Nhưng bên cạnh đó, anh từng có thời kỳ vinh quang trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy khi đạt huy chương vàng diễn viên xuất sắc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, ngay bộ phim đầu tiên chạm ngõ điện ảnh "Chim phóng sinh" lừng lẫy một thời.
Diễn viên Phan Văn Sáng chia sẻ về lý do thường xuyên lui tới chia sẻ, an ủi nghệ sĩ Lê Bình trong những ngày cuối đời: "Tôi với anh Lê Bình là anh em chơi từ ngoài đời đến trong nghề nên khi nghe tin anh bệnh, lúc đầu tôi tìm đến thăm hỏi bình thường thôi.
Nhưng sau 1 lần, 2 lần lui tới, biết hoàn cảnh của anh có nhiều chuyện đau thương nên tôi quyết định mỗi ngày, cứ xong xuôi công việc là vô với anh cho vui. Bản thân tôi cũng từng bị ung thư đại tràng, cũng từng một thân một mình ở viện nên rất hiểu nỗi đau của người bệnh như anh Bình".
Những ngày nghệ sĩ Lê Bình bị liệt 2 chân, gần như ngày nào anh Phan Văn Sáng cũng lui tới chia sẻ, động viên, an ủi tinh thần.
Diễn viên Phan Văn Sáng (giữa) ngồi trò chuyện với những người bạn già của nghệ sĩ Lê Bình tại đám tang nghệ sĩ Lê Bình.
Khuyết tật, ung thư đại tràng và những cơn đau đớn hành hạ trên phim trường
Từ khi anh xuất hiện thường xuyên, anh cảm giác được tâm trạng của nghệ sĩ Lê Bình thế nào, có gì thay đổi không?
Anh Bình hay nói "mỗi lần gặp em, anh cảm thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa". Bản thân tôi yếu, chân tàn tật, lại từng có thời gian bị ung thư giống anh Bình, nên anh ấy bảo "em vượt qua được thì anh cũng phải cố gắng vượt qua".
Nghe anh Bình nói vậy, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm để động viên tinh thần anh chống chọi với bệnh tật. Nhưng giờ anh Bình đã đi rồi, tôi cũng chỉ mong anh ra đi thanh thản. Những khúc mắc của anh, tôi mong người ở lại nên cởi mở để anh ấy được siêu thoát.
Diễn viên Phan Văn Sáng và nghệ sĩ Lê Bình khi còn sống
Trong suốt thời gian anh ở gần nghệ sĩ Lê Bình, anh có nghĩ là nghệ sĩ Lê Bình ra đi sớm như vậy không?
Không. Theo tôi nghĩ, nếu anh Bình tin tưởng chấp nhận phác đồ điều trị của bệnh viện thì chưa chắc đã đi sớm như vậy.
Nhưng anh Bình dễ tin quá, ai bày cái gì anh ấy cũng uống cái đó. Tôi khuyên nhưng anh ấy không nghe. Có lẽ đó là định mệnh. Anh Bình ra đi, tôi cũng đau lòng lắm.
Anh có thể chia sẻ một số kỷ niệm ấn tượng giữa hai người?
Đó là năm 2012, lúc đó, tôi mới mổ ung thư được 8 tháng thì nhận được lời mời đi đóng phim "Cá lên bờ". Phim này tôi đóng chung với anh Bình luôn.
Tôi giấu hết mọi người trong đoàn phim, từ đạo diễn Trương Dũng đến anh em diễn viên. Phim đó, vai của tôi rất nặng ký nhưng vì mình quá mê nghề và hình thể của tôi thuộc dạng khó kiếm vai nên khi có vai thì mình quý như vàng nên cố gắng hết sức.
Sau khi đoàn quay xong phim tôi mới xin lỗi mọi người là mình đang bệnh. Bởi lúc quay, tôi bị các cơn đau hành hạ nên mồ hôi tuôn ra, làm phiền các bạn phục trang, hoá trang phải dặm phấn hoài.
Sau này anh Bình biết chuyện, anh bảo "anh nể mày quá Sáng ơi. Mày mới mổ 8 tháng mà dám đi phim này". Phim đó, vai tôi toàn cảnh diễn nặng. Và cũng từ đó, hai anh em bắt đầu chơi thân với nhau.
Diễn viên Phan Văn Sáng một thời lãng tử
Và tạo hình trong phim "Trùng quang tâm sử".
Cát xê diễn viên không đủ sống, rời xa nghệ thuật vì ít có cơ hội
Nhưng cơ duyên nào đã đưa anh đến con đường nghệ thuật?
Năm 1992, tôi cùng với một số anh em mở câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật. Mỗi lần tổ chức chương trình thì mình phải đi xin tiền tài trợ. Người thông cảm thì cho. Người không thông cảm thì nói nặng nói nhẹ làm mình tự ái.
Có lần tôi ngồi tâm sự với anh em chơi với nhau. Trong đó có anh Nguyễn Hồ là Giám đốc hãng phim TFS. Anh ấy bảo, để anh giúp. Anh ấy muốn cho cả xã hội biết tôi là người khuyết tật đứng ra lo cho những người cùng cảnh ngộ nên "đẻ" ra kịch bản "Chim phóng sinh".
Có kịch bản, anh ấy đưa đạo diễn đi tìm diễn viên chứ không giới thiệu tôi ngay. Khi đạo diễn tìm không được diễn viên, anh ấy mới gọi tên lên giới thiệu với đạo diễn. Tôi thử vai và được nhận.
Bản thân tôi là người khuyết tật, đâu có học về điện ảnh ngày nào. May mắn được anh em tạo điều kiện thì mình phải quý và cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể. Bộ phim thành công ngoài sự mong đợi và sau đó, tôi có đóng tiếp 7 phim nữa.
Phan Văn Sáng trong phim Chim phóng sinh
Trong số 8 phim mà tôi từng tham gia, tôi thích nhất là "Chim phóng sinh" và "Bến mơ", vai 1 người thương binh. Ở hai vai diễn này, tôi lột tả được tính cách, số phận của nhân vật nên thích nhất.
Thời anh còn đi đóng phim nhiều, tiền cát xê có đủ sống không?
Nói ra thì đụng chạm nhưng cát xê diễn viên không đủ sống, chỉ vì mình mê nghệ thuật quá mà làm thôi. Tôi nghĩ, diễn viên vẫn phải có nghề khác mới sống được.
Cá nhân tôi mưu sinh bằng rất nhiều việc, bởi tôi sống ở Sài Gòn từ nhỏ tới lớn, nhiều bạn bè. Bạn tôi làm sản xuất rất nhiều, tôi đi tới đâu, gặp ai có nhu cầu thì mình giới thiệu. Đôi bên hợp tác được thì sau đó, họ gởi bao thư cảm ơn.
Đang có sự nghiệp phim ảnh, tại sao anh lại ngưng?
Không phải tôi ngưng mà với hình thể của tôi thì ít có vai phù hợp, ít có cơ hội nên từ từ tôi rời xa nghiệp diễn. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi vẫn diễn ra bình thường, không ảnh hưởng nặng nề gì vì tôi vốn dĩ không đặt nặng vật chất, tiền bạc, có bao nhiêu xài từng đó. Mọi thứ vẫn đủ trong khả năng gói ghém của mình.
Diễn viên Phan Văn Sáng đau lòng trước sự ra đi của người bạn, người anh trong đời.
Hôn nhân tan vỡ, không còn nghĩ tới vợ con, bồ bịch
Tôi có xem một số bài báo cũ viết về anh và được biết, trước khi đến với bộ môn nghệ thuật thứ bảy, anh từng là vận động viên khuyết tật. Giai đoạn cuộc đời vận động viên của anh thế nào?
Khoảng năm 1990-1992, tôi có một nhóm bạn khuyết tật chơi với nhau. Qua báo chí, tôi thấy nước ngoài có môn đua xe lăn, bơi lội dành cho người khuyết tật. Tôi nghĩ, tại sao mình không thành lập câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật?
Tôi liên hệ với phòng thể thao quận Tân Bình lập đội đua xe lăn đầu tiên. Đội có 10-12 người. Lúc đầu thì tổ chức đua xe chơi cho vui giữa các thành viên trong đội ở công viên Hoàng Văn Thụ.
Sau này, những anh em khuyết tật khác vận động bên Đức cho một số tiền để mua xe lăn chuyên về bóng rổ, đồng thời bên Đức cử một chuyên gia về bóng rổ về dạy chúng tôi.
Nhưng được một thời gian thì buộc phải ngưng vì kinh phí bảo trì, trang bị quá mắc.
Từ năm 1995, từ câu lạc bộ đó, tôi được mời vào làm uỷ viên ban chấp hành Hội thể thao khuyết tật Trung ương. Tôi làm 5 năm, từ 1995 đến 2000.
Thời gian đó, hoạt động thể thao của anh em được đẩy mạnh, thêm các môn đánh tenis xe lăn, bóng rổ xe lăn, cầu lông xe lăn, bóng bàn xe lăn với nhiều cuộc đua ở TPHCM, Hà Nội, Quảng Trị...
Năm 2000, sức khoẻ của tôi yếu quá nên phải ngưng lại. Tôi nghĩ mình không đủ sức khoẻ làm cái lớn thì làm cái nhỏ nên tổ chức chương trình "Ngày hội cho trẻ em khuyết tật" ngày 1-6 hàng năm. Tới nay, tôi làm chương trình này cũng đã được 23 năm ở Cung văn hoá Lao động thành phố.
Những bài báo cũ cũng viết, anh từng có tình yêu đẹp, lãng mạn nhưng tiếc là đã gẫy đổ. Hiện tại, đời sống tình cảm của anh ra sao?
Tôi từng này tuổi rồi, chẳng còn nghĩ tới chuyện vợ chồng hay bồ bịch nữa. Giờ tôi có mấy đứa con nuôi, đó là niềm vui sống của tôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguyễn Huy-Nguyễn Hương/ TTT