Có thể nói chưa có vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nào ở Việt Nam mà có thời gian kéo dài kỷ lục như vụ tranh chấp giữa ông Lê Phong Linh và Cty Phan Thị về quyền sở hữu trí tuệ 4 nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Cuộc chiến pháp lý tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa họa sĩ Lê Linh (tên thật Lê Phong Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (GĐ Cty Phan Thi) kéo dài 12 năm bất phân thắng bại
Hai bên sẽ tiếp tục đối mặt trong phiên xử phúc thẩm vào ngày 12.6 tới đây theo quyết định số 224/DSPT của TAND TP.HCM.
Về phiên phúc thẩm vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa ông Lê Phong Linh và công ty Phan Thị, quyết định số 2135 của TAND TP.HCM viết: “Căn cứ vào các Điều 48 và Điều 289 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015; Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 224/DSPT, TAND TP.HCM ra quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa các đương sự”.
Bốn nhân vật chính của bộ "Thần đồng đất Việt"
Như Một Thế Giới đã thông tin trước đó, Thần đồng Đất Việt là một bộ truyện tranh thiếu nhi nhiều tập được xuất bản tại Việt Nam. Tập truyện đầu tiên mang tên Pháp sư gọi bưởi được NXB Trẻ phát hành ngày 16.2.2002. Ban đầu tác phẩm được thực hiện bởi tác giả Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và Công ty Phan Thị.
Theo xác minh, từ năm 2001 tới 2006, họa sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị hợp tác phát hành bộ truyện Thần đồng đất Việt. Sau đó ông Lê Phong Linh cùng với bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) đứng tên đăng ký quyền tác giả cho bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Tháng 5.2002, Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả là ông Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh, quyền tài sản (các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm…) thuộc về Công ty Phan Thị.
Thần đồng đất Việt phát hành đến tập thứ 78 thì họa sĩ Lê Linh quyết định ngưng cộng tác với Phan Thị. Các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn tiếp tục ra đời nhưng không đề tên tác giả, họa sĩ là ai.
Năm 2007, Lê Linh phát hiện trong hồ sơ đăng ký bản quyền với Cục bản quyền tác giả, bà Mỹ Hạnh được ghi là đồng tác giả với ông Lê Phong Linh. Vì thế ông Lê đã gửi đơn kiện lên TAND TP.HCM yêu cầu tòa xử ông là tác giả duy nhất của các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo.
Năm 2008, sau 3 lần hòa giải không thành, vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử thì được phát hiện không thuộc thẩm quyền của TAND TP.HCM. Sau đó, vụ án được chuyển xuống TAND Q.1 thụ lý.
Ông Lê Phong Linh (giữa) tại phiên tòa sơ thẩm tháng 2.2019
Sau 3 lần hòa giải không thành công, vụ án bị đình lại, ông Lê Linh đã gửi đơn khiếu nại lên TAND Tối cao, trong thời gian đó, công ty Phan Thị vẫn tiếp tục sáng tác các tập tiếp theo.
Năm 2015, vụ kiện một lần nữa lại được tòa an thụ lý nhưng vẫn không được mang ra xét xử.
Năm 2016, Bộ Văn hóa thành lập Trung tâm giám định quyền tác giả, Lê Linh yêu cầu tòa án trưng cầu giám định để xác định anh hay bà Hạnh là tác giả duy nhất.
Năm 2018, TAND Q.1 bắt đầu mang vụ kiện ra xét xử, nhưng sau 4 lần triệu tập phía bị đơn là Phan Thị lại vắng mặt.
Ngày 28.12.2018, TAND Q.1 quyết định xử phiên sơ thẩm nhưng lại hoãn vì phía Phan Thị lại vắng mặt.
Ngày 18.2.2019 tại phiên sơ thẩm TAND Q.1 TP.HCM đưa ra phán quyết công nhận ông Lê Phong Linh là tác giả duy nhất của 4 nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Qua đó tòa buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trên các biến thể khác.
Phiên sơ thẩm ngày 18.2.2019 TAND Q.1 TP.HCM tuyên xử ông Lê Phong Linh thắng kiện
Tòa buộc Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên 2 tờ báo; buộc Phan Thị phải thanh toán chi phí 15 triệu đồng chi phí luật sư cho ông Lê Linh. Buộc Phan Thị phải xin lỗi họa sĩ Lê Linh.
Ngay sau khi kết thúc phiên sơ thẩm, người đại diện pháp lý cho công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã kháng án. Phan Thị đã gửi đơn kháng lên TAND TP.HCM, yêu cầu tòa xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ phán quyết của phiên xử sơ thẩm mà TAND Q.1, TP.HCM đã tuyên ngày 18.2.2019.
Phiên phúc thẩm sẽ được TAND TP.HCM đưa ra xét xử vào ngày 12.6 tới đây.
Tiểu Vũ