Sáng qua, ngày 29.7, NSƯT Hữu Châu đã có buổi nói chuyện cùng học trò tại Sân khấu Kịch Minh Nhí về đời, về nghề như một cách "tiếp lửa" cho thế hệ sau.
NSƯT Hữu Châu nói: "Danh xưng "ngôi sao" mà báo chí bây giờ vẫn gọi làm cho người ta tự cao tự đại. Ngày xưa, chỉ có đào chính đào phụ, kép chính kép phụ, cao nhất là nghệ sĩ. Ai được gọi nghệ sĩ là vui sướng lắm.
Nguyên một vở kịch là sản phẩm chung, thành quả chung của tất cả mọi người. Đào chính mà không có đào phụ thì diễn không được. Dàn bao càng giỏi thì đào chính càng lên. Bởi vậy, riêng với nghề này, đừng bao giờ ngạo mạn!
Cỡ tôi giờ ngạo mạn được không? Được chứ! Nhưng nếu tôi ngạo mạn, khi người ta cần, buộc lòng họ phải chấp nhận cái tính tình đó nhưng chỉ được một lần thôi. Ngoài Hữu Châu ra, thiếu gì người đóng vai đó được. Sau đó, không ai muốn mời mình nữa.
Nghệ sĩ Hữu Châu rất được học trò yêu quý và kính trọng.
Đi cái nghề này phải nhớ, làm cái gì cũng phải để cho người ta thương, để tiếng tốt ở lại để khi có vai, người ta mời mình nữa.
Mình có ăn có học thì phải hiểu, đừng chảnh chọe. Tính tình tôi sởi lởi vui vẻ lắm nhưng quay phim chung với tôi, lần thứ nhất, lần thứ hai cà chớn tôi bỏ qua nhưng lần thứ ba là tôi cất lại. Để tới lần thứ ba, không phải tôi nóng chửi đâu mà nhà sản xuất phải tới năn nỉ tôi mới làm việc lại với người đó.
Sừng sững như cô Kim Cương, bà Thanh Nga... người ta còn không chảnh chọe, mắc mớ gì mình chảnh. Người ta càng bình dân, giản dị, gần gũi bao nhiêu càng đôn lên vẻ sang trọng bấy nhiêu.
Không phải người ta ngồi vỉa hè ăn chè thì cho là họ nghèo nàn. Nhìn hình ảnh đó phải càng thấy quý họ hơn.
Dĩ nhiên, tiền của mình, mình được quyền ngồi nhà hàng, ăn đồ ngon nhưng không phải lấy cái đó để trưng diện trước mặt khán giả, cho thấy ta đây sang trọng.
Đừng quan niệm thế!
Được một người bạn tốt, được một người anh tốt, được một người giúp đỡ thì phải biết trân quý, đừng để mất!
Mỗi một hành động nào trong nghề này, ông Tổ đều thấy hết. Ông thiện ông ác hai vai cũng thấy hết. Vấn đề là trả sớm hay trả trễ thôi.
Tổ nghề mình linh lắm. Buồn cái gì cứ đứng bên hông ông Tổ tâm sự, ngay cả tình yêu hay chuyện gia đình. Ông Tổ sẽ cho mình gỡ ra dần dần.
Tôi buồn cái gì thường không nói, tôi thắp nhang, vuốt bên hông Tổ rồi vuốt lên đầu mình, vuốt lên lòng mình, tới chiều là quên hết.
Mỗi ngày mình chỉ hát chừng 3 tiếng cho Tổ coi. Có nhiêu đó mà làm không được thì lấy gì ăn? Nhiệm vụ của các con bây giờ là học, rèn luyện nghề. Một ngày các con học 3 tiếng mà còn làm biếng không nghe, ngồi bấm điện thoại thì làm sao làm diễn viên được.
Làm diễn viên không dễ đâu. Đừng tưởng đi quay nhiều thì là diễn viên. Càng xuất hiện nhiều càng để người ta chán. Nhất là các lứa diễn viên càng ngày càng đẹp lên.
Hồi xưa. thế hệ của tôi đã được các tiền bối khen "trời ơi, diễn viên sau này tụi nó đẹp quá" nhưng dưới tôi còn đẹp hơn. Xuống dưới nữa thì Lương Thế Thành, Huy Khánh, Quỳnh Anh... ai cũng đẹp. Dưới đó lại đẹp hơn nữa như Issac, Liên Bỉnh Phát...
Vậy thì cái để mình tồn tại trong nghề này khi nhan sắc không bằng người ta là gì? Đó là phải giỏi nghề, giỏi diễn xuất. Chỉ có điều đó mới bắt buộc người ta cần mình. Mà muốn giỏi nghề thì bắt buộc mình phải tập. Nghề này không tập không được".
Nguyễn Hương/Tri Thức Trẻ ghi