Duyên thệ do biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc cảm tác từ hai tiểu thuyết Bỏ vợ và Bức thư hối hận của nhà văn Hồ Biểu Chánh và được dàn dựng bởi đạo diễn NSƯT Hữu Châu.
Dấu ấn biên kịch và đạo diễn
Nhà văn Hồ Biểu Chánh nổi tiếng với rất nhiều tiểu thuyết mô tả thân phận đớn đau của con người ở tầng lớp dưới trong xã hội. Tiểu thuyết của ông man mác buồn và lay động lòng người trước thân phận của người nghèo và yếu thế, nhưng kết thúc luôn có hậu và đưa ra những bài học nhân nghĩa ở đời. Đó là lý do ông nhận được nhiều tình cảm yêu mến của độc giả miền Nam nhiều thế hệ.
Nhà văn, biên kịch, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc là một người viết khỏe và giàu cảm xúc. Trung bình mỗi năm chị có từ 2 kịch bản được dựng trên các sân khấu lớn ở TP.HCM. Trong Duyên thệ, chị vẫn giữ lại được hồn cốt của nhà văn Hồ Biểu Chánh qua ngôn ngữ đối thoại đặc thù của người xưa nhưng có nhiều bổ sung về tuyến nhân vật. Kế đến, chị đã biến nhân vật người cha dượng từ người Nam sang người Bắc. Tình tiết này tạo nên nhiều ý nghĩa. Hai tiểu thuyết Bỏ vợ và Bức thư hối hận được Hồ Biểu Chánh viết cách nhau 10 năm, nhưng nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc đã lấy ra những tình tiết cần thiết, rút gọn và sắp xếp có lớp lang, sáng tạo ra nhiều tình huống để giúp tất cả các nhân vật thể hiện được hết cảm xúc của mình.
Từ một kịch bản hay, đạo diễn Hữu Châu đã biến nó thành ngôn ngữ sân khấu đầy biểu cảm. Trước tiên là cách ông chọn diễn viên hóa thân vào nhân vật. Việc NSƯT Hữu Châu chọn NSƯT Thành Lộc vào vai cha dượng đầy tình nghĩa, Lương Thế Thành vào vai cha ruột nhưng bạc nghĩa bạc tình, Hoàng Trinh vào vai cô Hai Hương ngậm đắng nuốt cay cảnh đời ngang trái... đã góp phần rất lớn vào việc tạo nên một câu chuyện hay.
NSƯT Hữu Châu đã chọn bài hát Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong để dẫn dắt cảm xúc theo số phận nhân vật. Chưa cần nghe sâu vào nghĩa ca từ, chỉ nghe tựa Con thuyền không bến cũng đủ cho người xem cảm nhận được nỗi cô đơn, chơi vơi của nhân vật trong câu chuyện.
Ở màn cuối khi lời bài hát vang lên, nhân vật người cha ruột bội nghĩa (Lương Thế Thành) đi thất thểu ngoài đường khuya vắng là một cách xử lý đặc sắc, miêu tả cho cái giá phải trả của kẻ ăn ở không đúng với đạo làm người. Đạo diễn Hữu Châu đã yêu cầu họa sĩ Kim B mô tả cái bàn thờ của người miền Tây rất chân thật. Phục trang cũng góp phần mô tả rõ nét đời sống trong không gian văn chương Hồ Biểu Chánh.
Nét mới của NSƯT Thành Lộc và dấu ấn diễn viên trẻ
Với Duyên thệ, NSƯT Thành Lộc không đóng vai chính mà vào vai người đàn ông miền Bắc vào Nam mưu sinh. Ông đã phải lòng một người đàn bà một con, bị chồng hắt hủi. Từ đầu cho đến cuối vở diễn, NSƯT Thành Lộc nói giọng Bắc, nói nhanh và nói rất nhiều. Với một người nói chuẩn giọng Nam suốt hơn 60 năm cuộc đời, thì việc phải nói giọng Bắc từ đầu đến cuối vở diễn là một thử thách. Thế nhưng, Thành Lộc đã làm được. Nếu không nhìn mặt diễn viên thì khán giả sẽ không biết giọng nói ấy của Thành Lộc mà nghĩ rằng đó là một người đàn ông miền Bắc sống trong Nam lâu nên giọng có pha chút âm hưởng miền Nam. Điều này thì hợp lý với lịch sử nhân vật.
Về diễn xuất, trong phần sau của câu chuyện, tâm lý nhân vật được NSƯT Thành Lộc miêu tả đặc sắc. Tâm trạng người cha vì tình thương đã nuôi nấng, yêu thương con của người khác và cảm giác sợ hãi khi phải đối diện với cảnh đứa con quay về với cha ruột được Thành Lộc thể hiện một cách đầy xúc động. Sự giằng xé nội tâm giữa việc nói dối và sự thật về thân phận đứa con là một trong những tình huống cảm động nhất trong vở diễn.
Hoàng Trinh đóng vai cô Hai Hương, người góa phụ giàu và có hai cô con gái. Cô đã dại dột nhận lời làm vợ người đàn ông nhẫn tâm bỏ vợ là Võ Như Bình. Khi biết ra sự thật, Hai Hương đau đớn tột cùng. Hoàng Trinh đã hóa thân vào nhân vật đầy cảm xúc. Những giọt nước mắt của cô khiến khán giả khóc theo vì cảm thấy cuộc đời Hai Hương khổ đau không kém gì người vợ bị ruồng bỏ.
Trong khi đó, Lương Thế Thành vào vai phản diện trong vở này. Ở phần đầu, nhân vật của anh thể hiện có phần đểu cáng nhưng ở phần sau thì tỏ ra đáng thương. Khi hóa thân vào nhân vật, Lương Thế Thành cũng đã rớt những giọt nước mắt hối hận vì cái nghiệp mà mình gây ra.
Trương Hạ đã xuất hiện trên sân khấu được một thời gian nhưng chưa tạo dấu ấn đặc biệt. Nhưng trong vở này, trong tình thế đứng giữa cha nuôi và cha ruột, nam diễn viên trẻ đã lột tả ấn tượng sự giằng xé của nội tâm nhân vật. Hương Giang trong vai bà ngoại tuy xuất hiện ít nhưng có tình huống cảm động. Phương Dương và Phi Phụng rất duyên dáng trong tính cách nhân vật mà họ vào vai...
NSƯT Hữu Châu giữ vai trò đạo diễn nên đóng vai nhỏ, nhưng đây là nhân vật kết nối hai nhân vật tạo ra câu chuyện. Hữu Châu vẫn luôn cảm xúc trong vai lão nông hồn hậu. Tuy nhiên, vai diễn này không thể sánh với vai nghệ sĩ già của anh trong Giáng Hương.
Nhìn chung, câu chuyện Duyên thệ rất mộc mạc, hồn hậu theo phong cách miền Nam. Nó mang mác buồn nhưng thấm đẫm tình người. Đặc biệt, những giọt nước mắt lăn trên má của các diễn viên đều là những giọt nước mắt rất đẹp của cảm xúc.