Nguyễn Thùy Trang (25 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đang là chủ của một tiệm hoa giấy nhỏ xinh. Tất cả những bông hoa giấy trong tiệm đều tự tay Trang gấp.
Trang cũng được biết đến như là một người truyền cảm hứng cho những người mắc bệnh xương thủy tinh vượt qua nghịch cảnh để vươn lên. Rất nhiều lần, Trang đã xuất hiện trên sóng truyền hình để chia sẻ về câu chuyện của mình, cô gái cũng nhận được nhiều giải thưởng dành cho phụ nữ.
25 tuổi, nhưng Trang chỉ cao chưa đến 90cm và nặng chưa đến 25kg. Tay chân cô gái cũng nhiều đoạn biến dạng vì di chứng của những lần gãy xương. Xe lăn là vật dụng luôn bên Trang từ sáng đến tối.
Trang chia sẻ, hồi bé xương cô thường xuyên bị gãy, có khi vận động nhẹ nhưng gãy xương sườn, phải nằm im vài tháng. Vì nhà nghèo, đến 5 tuổi ba mẹ mới có tiền đưa cô đi khám, lúc này Trang mới biết mình mắc và phải sống với bệnh xương thủy tinh suốt đời.
"Tôi không nhớ, nhưng có lẽ không còn chiếc xương nào chưa bị gãy. Dù rất cố gắng tự làm mọi thứ có thể, nhưng gần như mọi hoạt động tôi đều cần người giúp.
Có một thời gian, tôi rất bi quan và khủng hoảng tâm lý, thấy mình là gánh nặng của người xung quanh. Tôi sợ những ánh mắt dò xét, kỳ thị đến từ những người xa lạ", Trang kể.
Căn bệnh đã lấy đi của Trang gần như tất cả, cô gái mất tuổi thơ, không bạn bè, không trường lớp. Thế nhưng những cơn đau triền miên đã phải chịu thua nghị lực, Trang vẫn kiên cường, cố gắng.
Cô gái nói rằng "buồn hoài thì được gì, sao lại không nghĩ về những người yêu thương mình để vui".
Không thể đến trường, Trang ở nhà học đọc, học viết. Không thể đi xa, cô gái tập nhìn cuộc đời qua sách báo, Trang đã tậu cho mình một tủ sách đồ sộ với nhiều thể loại.
"Sách đưa tôi đi khắp nơi, gặp nhiều người và kể cho tôi những tấm gương nghị lực", Trang nói.
Trang kể, từ bé cô đã muốn trồng một vườn hoa cho mình. Thế nhưng ngồi trên xe lăn, cô đành bất lực.
Mãi đến năm 17 tuổi, thấy sức khỏe có phần cải thiện, Trang tự tin hơn và quyết định bắt đầu vun trồng vườn hoa của mình. Vẫn phải ngồi trên xe lăn nên chẳng thể ra vườn cuốc đất, cô chọn "trồng hoa giấy" vì không sợ tàn và dễ chăm sóc.
Thế nhưng hoa giấy cũng chẳng dễ "trồng", Trang kể, thời gian đầu, chỉ cầm kéo cắt một lúc thì tay đã đau và mỏi nhừ, một ngày không làm ra nổi bông hoa. Có những khi Trang đã phát cáu vì sự vụng về của mình.
Nhưng rồi với tinh thần không bỏ cuộc, đến năm 20 tuổi cô gái xương thủy tinh cũng làm hoàn thiện được chậu hoa giấy đầu tiên.
Từ năm 2019-2020, Trang đã làm được rất nhiều hoa giấy, trưng bày kín căn phòng nhỏ của mình. Trong thời gian đó, cô gái cũng đăng lên mạng xã hội chào hàng để bán sản phẩm.
"Sau một năm chào hàng tôi mới bán được bó hoa giấy đầu tiên với giá 50.000 đồng. Cảm xúc đi từ hụt hẫng vì không ai ngó ngàng đến vui sướng khi kiếm được khoản tiền đầu tiên trong đời", Trang xúc động nhớ về chuyện xưa.
Kiếm được tiền, Trang tự tin và càng cố gắng. Cô không ngừng cập nhật thông tin, học hỏi để sản phẩm ngày càng tinh tế.
Cô gái xương thủy tinh nói rằng chỉ cần khách đưa mẫu hoa thật thì cô lập tức hình dung ra cách làm hoa giấy. Đến nay cô đã làm được hơn 50 mẫu hoa khác nhau. Cứ khoảng 3 ngày, Trang lại hoàn thiện một chậu hoa, tùy kiểu cách mà giá bán cũng đa dạng.
"Hàng thủ công cần cái hồn của sản phẩm, nên mỗi một bông hoa đã có một câu chuyện rất riêng, người làm hoa cũng vậy. Tôi luôn cố gắng để khách quay lại vì sản phẩm đẹp, chứ không phải vì lòng đồng cảm.
Có lẽ giây phút hạnh phúc nhất của tôi là những lúc khách nhắn tin nói về sự hài lòng. Cảm ơn những vị khách đã luôn yêu thương và ủng hộ tôi", Trang nói.
Thông qua những hội nhóm của người mắc bệnh xương thủy tinh, Trang quen rồi thân với 4 cô gái cùng hoàn cảnh ở nhiều tỉnh thành. Trang chia sẻ với bạn cách làm hoa giấy, rồi đề xuất cả 5 người cùng lập cửa hàng online bán đồ thủ công.
Ý tưởng của cô nhanh chóng được mọi người đón nhận. Mỗi người mỗi việc, tùy sở trường để cùng vận hành cửa hàng hiệu quả.
"Mỗi thành viên đều đã có mặt hàng riêng, người có hoa, người có tranh nên khi kết hợp thì mặt hàng càng phong phú, khách thoải mái lựa chọn hơn. Cửa hàng đang hoạt động tốt, các thành viên đều chuyển biến tâm trạng tốt, suy nghĩ tích cực và cuộc sống cũng tốt hơn", Trang cho biết.
Khi cuộc sống dần tốt lên, Trang càng muốn chia sẻ câu chuyện của mình để tạo động lực cho những người cùng hoàn cảnh. Trang cũng thường xuyên làm các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người khó khăn.
Trang kể rằng cô đã tích cực tham gia nhiều cuộc thi, nhiều chương trình. Qua những lần xuất hiện trên báo đài, Trang muốn nói với mọi người rằng "Hãy vượt qua mặc cảm và sợ hãi, vươn lên để tự tạo niềm vui cho mình thay vì chờ từ ai đó".
Theo Trang, những người yếu thế muốn được yêu thương chứ không phải được thương hại. Cô tin tất cả những người khuyết tật đều mang trong mình sức chịu đựng và nghị lực rất lớn, đều xứng đáng có một cuộc đời thật đẹp.
"Dám sống! Chấp nhận chính mình kể cả những khiếm khuyết", Trang nói.
Hiện Trang đang là trưởng nhóm thiện nguyện có tên "Thấu hiểu để yêu thương". Thành viên của nhóm cùng nhau quyên góp tiền để hoạt động mà chưa kêu gọi cộng đồng.
Trang là người trực tiếp xác minh hoàn cảnh để lên danh sách hỗ trợ. Quà luôn được trao tận tay những hoàn cảnh khó khăn với đong đầy yêu thương.
Ảnh: Nhân vật cung cấp