Như đã nói ở bài đầu, chèo ngấm vào người dân xứ bắc, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ như một lẽ tự nhiên. Có không ít người, cả già lẫn trẻ, mở miệng ra là có thể hát được cả bài chèo cổ dài dằng dặc, ngân nga a í a, í ì i, biết đủ làn điệu với những tên gọi khó nhớ như hồi văn, cách cú, sắp qua cầu, xẩm xoan, lới lơ… Cũng giống như món cải lương quen với người Nam Bộ vậy. Hồi tôi mới vào Nam, năm 1977, thỉnh thoảng trong đám đông đồng nghiệp hoặc bạn bè mới, thấy ai đó đứng lên góp vui văn nghệ ngâm mấy câu vọng cổ hoặc hát một trích đoạn cải lương khá dài, lúc đầu nghe phục lắm, sau chợt hiểu rằng “đất lề quê thói”, mỗi vùng một sản vật, một nét đặc trưng.
Miền Bắc nhiều chiếu chèo, mỗi “chiếu” mang dáng vẻ riêng, tuy nhiên hồn cốt chèo thì hầu như đâu cũng thế. Phải công nhận, giữa bao nhiêu chiếu chèo, vùng chèo, tỉnh chèo, huyện chèo, thậm chí cả xã chèo có tên có tuổi, thì nổi tiếng, lừng danh nhất là đất chèo Thái Bình. Ông anh tôi bảo rằng Thái Bình, vùng đất thuộc trấn Sơn Nam Hạ khi xưa, là tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có núi đồi, nhưng bù lại chèo của quê lúa này thì không đâu bằng. Nghe rằng đây chính là cội nguồn của chèo, nơi sản sinh ra chèo. Đoàn chèo tỉnh Thái Bình đi tới đâu làm rộn ràng sống động chỗ ấy. Được coi các diễn viên chèo Thái Bình diễn những vở kinh điển Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Nghêu Sò Ốc Hến… một lần thôi cũng đủ hả dạ, biết thế nào là chèo đặc sản, đẳng cấp, chèo chất lượng cao. Ấy, nói chuyện ngày xưa thì vậy, chứ bây giờ không biết thế nào, chả dám bàn.
Lại nhớ, hồi máy bay Mỹ mới ra đánh phá miền Bắc những năm 1964 - 1965, tôi chưa được mười tuổi, đang học lớp 4 trường làng. Một hôm đám trẻ cùng xóm rủ nhau kéo bộ sang tận xã Đại Hà cách gần 2 cây số để coi chèo. Có đoàn chèo nghiệp dư tư nhân, nhớ láng máng tên Bình Minh hoặc Ánh Dương chi đó (lâu quá quên) diễn vở Quan Âm Thị Kính. Vé vào cửa 1 hào. Diễn viên không chuyên, kiểu văn nghệ quần chúng, nhưng với đám khán giả nông thôn thèm khát coi nghệ thuật thì vẫn cứ hay. Nghệ sĩ hát trên sân khấu, khán giả bên dưới cũng í a ì a theo.
Sau này học lên lớp 8, trong sách Trích giảng văn học có hẳn đoạn trích cảnh “Nỗi oan giết chồng”, cô Thị Kính bị bắt quả tang. Tôi vẫn còn nhớ đoạn trò chuyện của đôi vợ chồng, anh chồng (Thiện Sĩ) thì “Nàng ơi, đã bao lần soi kinh bóng quế/Ta dùi mài đợi hội long vân/Đêm nay mỏi mệt tâm thần/Mượn kỷ này ta nghỉ lưng một lát”, xong thiu thiu ngủ. Cô vợ (Thị Kính) thương chồng, lại gần ngắm chàng, thấy sợi râu mọc ngược cho là điềm xui định lấy dao may vá cắt đi, dao vừa kề cổ, ai ngờ chồng choàng tỉnh kêu la. Bà mẹ chồng xông ra đay nghiến “cái con mặt sứa gan lim kia, gái bất nghì bà phó giả mẹ cha/ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo”, v.v.. Coi mà tức chết đi được.
Bà chị tôi xem xong thủng thẳng kết luận thế mới là oan Thị Kính. Vãn cuộc chèo, nghe đoàn thông báo đêm tiếp theo sẽ diễn vở Ngao Sò Ốc Hến. Tối hôm sau cả đám lại mò sang thì chỉ thấy sân hợp tác trống trơn. Người ta kể công an về bắt mấy người diễn chèo đi rồi. Về sau nghe đồn trong đoàn ấy có gián điệp, đội lốt diễn viên, lấy cớ đi đây đi đó biểu diễn để do thám các trận địa pháo, tên lửa. Chả biết có đúng không nhưng mất toi đêm Ngao Sò Ốc Hến.
Lần đầu tiên nghe nói gián điệp núp bóng diễn viên chứ lâu nay tinh chú mục cảnh giác vào mấy ông cắt tóc rong, hoạn lợn, mài dao, kẹo kéo, bán kem, đóng cối, mua đồng nát… mà công an nhắc thầm với dân chúng rằng rất có thể là quân do thám.
Vở chèo thứ 2 mà tôi được xem là Đường về trận địa, của cặp tác giả Hoài Giao - Tào Mạt. Không phải xem trên sân khấu mà phim, phim chèo. Nhưng hay phết. Thời ấy cái gì chẳng hay. Đại loại nội dung kể có anh bộ đội sắp vào B, được tạt qua nhà trước khi đi xa. Anh ấy trêu vợ, nói dối là đào ngũ bởi nhớ vợ quá. Cô vợ giận lắm, chỉnh cho một trận tơi bời (tất nhiên bằng các làn điệu chèo), rằng từ nay không tình nghĩa vợ chồng gì nữa, không thể nào thương cái thứ người hèn nhát B quay. Anh chồng hoảng quá, thú thực, cô nàng vẫn không tin. May sao có đồng đội về xác nhận, nàng bèn đổi giận làm lành, nhưng thời gian về phép đã hết, chàng lại lên đường, nàng bịn rịn tiễn đưa, hẹn ngày chiến thắng gặp nhau ca khúc khải hoàn.
Đám thanh niên nông thôn xem phim xong ớ mặt ra bảo nhau thương đôi này quá, có người còn thì thào đến khổ, chả kịp ngủ với nhau tối nào, ai bảo đùa làm chi cho phải tội… Chả riêng gì vở này, hầu hết văn chương sáng tác thời ấy đều thấm đượm chủ nghĩa anh hùng cách mạng như vậy.
Chèo bắc đã có nhiều thời vàng son lừng lẫy. Những cái tên Cả Tam, Năm Ngũ, Dịu Hương… ngày xưa từng sáng rực sân khấu. Về sau này, thế hệ sinh sau 1954 còn biết thêm về những nhà soạn chèo, những tác giả viết chèo, nhà nghiên cứu chèo danh tiếng như Trần Bảng, Hà Văn Cầu, Hồ Tăng Ấn, Hoài Giao, Tào Mạt...
Ông Trần Bảng là người đất Phòng quê tôi, ở xứ Vĩnh Bảo thuốc lào. Bố ông là nhà văn Trần Tiêu, bác ruột ông là nhà văn Khái Hưng, những người nổi tiếng của Tự lực văn đoàn trước năm 1945. Ông được coi như chuyên gia số 1 về chèo. Cứ nhắc tới chèo phải nghĩ ngay tới Trần Bảng. Ông có ông con giai là diễn viên, đạo diễn Trần Lực cũng nổi tiếng nhưng anh này chuyên về điện ảnh, không theo nghiệp của bố.
Một vị khác cũng danh xưng vang dội chiếu chèo là ông Tào Mạt. Tôi chưa được gặp ông Tào bao giờ nhưng mấy bạn tôi ở thủ đô rất biết ông. Một “trùm chèo” với nhiều vở nuôi sống các đoàn chèo, nhất là đoàn của Tổng cục Hậu cần bên quân đội. Một “tay” viết chữ Hán (thư pháp) giỏi đẹp ít ai bằng. Bộ ba vở chèo Bài ca giữ nước của ông Tào Mạt về các triều đại phong kiến chống ngoại xâm nâng ông vụt lên đỉnh Fanxipan chèo. Chỉ có điều, ông viết chuyện xưa tích cũ theo sử nhà nước, có những chỗ sai lệch nghiêm trọng so với nhiều nhân vật được minh oan sau này.
Một ông bạn tôi, nhà báo Từ Khôi, nhiều năm tìm hiểu công phu các sắc phong, chiếu biểu, các bản thần phả, gia phả, văn bia, hoành phi câu đối, các tư liệu về Trạng nguyên tể tướng Lê Văn Thịnh, vị “đỉnh giáp khai khoa” (người đầu tiên đỗ đạt cao nhất trong thi cử ở Việt Nam) thời Lý, đã nói rằng cụ Tào Mạt xây dựng nhân vật Lê Văn Thịnh sai hết, thậm chí còn mạt sát, bêu xấu một danh nhân công lao lừng lẫy với đất nước. Con cháu hậu duệ họ Lê (Văn Thịnh) còn định kiện vụ này nhưng sau thấy tiền nhân được lịch sử chiêu tuyết, phục hồi danh dự nên cũng bỏ qua.
Chuyện xa lân la chuyện gần. Cùng lớp tôi thời sinh viên có anh Nguyễn Huy Cờ người Hà Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang bây giờ). Anh là cán bộ phòng văn hóa đi học nên lớn tuổi và chững chạc lắm, không bắng nhắng linh tinh như đám phổ thông nứt mắt. Đặc biệt anh Cờ rất am hiểu, giỏi về chèo và quan họ, hai món đặc trưng của văn hóa Kinh bắc. Anh làm luận văn về chèo, đạt điểm giỏi. Ra trường, anh Cờ về quê nhà, vẫy vùng trong cái nôi văn hóa cổ xưa, dày dặn nhất miền Bắc.
Nguyễn Huy Cờ là tác giả của hơn chục vở chèo, viết về Hoàng Hoa Thám, Ỷ Lan, Tấm Cám, về những cô gái quan họ, làng quê sông Đuống, những nhân vật lịch sử, danh nhân xứ này. Cái con người nhỏ nhẹ hiền lành ấy là cả pho kiến thức về đời sống và văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Thế mà cứ mỗi lần gặp nhau, đám láu táu chúng tôi lại bá vai bá cổ với ngài, thật chẳng biết lễ phép, trên dưới là gì. Được cái, ngài danh tướng chèo Huy Cờ chỉ cười xòa, không thèm chấp.
Cái đận họp lớp năm kia, đêm cuối cùng chia tay nhau, cả bọn xúm lại quanh bác quản Cờ, cùng hát chèo “Hôm nay ta vui, ta hát ta ca/Hát mừng đất nước chúng ta a đẹp giàu/A í a, í a ta mừng vui...”. Hát xong, đứa nào cũng rơm rớm nước mắt.
Nguyễn Thông