Nhà nghèo cũng ráng trang hoàng tươm tất hoa quả cho đầy đủ. Bây giờ có ăn có mặc, ai cũng muốn thể hiện lòng biết ơn đối với người xưa trong ngày Tết. Ngoài ra, một số người có tín ngưỡng tôn giáo còn thờ cúng các vị cao nhất của tôn giáo đó. Có một số tục lệ thờ cúng mà nhiều người ngày Tết ai cũng thờ cúng hương đăng hoa quả nhưng khi hỏi thì ít ai hiểu và giải thích được.
Thứ nhất, đó là tục lệ thờ thần Tài. Người Việt và người Hoa đều có thờ thần Tài, nhưng thần Tài là ai, vì sao phải thờ vị này có mấy người biết?
Ngày nay người Việt, người Hoa có buôn bán làm ăn có thờ thần Tài. Phổ biến hơn, phần lớn người dân từ thành thị tới nông thôn đều có thờ thần Tài. Hỏi ra tại sao thời thần Tài, bà Nguyễn Thị Mai, một người buôn bán ở chợ Cần Thơ cho rằng: “Mình buôn bán muốn mua may, bán đắt thì phải thờ thần Tài. Vì thần Tài là thần giữ tiền. Vì vậy, thờ cúng hương đăng hoa quả hằng ngày để ngài phò hộ làm ăn mau giàu sang”. Hỏi nhiều người thờ thần Tài đều có mong ước và suy nghĩ tương tự khi họ thờ cúng vị thần này.
Vậy, thần Tài ngài là ai? Sách “Bí ẩn về truyền thuyết hư thực của các danh nhân” do tác giả Dương Thu Ái và Nguyễn Kim Hạnh sưu tầm và biên soạn có viết: “ Thần Tài còn gọi là Tài thần, là một vị thần có nhiệm vụ bảo vệ cho mọi người làm ăn được giàu có, phát đạt, làm những điều phù hợp với tâm nguyện con người…”. Từ thời cận đại đến nay, yếu tố tư bản tăng nhiều, con người tăng cường làm ăn, mong giàu có, tích tụ nhiều của cải, vì vậy việc thờ thần Tài ngày một nhiều hơn, quy mô hơn. Nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm vàng, hiệu buôn... của tư nhân, bàn thờ thần Tài ngày một trang hoàng rực rỡ từ đồ thờ cúng cho đến đèn màu lung linh.
Cũng theo sách nêu trên, trong bài “Thần Tài là ai mà mọi người kính thờ?” cho rằng, có nhiều truyền thuyết về thần Tài và nhiều người khác nhau được người Trung Hoa coi là thần Tài. Thứ nhất đó là Triệu Công Minh, xưng là Chính nhất Huyền Đan, thường cỡi hổ đen, gọi là Võ Thần Tài. Ở phương Bắc có Tỉ Cang, Quan Đế, còn gọi là Văn Thần Tài và Võ Thần Tài. Ngoài ra, còn có Ngũ Lộ Tài Thần, tăng Phúc Tài Thần, Chiêu Tài Thần… cũng được thờ gọi là thần Tài.
Như vậy, ngay cả người Trung Hoa, việc thờ cúng thần Tài có nhiều nhưng ai là thần Tài vấn đề còn rất mơ hồ. Phần lớn chỉ có ý nghĩ đó là thần may mắn, thần giữ tiền.
Còn một việc thứ hai đó là việc cúng mùng ba con gà luộc, vàng bạc, muối gạo, bánh mứt. Cúng vào lúc chưa hừng đông sáng mùng 3. Đó là một phong tục phần lớn người Việt Nam ở nông thôn, thành thị đều có cúng. Tuy nhiên, khi hỏi cúng mùng 3 là cúng ai, thần gì? Tại sao phải cúng mùng 3 bằng con gà luộc… thì ít có lý giải thỏa đáng. Ngày trước tôi ở quê, năm nào nhà tôi cũng cúng mùng 3. Tôi hỏi ba tôi cúng mùng 3 là cúng thần nào? Ông cho rằng: “Ngày 30 tết mình rước ông bà, thì ngày mùng 3 mình cúng đưa ông bà.
Ngoài ra, cúng mùng 3 còn một việc rất quan trọng là lựa mua con gà trống cho tốt, có bộ giò đẹp. Quan trọng hơn, khi luộc gà phải xem đôi giò gà. Năm nào giò gà tốt, no tròn, các ngón chân gà chụm lại. Mạch máu chân gà tươi hồng, trong nồi chân gà no tròn, năm đó làm ăn phát đạt, bằng ngược lại thì xấu. Nhiều người còn tin dị đoan mang chân gà cúng mùng 3 cho thầy bói đoán may rủi…”. Tuy nhiên, ba tôi cũng khẳng định: “Cúng gà mùng 3 là một tục lệ tốt. Vì hoàn tất tết vui vẻ ăn gà cho ngon để bắt đầu một năm mới, còn xem bói chân gà là một hủ tục xấu, cần loại bỏ”.
Như vậy, xem ra, những phong tục thờ cúng bên cạnh những yếu tố niềm tin và thói quen vẫn có nhiều điểm hay, chính vì vậy, dù có biết tường tận hay bắt chước làm theo vẫn có nhiều điểm tích cực nên các phong tục thờ cúng thường lưu truyền từ đời này sang đời khác.