"Chúng tôi đang lập vi bằng, có 32 quyển sách giả, sách in lậu dù là bản quyền của First News được bán trên Shopee. Ngay sau lập vi bằng, chúng tôi sẽ khởi kiện và làm đến cùng vụ việc này" - ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc First News, nói với Tuổi Trẻ Online chiều 7-1.
Theo ông Phước, sách bản quyền của First News và nhiều nhà làm sách khác được bán tràn lan trên sàn Shoppe nhiều năm qua. Đơn vị đã mua các sách giả, cùng luật sư tiến hành lập vi bằng để khởi kiện Shopee.
Các sách giả của First News mua trên Shopee lần này gồm 32 quyển, trong đó có Trở về từ cõi sáng, Osho - can đảm, Khác biệt hay là chết, Nghĩ giàu làm giàu…
Đại diện First News cho rằng Shopee đã để những cá nhân, đơn vị phát hành hợp pháp các sách in giả, in lậu, trái với pháp luật Việt Nam.
"Một nhà trọ mà cho người ta thuê để bán những thứ trái pháp luật thì nhà trọ đó cũng phải chịu trách nhiệm", ông Phước nói và cho biết các sách giả của hãng này được bày bán với giá chỉ bằng một nửa sách chính hãng.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp trong nhiều năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang.
Không khó để gặp tình trạng một thương hiệu thời trang nội địa đạt được doanh số lớn trên sàn sau thời gian dài đầu tư, nhưng chỉ chưa đến một tháng sau, các sản phẩm "nhái" đã nhanh chóng ra mắt dù không phải đại lý phân phối hay đơn vị ủy quyền của thương hiệu.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh T., một chủ thương hiệu thời trang phục vụ Gen Z, cho biết sau khi mở gian hàng chính hãng trên sàn, các mẫu mã của anh nhanh chóng bị sao chép và bán tràn lan với giá chỉ bằng 1/3.
Anh T. đã nhiều lần bị khách hàng phàn nàn và phải nhận hoàn lại sản phẩm không do mình bán.
"Chúng tôi bán bao nhiêu trên sàn, họ đều có cách biết để đoán nhu cầu. Sau đó, họ đặt hàng nhái rồi bán giá rẻ, làm hỏng thị trường", anh T. chia sẻ.
Tình trạng này còn diễn ra cả với các thương hiệu nước ngoài.
Đơn cử, nhãn hiệu giày Samba của Adidas có giá niêm yết chính hãng lên tới vài triệu đồng được rao bán trên Shopee với mức giá chỉ hơn 100.000 đồng.
Vì vậy theo anh T., các sàn cần có trách nhiệm trong việc kiểm soát hàng hóa niêm yết.
Trong lần trả lời phỏng vấn gần nhất với Tuổi Trẻ Online, đại diện Shopee Việt Nam, sàn có thị phần lớn nhất hiện nay, chia sẻ Shopee coi trọng vai trò trung tâm của người bán trong hệ sinh thái thương mại điện tử.
Đồng thời cam kết tạo ra môi trường kinh doanh cân bằng, đảm bảo lợi ích tối đa cho cả sàn, người bán, người mua và cộng đồng.
Trong khi đó, một thành viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng chủ sở hữu thương hiệu cần rà soát lại hoạt động của mình.
"Chuyện bị sao chép không mới trong thương mại điện tử và hầu như ai kinh doanh cũng từng trải qua. Người bán cần đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và đăng ký thương hiệu", đại diện VECOM nói.
Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường, số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử năm nay tăng hơn 260% so với năm ngoái, với khoảng 3.100 vụ được ghi nhận. Cơ quan này xác định năm 2025 sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên triển khai các biện pháp chống hàng giả trên thương mại điện tử, nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.