Đạo diễn William Joyce đã tạo ra bộ phim hoạt hình ngắn nổi tiếng "Cuốn sách bay thần kỳ". William đã sử dụng trí tưởng tượng phong phú của mình để giải thích tác động của sách đối với con người. Khi đọc sách, thế giới trở nên đầy màu sắc và thú vị. Nhưng một khi không có sách, cuộc đời giống như gặp phải một thảm họa và rơi vào bóng tối vô tận.
Một nhà sử học người Trung Quốc từng nói: Đọc sách giúp ta có được khả năng phán đoán thế giới. Mối quan hệ của bạn với sách là mối quan hệ của bạn với thế giới.
01
Đọc sách mở ra cánh cửa đến với thế giới
Triết gia nổi tiếng người Trung Quốc, Trần Gia Ánh, khi nhớ lại những ngày còn du học ở Mỹ, điều ông nhắc đến nhiều nhất là buổi bán sách cũ do trường tổ chức hàng năm.
Khi đó, ông sẽ xếp hàng trước cửa từ sáng sớm, kiễng chân lên nhìn hàng ngàn cuốn sách trong cửa hàng.
Cửa vừa mở, tất cả mọi người ùa vào và lấy bất cứ cuốn sách nào tìm được, bất kể thể loại, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, tôn giáo...
Bản thân Trần Gia Ánh cũng vậy, sách nào ông cũng muốn đọc, cuốn nào cũng khiến ông tò mò.
Ông nói: Vào thời điểm đó, đọc sách là nguồn gốc của hầu hết mọi kiến thức, nhưng nó còn cho người đọc nhiều hơn cả kiến thức. Chúng ta đọc sách để duy trì độ cao tinh thần, chống lại sự thiếu hiểu biết và tìm ra chân lý.
Đọc cuốn "Thời đại hình ảnh" (tạm dịch), ông tìm hiểu về những thay đổi của hình ảnh trong lịch sử phát triển của loài người, từ tranh giấy, chụp ảnh bằng máy ảnh, đến việc sử dụng máy tính, điều này đã mở rộng kiến thức của ông rất nhiều.
Ông đọc lịch sử toàn cầu, du hành ngược thời gian hai nghìn năm trước, đến thăm những tàn tích cổ xưa ở Trung Đông và rừng rậm Mỹ, chứng kiến sự kỳ diệu của Vụ nổ lớn (Big Bang) và khám phá sự bí ẩn của cấu trúc xoắn kép...
Vị triết gia này đắm mình trong biển sách, ông vẫn giữ thói quen đọc sách cho đến ngày nay.
Ông đã hơn một lần nhấn mạnh rằng việc đọc sách đã loại bỏ sự ngu dốt và hời hợt của ông.
Một giáo sư khi miêu tả việc đọc sách đã nói như sau: Trong cuộc đời này, dùng phép ẩn dụ của Plato, chúng ta đang bước trên hành trình bước ra khỏi hang động.
Chúng ta hi vọng nhìn thấy ánh sáng của lửa và mong đợi một loại sức mạnh nào đó dẫn dắt chúng ta đi khám phá thế giới bên ngoài.
Và việc đọc chính là tia sáng đó, là sức mạnh đó.
Nó cho phép chúng ta thoát khỏi định kiến của thời đại và sự hẹp hòi của chính mình, để không sống trong sự hoang mang.
Sống trong một căn nhà thuê chật chội, ngay khi mở tập bản đồ ra, bạn đã bước vào con đường đến một nơi xa xôi.
Bạn bận rộn làm việc mỗi ngày, giây phút bạn bắt đầu đọc sách trước khi đi ngủ là đang mở ra một cuộc sống khác.
Càng lớn tuổi, cơ hội để học tập càng ít, nhưng sách, những người thầy giỏi nhất, truyền đạt trí tuệ hàng ngàn năm của nhân loại cho chúng ta.
Những người không đọc sẽ bị mắc kẹt trong thời gian và không gian, những gì họ nhìn thấy trong mắt và những gì họ nghĩ trong lòng chỉ là những chuyện trước mắt.
Đọc một cách khiêm nhường, sự rộng lớn của thế giới sẽ bày ra trước mắt chúng ta.
Một tác gia từng nói: "Một thiên tài sở hữu trí tuệ uyên bác, cả đời chỉ để lại được 8-10 cuốn sách. Những người bình thường như chúng ta chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn để đọc được những gì cô đọng nhất. Trên đời này không có gì đáng giá hơn."
Khi bạn cúi đầu đọc sách, suy nghĩ của bạn có thể bay cao, trao đổi tinh hoa suy nghĩ với các bậc hiền triết, khám phá những bí ẩn của cuộc sống cùng những nhà thông thái.
Nếu trên đời này có thuốc chữa bách bệnh cho sự thiển cận, vậy thì đó chính là đọc sách.
02
Đọc và thấy được con đường người khác đã đi
Một học giả nói: Đọc, đến cuối cùng là để chúng ta khoan dung hơn và hiểu thế giới phức tạp như thế nào.
Càng đọc, bạn càng hiểu được hoàn cảnh của người khác, chấp nhận những khác biệt của nhau và phát triển một cái tâm rộng mở, bao dung.
Tiêu Hồng, một nhà văn người Trung Quốc, lớn lên ở một ngôi làng nghèo hẻo lánh ở vùng Đông Bắc, và chứng kiến không ít bi kịch, người hại người.
Trong thị trấn nhỏ đó, có vô số tin đồn, vô số ánh mắt lạnh lùng, xung đột dưới đáy khiến người ta không dám nhìn thẳng vào, nhưng cũng không thể né tránh.
Những thực tế tàn khốc này khiến Tiểu Hồng không khỏi tự hỏi: Phải chăng cuộc sống chỉ là để làm hại người khác và sống trong đau khổ?
Càng nghĩ cô càng cảm thấy như đi vào ngõ cụt, càng nghĩ càng tuyệt vọng, khiến bản thân tràn đầy phẫn nộ.
Vào mùa hè năm 1920, Tiêu Hồng đi học tiểu học và lần đầu tiên tiếp xúc với sách.
Sau khi đọc một vài cuốn sách ngoại khóa, cô lập tức yêu thích việc đọc sách.
Khi đang học tại trường trung học, cô bắt đầu đọc các tác phẩm của Lỗ Tấn dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Cô đọc "Nhật ký người điên" và hiểu rằng nhiều bi kịch của con người là sản phẩm của thời đại; cô đọc "Chúc phúc" và hiểu rằng bản chất con người vốn dĩ rất phức tạp và đen tối.
Sau này, cô tìm hiểu về văn học nước ngoài như "Lịch sử văn học phương Tây", "Sử thi Homer", "The Odyssey", "Kinh thánh", "Hunter's Notes"... tất cả đều giúp cô hiểu sâu sắc hơn về bản chất con người.
Dần dần, cô không còn cảm thấy tức giận, cô bắt đầu hiểu về thế giới và trở nên khoan dung hơn đối với con người và nhân loại.
Sau khi nổi tiếng, có người khen cô có thiên phú trong văn chương, cô chỉ cười lắc đầu nói: "Chỉ là tôi đọc nhiều sách hơn thôi. Đọc sách khiến con người ta hiểu rõ mọi chuyện hơn."
Về điểm này, học giả đương thời Lương Vĩnh An cũng đồng tình sâu sắc.
Anh thừa nhận khi còn trẻ, anh không hiểu được bản chất con người. Anh giống như một thanh niên ngốc nghếch luôn nhìn thấy điều gì đó không ổn ở mọi người.
Sau đó, anh đọc cuốn "Tại nhân gian" (tạm dịch) của Gorky và lang thang theo bước chân của nhân vật chính trong cuốn sách.
Anh gặp những đầu bếp, những người thợ đốt lò, những cô gái biểu diễn, người hầu, thợ làm bánh... đủ loại người, một số thô tục, một số độc ác, một số dũng cảm, một số tốt bụng.
Sau khi đọc xong cuốn sách, Lương Dũng An bắt đầu nhìn nhận lại những người xung quanh và nhận ra rằng mỗi người đều có những hạn chế riêng.
Cũng giống như những người trong cuốn sách, mỗi người đều đang đấu tranh với số phận của chính mình, và tất cả họ đều đáng được cảm nhận và thấu hiểu.
Có người từng nói: Ý nghĩa của việc đọc là để hiểu người khác.
Đọc để giải quyết những nghi ngờ, không chỉ là những nghi ngờ về cuộc sống của chúng ta mà còn là những hiểu lầm của chúng ta về thế giới.
▽
Phó chủ tịch hội nhà văn Trung Quốc, Giả Bình Ao, nói: Nếu đã đọc sách, hãy đọc cho thấm, đọc để hiểu được sự rộng lớn của thế giới, hiểu được những khó khăn của cuộc sống và có sự hiểu biết về bản thân.
Người thiển cận học có được sự khôn ngoan từ sách; người buồn bã tìm được niềm an ủi từ sách.
Trước khi đi vạn dặm đường, chi bằng hãy đọc ngàn cuốn sách.