"Chỉ người trong cuộc mới hiểu"?
Ngày 23/9, mạng xã hội không ngừng chia sẻ clip về một buổi đào tạo với dòng trạng thái "Cả hội trường khóc nấc khi những thành viên thiếu nỗ lực, thiếu KPI bị siêu chủ tịch búng dây thun" (KPI tạm dịch là chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc).
Clip quay cảnh một số phụ nữ ăn mặc sang trọng đứng trên sân khấu, một người dùng tay liên tục kéo căng nhiều dây thun (còn gọi là dây chun) đang đeo ở cổ tay 2 người đối diện rồi bật thật mạnh.
Vừa kéo dây thun, người này vừa lớn tiếng đặt câu hỏi tại sao hội nhóm của người kia "không trung thực".
Một cô gái khác vừa hứng chịu thử thách, vừa bị nhận xét là "không xứng đáng làm người đứng đầu", "không nỗ lực"… Cổ tay hai cô gái ửng đỏ và biểu cảm gương mặt cho thấy họ khá đau đớn, thậm chí đã khóc nấc lên.
Sau màn bắn thun, cả ba ôm động viên nhau và cùng khóc. Nhiều người trong hội trường cũng không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh này.
Clip khi chia sẻ trên các nền tảng đã nhận về nhiều tranh cãi. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên, không hiểu ý nghĩa của hành động bắn thun "đào tạo" nhân viên của cấp trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, một trong hai cô gái xuất hiện trong clip tên là Trần T. T. là người kinh doanh mỹ phẩm theo một hệ thống. Chia sẻ về clip đang gây sốt mạng xã hội, Trần T. cho biết: "Đây là chuyện bình thường trong đào tạo hệ thống, nhưng cộng đồng mạng đang nghĩ theo hướng tiêu cực và dùng những lời lẽ chửi rủa rất nặng nề. Nhiều người cho rằng chúng tôi điên rồ, đang lôi nhau ra hành hạ nhưng thực chất đây chỉ là thử thách của những người tham gia đào tạo".
T. chia sẻ, clip được quay trong buổi cô tham gia đào tạo hệ thống tại Hà Nội. Sau khi tham gia một trò chơi, đội nhóm của cô bị thua do phát hiện có người không trung thực. Là người đứng đầu nhóm, T. phải lên chịu phạt.
Việc nhiều sợi dây thun được kéo với lực mạnh rồi bật trở lại vào tay khiến T. rất rát và đau đớn. Tuy nhiên, theo T., mục đích của thử thách bắn dây thun là nhằm để cho các nhân viên trong đội hiểu được khi mình làm sai thì thủ lĩnh của mình sẽ là người chịu phạt, từ đó để các thành viên biết đồng cảm, chia sẻ với lãnh đạo của mình.
"Đây là một bài học chỉ những người kinh doanh hệ thống mới hiểu. Qua đó, mọi người sẽ thấy nỗi đau về thể xác dù rất đáng sợ nhưng là nỗi đau dễ nguôi ngoai. Nhưng có nỗi đau còn lớn hơn đó là sự thiếu nỗ lực, thiếu trung thực… và người lãnh đạo sẽ là người chịu trận", cô gái này nói.
Cũng theo cô gái này, khi tham gia các chương trình đào tạo hệ thống, có những thử thách còn đáng sợ hơn nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vượt qua. "Đây là những thử thách hết sức bình thường mà những ai kinh doanh hệ thống mới hiểu", cô cho hay.
Phóng viên Dân trí cố gắng liên hệ với người được cho là trực tiếp bắn dây thun vào nhân viên cấp dưới trong clip nhưng người này không bắt máy.
Chuyên gia kinh tế: Phương thức đào tạo không phù hợp!
Thời gian gần đây, một số đơn vị, nhãn hàng kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng bán hàng theo hệ thống thường tổ chức các buổi đào tạo thủ lĩnh, truyền đạt kinh nghiệm bán hàng, tăng doanh số… Các buổi đào tạo áp dụng những cách thức gây xôn xao như cõng nhau giẫm lên cành hoa hồng, bắn thun vào cổ tay…
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, việc giẫm lên cành hoa hồng, bắn thun vào tay… không phải là phương pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như nâng cao ý thức về nghề nghiệp hoặc sự cố gắng.
"Những thử thách này chỉ làm tổn thương lòng tự trọng và ý chí tự tôn của người tham gia vào quá trình đào tạo, chứ không liên quan đến hoạt động của cá nhân hay quá trình kinh doanh của một đơn vị. Tôi thấy đó là phương thức đào tạo không phù hợp, hạ thấp nhân phẩm của người khác", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, trong nhà trường khi dạy về kinh doanh, bán hàng không bao giờ dùng những phương pháp này. "Có nhiều cách để làm cho người kinh doanh thay đổi, tăng cường nhận thức của bản thân với công việc, nâng cao trách nhiệm bán hàng. Tuy nhiên, không ai áp dụng cách đào tạo phản cảm này", vị chuyên gia nói.
Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, một thủ lĩnh, một nhân viên bán hàng giỏi là người biết tổ chức quản lý, biết cách thức tiếp cận với người mua, có khả năng nắm bắt sở thích người tham gia vào hoạt động mua bán. Đây là những yếu tố quan trọng nhất.