôi một gánh nặng. Mỗi trang sách như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ cho tôi đứng dậy. Tôi như kẻ lạc lối giữa biển khơi tìm thấy ánh sáng của ngọn hải đăng.
[…] Sau khi được khai sáng tôi như một con người khác, ngay bản thân tôi cũng không lý giải được. Còn các bạn tù thì hết sức kinh ngạc trước sự thay đổi quá nhiều của tôi. Tôi đã tìm lại được niềm tin vào cuộc sống, sống lạc quan an nhiên tự tại hơn. Chính nhờ thực hành theo những chỉ dẫn trong cuốn sách mà tôi hoàn toàn bình thản trước nghịch cảnh cũng như những đày đọa của cuộc sống tù đày. Thậm chí khi tòa kêu án 16 năm tù thì tôi cũng không bị suy sụp, tôi đón nhận nó với sự tự chủ mà người thân, bạn bè cũng không ngờ đến…
– Nguyễn Văn Khôi (trích lá thư)
Một bức ảnh chụp chung giữa ông Phước, anh Khôi và diễn giả Nguyễn Sơn Lâm, năm 2016. Do không được chụp hình trong trại giam nên mọi người xin phép và được giám thị đồng ý cho chụp một tấm hình duy nhất là bàn tay của 3 người bạn, đặt trên món quà là 2 cuốn sách mới và chiếc lá Bồ Đề. (Ảnh: Nguyễn Sơn Lâm) |
* Những trở ngại mà ông thường gặp phải trong quá trình làm sách là gì? Ông có lo sợ rằng chúng sẽ gây cản trở, thậm chí khiến mình thất bại không?
- Người ngoài nhìn vào sẽ thấy làm sách có hàng trăm cái khó, nào là thủ tục giấy phép, nào là quy trình quản lý nhà nước, nào là sách lậu, nào là nhân sự, nào là con người – đi tìm người phù hợp mới làm được, nào là đề tài ý tưởng, nào là làm sao để bán sách có lời, phải marketing, làm truyền thông cho sách. Nhưng đối với mình, đó là công việc mình yêu thích thì đó gần như đó là việc cần làm.
Cách đây khoảng 10 năm, tôi ra một tỉnh phía Bắc, vì sách của First News bị in lậu nên tôi đi cùng các cơ quan chức năng. Sau khi vây bắt được chỗ in sách lậu xong, trong buổi đi ăn tối để cám ơn những người làm công tác chức năng, sau khi uống rượu, tôi nói: “Các anh có thể giúp chúng tôi bảo vệ sách không bị in lậu lâu dài được không?”. Anh ấy nói rất thẳng thắn: “Anh ra đây, anh nuôi tôi được vài ngày, thằng in lậu nuôi tôi cả năm”. Nếu là người khác thì sẽ buồn ngay. Tôi cười, bảo: “Tôi sẽ cố gắng đi ra đây thường xuyên hơn”.
Đương nhiên, qua đó mình sẽ hiểu là bức tranh của xã hội là như vậy rồi. Khi người làm gian quen công an hơn người làm thật. Người làm thật không thân pháp luật bằng người làm gian. Mình phải chấp nhận sự thật và mình tác động từ từ.
Về vi phạm bản quyền, First News là một trong những đơn vị bị vi phạm bản quyền nhất Việt Nam. Như cuốn sách Đắc nhân tâm hiện tại đang bị 15 đơn vị in lậu, số lượng ước tính lên tới hàng trăm ngàn bản, thiệt hại rất lớn. First News có khoảng 278 đầu sách bị in lậu, không dưới 20 đầu sách bị 5 nơi in lậu cùng lúc.
* Như ông nói, mỗi cuốn sách như một nhân duyên tiền định, vậy thì những cuốn sách đầu tiên nào đến với ông để từ đó dần hình thành nên những tủ sách chủ đạo của Trí Việt?
- Khi khởi đầu vào năm 1994, tôi không có quá nhiều ý tưởng, không có nhiều đề tài làm đâu. Bắt đầu làm từ songs book – những bài hát tiếng Anh. “Hạt giống tâm hồn” – tôi mới viết được cụm từ đó vào năm 2002, cách đây 16 năm, không phải ngay từ đầu đã có được. Tìm được cái tên này rất khó. Đặt tên cho một cuốn sách, thành một bộ sách, rồi thành một tủ sách, thành một chương trình cộng đồng xã hội.
Sắp tới “Hạt giống tâm hồn” sẽ được tách ra thành một thương hiệu độc lập để phát triển, để nhiều người biết tới hơn cả First News. Tổng lượng like trên 178 website Facebook, Blog, Youtube… tính tới hiện tại trên 50 triệu lượt.
Ông Phước cùng các thành viên Trí Việt đón thần đồng văn học Nga Samasky tại sân bay để tham gia chương trình truyền hình trực tiếp Cầu vồng trong đêm giúp đỡ người khiếm thị Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
* Trước khi làm cuộc phỏng vấn này, đã có người nói với tôi rằng bạn không phủ nhận những cuốn sách 'Hạt giống tâm hồn' là những cuốn sách có rất nhiều ảnh hưởng. Những năm cấp II, cấp III, đây là những cuốn sách gối đầu giường, nhưng tới khi trưởng thành rồi thì đây không còn là những cuốn sách mà người đó tìm đến nữa. Tức là thị hiếu của người đọc đã khác rồi.
- Vào thập niên 90, một cuốn sách có thể rất bình dị, mộc mạc bây giờ thì yêu cầu cao về tính mỹ thuật, cần được chăm chút mới tới tay giới trẻ bây giờ được. Sách cần có sự chuyển đổi về hình thức, chất liệu trình bày. Bạn đọc đó đã không hiểu rằng những cuốn Hạt giống tâm hồn sẽ đi theo suốt một đời người. Trong tủ sách Hạt giống tâm hồn có gần 300 đầu sách, có những cuốn dành cho học sinh cấp III, khi lớn lên rồi có nhiều câu chuyện nhiều cuốn sách Hạt giống tâm hồn dành cho những người tuổi 30, 40, 50.
“Hạt giống tâm hồn” là một hành trình, những bộ sách như Trở về từ cõi sáng cũng là một cuốn Hạt giống tâm hồn vậy, giúp lý giải những trải nghiệm cận tử trước khi chết là gì, hoặc những khó khăn trong cuộc đời của bạn là gì, hay những lúc chia sẻ với ai đó về thành công trong cuộc đời. Hạt giống tâm hồn không chỉ là những điều giới hạn khi ta còn trẻ. Buông bỏ cũng là một “hạt giống tâm hồn”.
* Vậy theo ông “hạt giống tâm hồn” là gì?
- “Hạt giống tâm hồn”… rộng lắm. Nó có thái độ sống, ý chí, nghị lực, có tha thứ, có vượt lên, có từ bỏ, buông bỏ. Nó cũng liên quan tới những gì của lớn lên, của thiền định, của đạo.
Có câu chuyện khích lệ bạn đọc vươn lên để đạt mục tiêu bằng mọi giá. Có câu chuyện lại hướng người ta tới sự tối giản hóa để nhìn thấy cái đẹp trong cuộc sống. Nó rất rộng mở chứ không phải chỉ một vài thứ ta mặc nhiên trong đầu.
Ông Phước cùng nhóm thiện nguyện Hạt giống tâm hồn – Vì miền Trung thương yêu đến thăm gia đình bạn Đặng Thị Thu Hương (SN 1994) mất vì tình nguyện cứu người trong lũ, Quảng Bình, tháng 10/2016. (Ảnh: NVCC) |
* Vậy “hạt giống tâm hồn” nào lớn lên trong ông, một người làm sách?
- Người ta không thể tồn tại trong một xã hội đang chuyển biến, đang thay đổi khắc nghiệt. Không phải hàng ngày mà hàng giờ trôi qua, chúng ta phải dùng khá nhiều hạt giống, chứ không phải chỉ dùng một thứ. Bạn chỉ dùng ý chí thì bạn sẽ bị cạn kiệt. Bạn chỉ dùng sự kiên nhẫn thì bạn sẽ bị đuối sức. Bạn phải dùng hạt giống của cả niềm tin, lạc quan, khôi hài… và nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, một tư duy tích cực. Nói chung, mình phải biến thiên vạn hóa chứ không lớn lên bằng một thứ được.
* Nói cần phải đa dạng, linh hoạt, nhưng rốt cuộc vẫn phải có một “hạt giống” xuyên suốt…
- Tiếng Anh có từ “attitude”, nghĩa là một thái độ sống. Có một câu: Hãy suy nghĩ tích cực trong mọi nghịch cảnh. Có những lúc thức đêm làm khuya, người đó làm gì cũng như ngày mai không được sống nữa vậy, như ngày mai không bao giờ đến nữa vậy. Đôi khi trí tưởng tượng cho mình cảm xúc rất cao, mình vượt qua được.
* Ông thấy điều khác biệt mà một cuốn sách mang lại đối với một người đọc đơn thuần và một người làm kinh doanh sách là gì?
- Người làm ra sách, sáng tạo sách thích cuốn sách được sống lâu, tức tới tay nhiều người đọc, bán được nhiều, tái bản nhiều lần thì mình vui.
Vì ngành này là khai trí, truyền năng lượng tri thức cho con người. Một mình First News không đủ sức để truyền tải tri thức cho hơn 90 triệu dân được. Từ trước tới nay, ước chừng First News mới làm được trên 2.000 cuốn sách, giờ còn khoảng 1.000 để bán thôi. Thời gian và sức lực của mình cũng không phải vô hạn để làm được tất cả mọi thứ. Càng nhiều người làm càng tốt mà. Nếu có ai đó vượt lên trên First News thì đó là điều đáng mừng, vì điều đó có nghĩa là dân trí Việt Nam đã phát triển. Một lần có một hãng tư vấn nước ngoài hỏi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của First News là ai? Tôi trả lời rằng đó chính là First News. Đó là chính mình.
* Nếu một ngày rơi vào tình cảnh không còn đủ kinh phí để tiếp tục làm sách, khiến ông phải đối diện với lựa chọn một công việc đơn thuần về kỹ thuật, tính toán, thì ông sẽ quyết định thế nào, có tiếp tục làm sách không?
- Tôi nghĩ rằng mình có một trực cảm khá tốt để không bao giờ lâm vào tình thế mình không còn kể cả năng lượng lẫn nguồn lực con người. Và tôi luôn có những thành viên đồng hành mà tôi gọi là người bạn, rất tuyệt vời. Họ đồng hành để làm. Mỗi lần khó khăn luôn có được cái gì đó hỗ trợ rất đặc biệt, như một sự hỗ trợ về tâm linh, rất thú vị.
Ông Phước tại gian hàng Chicken Soup For The Soul, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2007, Canada. (Ảnh: NVCC) |
* Sự khó khăn mà ông nói tới, và những điều tâm linh đó, cụ thể là gì?
- Cũng có thể trong quá trình làm thì vì mình làm rất nhiều điều tốt, nên khi gặp khó khăn hay trở ngại thì có rất nhiều người giúp đỡ chứ không phải bỏ mặc mình, lại cùng tham gia ý tưởng. Như khi tôi làm về cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, thì thành công không phải một mình tôi làm được. Tôi là người lên ý tưởng từ đầu để tổ chức, nhưng rất nhiều người hỗ trợ để thành công chứ. Đây là một cuộc chơi ngang dọc về ý tưởng, chứ không có giới hạn không gian. Mỗi người chỉ có thể chia sẻ trong một giới hạn không gian thôi.
Đương nhiên trong quá trình đó tôi cũng phạm phải những sai lầm chứ, nhưng đó là những sai lầm để từ đó mình được học rất nhiều. Quan trọng là mình được học liên tục.
Cuốn sách không chỉ khép lại, dừng trên kệ sách, mà những nhân vật từ trong đó bước ra tác động tới cảm xúc con người. Như khi tôi làm cuốn sách Phạm Xuân Ẩn, tôi mời Larry Berman về làm đám giỗ cho ông Ẩn và đặt tượng bằng đồng để tưởng nhớ. Khi làm các cuốn sách tự truyện của Nick Vujicic, tôi mời Nick về nói chuyện với người Việt Nam. Làm cuốn Cầu vồng trong đêm thì mời thần đồng văn học Nga Mikhail Samarsky từ Nga về để gây quỹ giúp cho người khiếm thị. Làm về cuốn Hiểu về trái tim thì cùng Chi Bảo, các anh em nghệ sỹ lập quỹ gửi về chương trình hỗ trợ mổ tim… Những gì tôi làm về cuốn sách là từ thực tế cuộc sống và không phải chỉ là lý thuyết. Nó giúp tác động tới con người rất mạnh.
* Tức sách không chỉ là sách mà còn là việc đưa những câu chuyện ra đời thực để truyền cảm hứng?
- Nó phải là thực tế và tôi phải kiểm chứng nó. Tôi nói chuyện về chị Tâm Sida [Hồi ký “Tâm Sida – Vượt lên cái chết”] hay nói chuyện về nhà văn, dịch giả Bích Lan [Tự truyện “Không gục ngã”] thì tôi phải đưa chị Tâm, Bích Lan đi nói chuyện thì mọi người mới hiểu được.
Tôi làm cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, lúc đó cuốn sách mới vừa được cấp giấy phép xong, tôi mời các cựu chiến binh Gạc Ma về nói chuyện, và tôi được giao cho bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử để làm sống dậy sự kiện Gạc Ma. Đó là đời sống thực, chứ không phải chỉ là những đầu sách nằm trên kệ, đơn thuần lý thuyết.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Nghinh Xuân - Trí Thức